Áp lực tỷ giá năm 2024 không quá lớn, các chuyên gia cho rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ có cơ hội để gia tăng thêm quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia, đồng thời thuận lợi hơn trong điều hành chính sách tiền tệ nới lỏng.
Chia sẻ với báo chí tại họp báo triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2024 được tổ chức ngày 3/1, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết trong năm 2023, giá trị VND tiếp tục được giữ vững, chỉ mất giá khoảng 2%, trong khi giá trị đồng tiền nhiều nước lớn mất đến hơn 10%.
VND chỉ mất giá khoảng 2% trong năm 2023
Theo Phó Thống đốc, năm qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều hành chính sách tiền tệ theo hướng linh hoạt, góp phần ổn định vĩ mô. Lạm phát ổn định, dự trữ ngoại hối gia tăng, góp phần vào tăng trưởng kinh tế đạt 5,5% trong bối cảnh nền kinh tế gặp khó khăn chưa có tiền lệ.
Còn về tỷ giá, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết trong năm 2023, NHNN đã giữ ổn định được thị trường ngoại tệ và hạn chế được các biến động lớn trong ngắn hạn của tỷ giá, ổn định giá trị đồng tiền.
"Giá trị đồng Việt Nam được giữ vững, nhiều nước có tiềm lực lớn thậm chí trong G7 có lạm phát ở mức cao, giá trị đồng tiền mất giá lớn, có nhiều nước đồng tiền mất giá từ 12-17%. Tại Việt Nam, đồng Việt Nam (VND) chỉ mất giá khoảng 2%, là mức rất thấp", ông Tú khẳng định.
Dự báo tỷ giá năm 2024 chỉ tăng 1,5-2,5%.
Nhìn lại năm 2023, tỷ giá có thời điểm tăng mạnh được lý giải là do tình trạng đầu cơ “găm” ngoại tệ để hưởng chênh lệch tỷ giá. Tuy nhiên, kể từ cuối tháng 9, NHNN đã phát hành lượng lớn tín phiếu đạt hơn 360.000 tỷ đồng. Theo đó, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đã tăng, góp phần rút chênh lệch lãi suất USD và tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng xuống còn 2-3%/năm thay vì gần 5%/năm trước đó.
Với diễn biến này, tỷ giá từ tháng 11 - 12/2023 hầu như không biến động theo hướng tăng mà trái lại còn hạ nhiệt. Đồng thời, các yếu tố như hoạt động thương mại và đầu tư và nguồn cung ngoại tệ trong nước tăng đã giúp áp lực mất giá tiền VND được kiềm chế.
Theo ước tính của NHNN chi nhánh TPHCM, trong năm 2023, lượng kiều hối đổ về TPHCM đạt 9 tỷ USD, tăng mạnh 35% so với năm 2022. Đây chỉ mới đơn thuần thống kê lượng kiều hối chuyển về qua hệ thống các ngân hàng thương mại, các tổ chức kinh tế trực tiếp nhận và chi trả ngoại tệ, chưa tính đến lượng kiều hối chuyển về qua các kênh phi chính thức khác. Lượng kiều hối của riêng TPHCM những năm trước đây thường chiếm tỷ trọng đến 50% của cả nước.
Còn theo một dự báo của Ngân hàng Thế giới, kiều hối của Việt Nam năm 2023 có thể đạt 14-15 tỷ USD. Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo dự trữ ngoại hối của Việt Nam năm 2023 đạt khoảng 100 tỷ USD, tương đương khoảng 17 - 18 tuần nhập khẩu (mức an toàn là trên 12 tuần nhập khẩu).
Trong báo cáo triển vọng năm 2024, VCBS nhận định, sức mạnh đồng USD tiếp tục là yếu tố chi phối tỷ giá. Năm 2023 được đánh giá là năm mà NHNN điều hành chính sách tiền tệ thành công, khi duy trì mức giảm giá của VND so với USD khoảng 3%. NHNN đã điều hành linh hoạt, với tỷ giá niêm yết tại Sở giao dịch mang tính định hướng thị trường. Đồng thời, thị trường ngoại hối hoạt động liên tục và không xảy ra hiện tượng thiếu hụt nguồn cung.
Không còn nhiều áp lực lên tỷ giá
Theo dự báo của các chuyên gia, năm 2024, kinh tế sẽ phục hồi chậm, song áp lực lạm phát cũng không đáng ngại. Vì vậy, chính sách tiền tệ năm 2024 sẽ tiếp tục được điều hành theo hướng nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế.
Ông Trần Ngọc Báu, CEO WiGroup nhận định: “Năm 2024, tỷ giá không còn là rào cản, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Vì vậy, hoàn toàn có thể kỳ vọng chính sách tiền tệ của Việt Nam sẽ nới lỏng hơn nữa”.
Theo đó, giới phân tích dự báo thách thức tỷ giá tiếp tục đến từ mức chênh lệch lãi suất USD - VND trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất huy động USD trong nước và nước ngoài. Tuy nhiên, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ dừng tăng lãi suất cơ bản USD, thậm chí còn giảm trong năm 2024 là yếu tố tác động tích cực lên tỷ giá.
Trong điều kiện thuận lợi, nếu chỉ số DXY (thước đo giá trị của USD so với 6 đồng tiền chủ chốt) không tăng mạnh và NHNN duy trì chính sách điều hành linh hoạt, thì VND có thể giữ mức giảm giá hợp lý dưới 3% so với USD trong năm 2024.
Giả sử khi có những diễn biến khó lường từ thị trường thế giới, nhà điều hành sẽ có một số điều kiện thuận lợi. Theo đó, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được kỳ vọng sẽ tăng trưởng khi môi trường đầu tư duy trì và những thách thức liên quan đến thuế tối thiểu toàn cầu được xử lý. Kiều hối cũng được dự báo tăng trưởng ổn định và thặng dư thương mại tiếp tục hỗ trợ cho tỷ giá.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng nhiều khả năng, Fed đã chấm dứt lộ trình tăng lãi suất, đồng nghĩa với việc USD không tăng giá nữa, dự báo tỷ giá năm 2024 chỉ tăng 1,5-2,5%.
Theo dự báo của Ngân hàng UOB, tỷ giá quý I/2024 là 24.000 VND/USD, quý II/2024 là 23.800 VND/USD, quý III/2024 là 23.800 VND/USD và quý IV/2024 là 23.500 VND/USD. Ông Đinh Đức Quang, Giám đốc điều hành Khối Kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam cho rằng nếu kịch bản này diễn ra, thì tỷ giá năm 2024 không những không tăng, thậm chí còn giảm so với năm 2023.
Huyền Anh