Theo báo cáo do Viện nghiên cứu Fraster của Canada công bố, Singapore đã tăng một bậc, soán ngôi Hong Kong (Trung Quốc) để trở thành nền kinh tế tự do nhất thế giới.
Lần đầu tiên kể từ năm 1970 khi Chỉ số tự do kinh tế thế giới được Viện Fraser sử dụng, Hong Kong tụt xuống vị trí thứ hai để nhường lại vị trí số một cho Singapore. Điểm số của Hong Kong thậm chí còn có xu hướng tiếp tục giảm.
Báo cáo Chỉ số tự do kinh tế thế giới năm 2023 của Fraser dựa trên dữ liệu từ năm 2021, năm gần đây nhất có số liệu thống kê có thể so sánh được trên 165 nền kinh tế. Chỉ số này đo lường sự tự do kinh tế của các cá nhân, hoặc khả năng tự họ đưa ra các quyết định kinh tế.
Một số tiêu chí được Viện nghiên cứu Fraser sử dụng để đánh giá chỉ số tự do kinh tế bao gồm mức độ dễ dàng trong thương mại quốc tế, quyền tự do gia nhập và cạnh tranh trên thị trường, các quy định kinh doanh, sự can thiệp quân sự, tính ổn định của hệ thống pháp lý cùng nhiều tiêu chí khác.
Theo báo cáo của Viện nghiên cứu Fraster, những yếu tố khiến Hong Kong bị tụt giảm thứ hạng bao gồm những rào cản pháp lý, chi phí kinh doanh tăng và việc bị giới hạn người lao động nước ngoài đã làm gia tăng chi phí lao động.
Top 10 các nền kinh tế tự do hàng đầu thế giới. Ảnh: Fraser Institute
Trong khi đó, để duy trì vị thế trên trường quốc tế, Singapore đã thực hiện nhiều đổi mới, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của doanh nghiệp và đào tạo, nâng cao lực lượng lao động. Báo cáo nêu rõ: “Do cải thiện về quy mô chính phủ và các cấp quản lý, điểm tổng thể của Singapore đã tăng 0,06 điểm để chiếm vị trí dẫn đầu”.
Đứng sau Singapore và Hong Kong là các nền kinh tế Thụy Sĩ, New Zealand và Hoa Kỳ. Trong khi đó, Vương quốc Anh đứng ở vị trí thứ 9, Nhật Bản và Đức lần lượt đứng ở vị trí thứ 20 và 23.
Ngọc Hưng (CNBC)