So với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận của hầu hết các công ty chứng khoán trong top đầu đều tăng trưởng mạnh, nhưng so với quý trước lại ghi nhận sự sụt giảm. Trong đó, lợi nhuận mảng môi giới bị “bào mòn” là nguyên nhân chính khiến nguồn thu của các công ty chứng khoán giảm mạnh.
Theo thống kê, tổng lợi nhuận của các công ty chứng khoán (CTCK) trong quý IV/2023 ước đạt gần 5.700 tỷ đồng, gấp gần 4 lần so với số lãi thấp kỷ lục của quý IV/2022 – thời điểm thị trường chạm đáy, tuy nhiên sụt giảm gần 19% so với quý III trước đó. Đây là quý đầu tiên lợi nhuận ngành chứng khoán sụt giảm sau 3 quý đầu năm đều ghi nhận tăng trưởng so với hơn quý liền trước.
Lợi nhuận “hụt hơi”
Hầu hết các CTCK nằm trong top đầu về lợi nhuận quý IV/2023 đều ghi nhận "tăng bằng lần" so với cùng đáy của cùng kỳ năm trước nhưng lại sụt giảm so với quý III. Trong đó, VNDirect trở lại vị trí số 1 về lợi nhuận với mức tăng trưởng ấn tượng gần 11.600% so với cùng kỳ và 26% so với quý III. Đây cũng là CTCK duy nhất có lợi nhuận trên mức 900 tỷ trong quý IV/2023.
TCBS, SSI và VPS cũng đều tăng trưởng lợi nhuận khoảng 150% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng sụt giảm hàng chục phần trăm so với quý III, lần lượt đạt 880 tỷ, 616 tỷ và 238 tỷ đồng.
Lợi nhuận của hầu hết các CTCK trong top đầu đều tăng trưởng mạnh, nhưng so với quý trước đó lại ghi nhận sự sụt giảm.
Theo các chuyên gia, diễn biến “lình xình” của thị trường chứng khoán trong quý IV/2023 được cho là nguyên nhân chính gây ảnh hưởng khá lớn tới kết quả kinh doanh của các CTCK.
Ngoại trừ một số trụ cột nhóm ngân hàng tăng mạnh nâng đỡ thị trường, hầu hết các nhóm cổ phiếu đều đi ngang, thậm chí quay đầu điều chỉnh trong suốt quý cuối năm 2023. Điều này đã tác động trực tiếp khiến hoạt động tự doanh của các CTCK kém hiệu quả so với quý III bùng nổ trước đó.
Đáng chú ý, tính riêng trong quý IV/2023, thanh khoản giao dịch khớp lệnh sàn HoSE trung bình đạt 14.000 tỷ đồng/phiên, sụt giảm gần 30% so với quý III. Việc thanh khoản thị trường “tụt áp” khiến nguồn thu của các CTCK giảm mạnh, nhất là từ mảng môi giới.
Theo thống kê, tổng doanh thu môi giới của các CTCK quý cuối năm ước đạt 3.300 tỷ đồng, giảm khoảng 900 tỷ (tương đương hơn 21%) so với quý III. Tuy nhiên, chi phí cho mảng hoạt động này chỉ giảm khoảng 6% so với quý trước. Lợi nhuận gộp mảng môi giới giảm đến 70% so với quý III, xuống còn hơn 300 tỷ. Biên lãi gộp bị thu hẹp đáng kể từ mức 25,5% trong quý III xuống còn 9,6%. Điều này đồng nghĩa với việc CTCK thu 10 đồng phí chỉ lãi chưa đến 1 đồng.
Đây là lần thứ 2 trong nhiều năm qua, biên lợi nhuận gộp của mảng môi giới chứng khoán xuống dưới 10%. Mức thấp kỷ lục là 8,7% ghi nhận vào quý I/2023. Biên lãi gộp rất mỏng cho thấy mức độ cạnh tranh trong ngành chứng khoán đang ngày càng trở nên khốc liệt khi các CTCK lao vào cuộc đua miễn, giảm phí để giành thị phần.
Cuộc đua “zero fee” bào mòn lợi nhuận mảng môi giới
Thực tế, không phải tất cả nhưng hầu hết các CTCK đều đã ít nhiều giảm phí giao dịch để thu hút thêm nhà đầu tư và giữ chân khách hàng. Thậm chí, một số công ty còn "chơi lớn" với chính sách "zero fee" trọn đời.
Gần đây nhất là Chứng khoánMBS. Trước đó, TCBS, Pinetree, DNSE, JBSV cũng đều đã miễn phí giao dịch trọn đời cho nhà đầu tư, ít nhất đối với tài khoản thường. Phần lớn các CTCK khác đang áp dụng mức phí khoảng 0,1-0,15% (đã bao gồm phí trả về Sở Giao dịch chứng khoán).
“Cuộc đua miễn, giảm phí ảnh hưởng đáng kể đến nguồn thu mảng môi giới, đặc biệt trong bối cảnh miếng bánh thị phần bị thu hẹp trong quý IV/2023 khi thanh khoản thị trường sụt giảm mạnh so với quý trước đó”, một chuyên gia đánh giá.
Cũng theo vị chuyên gia này, doanh thu giảm mạnh nhưng các CTCK vẫn phải gánh nhiều khoản chi phí cho hoạt động môi giới, dẫn đến lợi nhuận bị bào mòn.
Thực tế, đa phần các CTCK vẫn đang duy trì một hình thức môi giới truyền thống và các khoản hoa hồng cho đội ngũ này là không hề nhỏ. Bên cạnh đó, những công ty đã chuyển đổi sang mô hình không môi giới đa phần lại theo đuổi chính sách “zero fee”. Điển hình như TCBS, lợi nhuận gộp mảng này đã giảm 13% so với quý trước. Hay như Pinetree cũng đã nhiều năm chịu lỗ mảng môi giới.
Nhiều ý kiến chung nhận định, “zero fee” sẽ là xu hướng trong tương lai và biên lợi nhuận mảng môi giới được dự báo sẽ còn tiếp tục “mỏng”.
Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán DSC cho rằng xu thế hy sinh một phần lợi nhuận mảng môi giới sẽ còn tiếp tục trong năm 2024.
Tuy nhiên, hoạt động môi giới vẫn đóng vai trò rất quan trọng đối với các CTCK, đem về nhiều giá trị lớn không chỉ gói gọn trong con số lãi gộp. Môi giới góp phần xây dựng tệp khách hàng qua đó bán chéo các sản phẩm, dịch vụ như tư vấn, bảo lãnh phát hành, cho vay,…
Theo đó, các CTCK sẽ phải cạnh tranh bằng các biện pháp cung cấp dịch vụ tốt hơn, đào tạo nhà đầu tư tự giao dịch… hướng tới các nguồn thu ngoài phí giao dịch. Thực tế, trong 5 năm gần đây, lợi nhuận từ mảng margin luôn đóng góp 35-45% vào lợi nhuận gộp của các các CTCK.
“Mảng margin sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng lợi nhuận của nhóm chứng khoán”, Chứng khoán DSC kỳ vọng.
Bên cạnh mảng cho vay, hoạt động tư vấn cũng được kỳ vọng sẽ phát triển mạnh mẽ hơn khi chất lượng tệp khách hàng ngày càng được cải thiện và hàng hoá trên thị trường đa dạng hơn. Nhu cầu tư vấn chắc chắn sẽ gia tăng khi nhà đầu tư có xu hướng tìm kiếm kênh tích sản, tạo ra thu nhập thụ động nhiều hơn thay vì lao vào "trading" theo guồng quay thị trường đầy rủi ro.
Do đó, để đón đầu được xu hướng này, nhân viên môi giới cũng phải tự nâng cao kiến thức, đầu tư nhiều hơn cho hoạt động tư vấn vì cần hiểu rõ về kinh tế vĩ mô, biến động các thị trường, kiến thức đầu tư các loại tài sản. Đội ngũ môi giới sẽ tập trung vào nâng cao chất lượng tư vấn, đồng hành cùng nhà đầu tư sẽ thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển bền vững hơn.
Hải Giang