Được đánh giá là một trong những thị trường chứng khoán (TTCK) sôi động trong khu vực năm 2023, TTCK Việt Nam được nhận định sẽ tiếp tục thu hút dòng tiền trong năm 2024. Dự báo VN-Index sẽ dao động quanh mức 1.300 điểm.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 29/12/2023, chỉ số VN-Index đạt 1.129,93 điểm, tăng 12,19% so với cuối năm 2022. Theo đó, mức vốn hóa cổ phiếu niêm yết trên HoSE đạt hơn 4,55 triệu tỷ đồng, tăng 13,4% so với cuối năm 2022 và tương đương 47,9% GDP năm 2022.
4 yếu tố định hình thị trường
Năm 2024, TTCK Việt Nam được nhận định sẽ tiếp tục thu hút dòng tiền trong bối cảnh định giá của thị trường ở mức phù hợp, khả năng sinh lời của các doanh nghiệp khả quan hơn, chính sách tiền tệ nới lỏng với lãi suất thấp…
Năm 2024, TTCK Việt Nam được nhận định sẽ tiếp tục thu hút dòng tiền.
Trong báo cáo chiến lược năm 2024, Chứng khoán KB (KBSV) nhìn nhận TTCK sẽ có xu hướng hồi phục rõ nét hơn với 4 yếu tố chính định hình.
Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế quay trở lại mốc quanh 6%. Sau mức tăng trưởng thấp chỉ khoảng 5% GDP của năm 2023, KBSV có quan điểm lạc quan hơn về triển vọng kinh tế của năm 2024 với dự báo mức tăng quanh 6%.
Trong đó, các động lực tăng trưởng chính đến từ thị trường bất động sản khởi sắc hơn; chính sách tiền tệ và tài khóa mang tính chất hỗ trợ giúp lãi suất duy trì ở mức thấp, đầu tư công được đẩy mạnh, trong khi các chính sách miễn giảm thuế tiếp tục được duy trì; các động lực tăng trưởng truyền thống khác như vốn đầu tư nước ngoài, tiêu dùng nội địa và xuất khẩu phục hồi... Việc kinh tế tăng trưởng trở lại quanh mốc 6% sẽ tạo ra môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp niêm yết mở rộng hoạt động kinh doanh và tăng trưởng về doanh thu, lợi nhuận.
Thứ hai, mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp và đầu tư công được đẩy mạnh. Với dự báo các yếu tố khách quan về áp lực lạm phát và tỷ giá sẽ hạ nhiệt trong năm 2024, trong khi nợ công vẫn đang ở mức thấp, chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa mở rộng sẽ tiếp tục được duy trì trong năm 2024. Yếu tố này không chỉ hỗ trợ thị trường từ góc độ tăng trưởng kinh tế mà còn tác động trực tiếp giúp dòng tiền vào TTCK được cải thiện, định giá cổ phiếu tăng, đặc biệt ở các nhóm cổ phiếu của các doanh nghiệp hưởng lợi.
Thứ ba là việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) xoay chiều chính sách trong bối cảnh lạm phát đang hạ nhiệt tích cực và có thể tránh được một cuộc suy thoái.
Thứ tư, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại nhưng không quá mức trong năm 2024. Sự chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc là yếu tố rủi ro đáng chú ý trong năm 2024, khi quốc gia này mở cửa không thành công sau khi kết thúc chính sách zero-Covid đầu năm 2023 và các vụ vỡ nợ của doanh nghiệp bất động sản lớn liên tục diễn ra.
“Trong kịch bản cơ sở, Trung Quốc sẽ tránh được sự sụt giảm mạnh của nền kinh tế cũng như thị trường bất động sản trong năm 2024. Tăng trưởng kinh tế sẽ chỉ suy giảm nhẹ và các khó khăn tập trung chủ yếu nửa đầu năm, trong khi nửa sau 2024 có thể ghi nhận một số tín hiệu hồi phục tích cực”, báo cáo nêu.
Ngoài ra, một yếu tố được giới phân tích đánh giá là bước ngoặt của TTCK Việt Nam là khả năng sẽ được nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. Hiện, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cùng với các cơ quan liên quan và các công ty chứng khoán nỗ lực để đưa hệ thống giao dịch KRX vào vận hành sớm và loại bỏ quy định các nhà đầu tư tổ chức phải ký quỹ 100% trước khi giao dịch mua chứng khoán.
“Nếu TTCK Việt Nam được nâng hạng, ước tính tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam sẽ chiếm khoảng 0,7% - 1,2% trong rổ chỉ số thị trường mới nổi của MSCI và FTSE Russell. Khi đó, dòng vốn nước ngoài đổ thêm vào TTCK Việt Nam có thể lên 5 - 8 tỷ USD”, theo VinaCapital.
VN-Index dao động quanh 1.300 điểm
Với dự đoán điểm rơi lợi nhuận của thị trường chủ yếu sẽ vào quý III và IV/2024, lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết năm 2024 tăng 16,8% và P/E thị trường từ 12 - 12,5 lần, nhiều chuyên gia cho rằng VN-Index có thể sẽ dao động quanh mức 1.300 điểm.
Ông Huỳnh Hoàng Phương, Giám đốc khối Phân tích Công ty Tư vấn và Quản lý gia sản FIDT dự báo, trong kịch bản cơ sở, VN-Index năm 2024 sẽ tăng trưởng 15%, đạt 1.300 điểm, biên độ dao động 20 điểm.
Điều kiện cho kịch bản này là kinh tế Việt Nam hồi phục tốt trong bối cảnh kinh tế Mỹ hạ cánh mềm; rủi ro trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản ở mức hạn chế; dòng vốn ngoại trở lại từ cuối quý II/2024. Một số nhóm ngành đang có triển vọng sáng, như xây lắp điện, thủy sản, dầu khí, chứng khoán...
KBSV nhận định, xu hướng hồi phục của TTCK Việt Nam sẽ rõ nét hơn trong năm 2024, với vùng giá mục tiêu ở quanh 1.330 điểm.
Rủi ro đáng chú ý nhất của năm 2024 được KBSV nhìn nhận đến từ các xung đột địa chính trị, hay việc kinh tế toàn cầu tăng trưởng thấp với các nền kinh tế đầu tàu như Mỹ và Trung Quốc rơi vào suy thoái (nếu xảy ra). Trong nước, các yếu tố rủi ro chính đến từ áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp năm 2024 ở mức cao kỷ lục, xuất hiện các sự kiện ảnh hưởng đến an toàn hệ thống ngân hàng tương tự sự kiện SCB, hay triển vọng thị trường bất động sản kém tích cực hơn kỳ vọng.
Thậm chí, tại kịch bản cơ sở, Chứng khoán Tiên Phong (TPS) dự báo VN-Index năm 2024 sẽ dao động quanh mục tiêu 1.387 điểm, tương ứng mức tăng trưởng 10%. Còn theo kịch bản khả quan hơn, mức tăng trưởng toàn thị trường từ 15% sẽ dẫn dắt VN-Index lên mức 1.450 điểm.
Về danh mục khuyến nghị năm 2024, các chuyên gia chỉ ra những nhóm ngành đáng để đầu tư, gồm: năng lượng, dầu khí, tiêu dùng và ngân hàng, công nghệ thông tin, bất động sản khu công nghiệp, nhóm xuất khẩu, nhóm thép, nhóm hóa chất…
Ngoài ra, nhà đầu tư có thể tìm kiếm cơ hội ở các ngành có tính chất “phòng thủ”, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu ngành với kết quả kinh doanh ít phụ thuộc hơn vào chu kỳ kinh tế. Các cổ phiếu có đặc điểm như vậy thường sẽ là các doanh nghiệp có yếu tố nhà nước và hoạt động ở những ngành như công nghệ thông tin, viễn thông và các ngành tiện ích như thủy điện, nhiệt điện, cấp nước…
Hải Giang