Nhật Bản đang chuẩn bị tăng cường quan hệ kinh tế với Trung và Nam Mỹ vào năm 2024 bằng cách theo đuổi Thỏa thuận đối tác kinh tế (EPA) với Khối Thị trường chung Nam Mỹ - Mercosur.
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio. Ảnh: AFP/TTXVN
Mercosur là một khối thương mại bao gồm Brazil, Argentina và các quốc gia khác. Động thái này phản ánh chiến lược của Nhật Bản nhằm đảm bảo tài nguyên khoáng sản và an ninh lương thực. Chương trình ngoại giao của Nhật Bản với Mỹ Latinh sẽ gói gọn trong năm 2024. Đây là năm mà Brazil sẽ đăng cai Hội nghị Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và Peru sẽ là chủ tịch của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Nhật Bản sẽ tham gia cả hai diễn đàn này với tư cách thành viên.
Ngoài ra, năm 2024 còn đánh dấu “Năm Hữu nghị Nhật Bản - CARICOM” và Chính phủ Nhật Bản đang sắp xếp tổ chức hội nghị Ngoại trưởng tại Nhật Bản trong năm nay với Cộng đồng Caribe (CARICOM), bao gồm 14 quốc gia thành viên ở Trung và Nam Mỹ.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã hoãn chuyến thăm Brazil và các nước Mỹ Latinh khác dự kiến ban đầu vào tháng 1/2024 vì các lý do nội bộ. Tuy nhiên, các cơ quan ngoại giao dường như đang cân nhắc khả năng ông đến thăm Brazil trong kỳ nghỉ “Tuần lễ Vàng” vào tháng 5 hoặc sau khi kết thúc phiên họp thường kỳ của Quốc hội vào cuối tháng 6. Trọng tâm trước mắt sẽ là liệu Thủ tướng F. Kishida có thể đồng ý nghiên cứu chung về EPA Nhật Bản - Mercosur với Brazil hay không.
Mercosur hiện có 5 quốc gia thành viên là Brazil, Argentina, Uruguay, Paraguay và Bolivia - gia nhập vào tháng 12/2023. Đây là khối kinh tế lớn nhất ở Nam Mỹ, với dân số gần 300 triệu người và tổng sản phẩm quốc nội gần 3.000 tỷ USD (theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế năm 2023).
Về nguyên tắc, các nước thành viên của Mercosur không được tự mình đàm phán thương mại với các đối tác bên ngoài. Mercosur gần đây đã đạt được thỏa thuận thương mại tự do với Singapore, thỏa thuận đầu tiên với một quốc gia châu Á. Khối cũng đang hướng đến một thỏa thuận với Hàn Quốc và FTA giữa EU và Mercosur đang ở giai đoạn đàm phán cuối cùng. Tháng 11/2023, Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản (Keidanren) đã kêu gọi sớm ký kết EPA Nhật Bản - Mercosur và bày tỏ lo ngại rằng “Nhật Bản có thể tụt hậu trong thương mại và đầu tư”.
Ngày 10/1, Thủ tướng Fumio Kishida đã điện đàm với Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva để thảo luận về “một thỏa thuận thương mại khả thi giữa Mercosur và Nhật Bản”.
Sau hội cuộc điện đàm, Văn phòng Tổng thống Brazil đã đưa ra một thông cáo báo chí nhấn mạnh sự nghiêm túc của Brazil đối với thỏa thuận này. Các quan chức phía Nhật Bản cảm thấy rằng những người đồng cấp Brazil của họ đang “chuyển số”.
Mặc dù Trung và Nam Mỹ không mấy quen thuộc với người Nhật nói chung vì khoảng cách địa lý ở xa Nhật Bản nhưng đây là khu vực chiến lược quan trọng đối với Nhật Bản vì ít nhất 2 lý do.
Thứ nhất, nhiều nước Trung và Nam Mỹ rất giàu tài nguyên khoáng sản. Chile và Peru là những nhà xuất khẩu đồng lớn của Nhật Bản, trong khi lithium - thành phần thiết yếu của pin cho xe điện được nhập khẩu với số lượng lớn từ Chile và Argentina. Tăng cường hợp tác với các nước giàu tài nguyên ở Trung và Nam Mỹ chắc chắn sẽ thúc đẩy chuỗi cung ứng mạnh mẽ của Nhật Bản.
Thứ hai, từ góc độ an ninh lương thực, việc nhập khẩu nông sản ổn định từ Trung và Nam Mỹ sẽ giúp Nhật Bản giảm đáng kể tình trạng mất an ninh lương thực. Tuy nhiên, các sản phẩm nông nghiệp như thịt bò và thịt gia cầm có thể là một “điểm nghẽn”. Nông sản là "con dao hai lưỡi" đối với Tokyo vì EPA Nhật Bản -Mercosur có thể tác động bất lợi tới người chăn nuôi Nhật Bản. Điều này do hầu hết các nước thành viên Mercosur là nhà xuất khẩu thịt bò và hầu hết gia cầm nhập khẩu vào Nhật Bản đều đến từ Brazil. Nếu mức thuế tương đối cao đối với thịt bò và thịt gia cầm được giảm xuống, nhập khẩu những mặt hàng này vào Nhật Bản có thể sẽ tăng mạnh.
Mỹ và Trung Quốc là đối tác thương mại chính của Mỹ Latinh, trong khi Nhật Bản chỉ chiếm chưa đến 10% tổng số, nhưng ngày càng có nhiều lời kêu gọi giữa các thành viên Mercosur về việc tăng cường quan hệ với Nhật Bản nhằm giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Đối với Nhật Bản, việc hợp tác với các đối tác ở Trung và Nam Mỹ về các giải pháp bảo vệ môi trường cũng là điều không thể thiếu, như đảm bảo nguyên liệu thô cho nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) giúp giảm phát thải khí nhà kính.
Brazil sẽ đăng cai Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc - COP30 vào năm 2025. Đại sứ Octavio Cortes, đặc phái viên của Brazil tại Nhật Bản đã giới thiệu về nhiên liệu tái tạo đầy hứa hẹn, cho biết: “Brazil là nước sản xuất ethanol (nguyên liệu thô cho nhiên liệu sinh học) lớn nhất.”
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn của Nikkei, bà Shorna-Kay Richards - đại sứ Jamaica tại Nhật Bản bày tỏ sự cần thiết phải có khuôn khổ tham vấn thường xuyên mới với Nhật Bản. Thay mặt CARIROM, bà cho rằng một diễn đàn chính trị cấp cao có tính chất cấu trúc, chẳng hạn như Hội nghị Quốc tế Tokyo về Phát triển Châu Phi (TICAD) là một cơ chế rất hữu ích, vì vậy bà kêu gọi tổ chức một khuôn khổ tham vấn thường xuyên với Thủ tướng và Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản để đại diện cho quan điểm của CARICOM.
Cho đến nay, Nhật Bản và CARICOM đã tổ chức bảy hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao, nhưng chỉ có một Hội nghị Thượng đỉnh được tổ chức tại Trinidad và Tobago vào tháng 7/2014 với sự tham gia của Thủ tướng lúc bấy giờ là Shinzo Abe.
Đối với CARICOM - nơi tập hợp các quốc gia vừa và nhỏ, một khuôn khổ như TICAD, nơi các nhà lãnh đạo họp mặt ba năm một lần có vẻ hấp dẫn như một cách để tăng cường quan hệ với Nhật Bản trên cơ sở bền vững.
Xuân Giao