Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Nguyễn Thị Hương cho biết: Nhu cầu tiêu dùng và sản xuất trong nước phục hồi cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ của du lịch đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng của ngành thương mại dịch vụ trong 9 tháng năm 2024.
Khách hàng mua sắm tại siêu thị Big C Hà Nội. Ảnh: Trần Việt/TTXVN
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9/2024 ước tính tăng 1,2% so với tháng trước và tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 9 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 13,6% và doanh thu du lịch lữ hành tăng 16,7%.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 9/2024 ước đạt 535,8 nghìn tỷ đồng, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, doanh thu nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 10,6% và lưu trú, ăn uống tăng 7,9%. Trong quý 3/2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 1.591 nghìn tỷ đồng, tăng 1,7% so với quý trước và tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 9 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 4.703,4 nghìn tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 10,1%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,8% (cùng kỳ năm 2023 tăng 7,6%).
Doanh thu bán lẻ hàng hóa 9 tháng năm 2024 ước đạt 3.630,2 nghìn tỷ đồng, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 5,4%). Trong đó, hàng lương thực, thực phẩm tăng 10,6%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 9,3%; may mặc và vật phẩm văn hoá, giáo dục cùng tăng 9,1%; phương tiện đi lại (trừ ô tô) tăng 5,4%.
Doanh thu bán lẻ hàng hóa 9 tháng năm nay so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương như: Quảng Ninh tăng 10,4%; Hải Phòng tăng 9,3%; Cần Thơ tăng 7,7%; Đà Nẵng tăng 7,4%; TP Hồ Chí Minh tăng 7,2%; Hà Nội tăng 7%.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 9 tháng năm 2024 ước đạt 543,0 nghìn tỷ đồng, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 9 tháng năm nay so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương như: Khánh Hòa tăng 18,0%; Cần Thơ tăng 11,9%; Hà Nội tăng 10,5%; TP Hồ Chí Minh tăng 9,4%; Bình Dương tăng 7,9%.
Doanh thu du lịch lữ hành 9 tháng năm 2024 ước đạt 45,6 nghìn tỷ đồng, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước do các địa phương ngay từ đầu năm đã tích cực đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, thu hút khách trong nước và quốc tế.
Doanh thu du lịch lữ hành 9 tháng năm nay so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương gồm: TP Hồ Chí Minh tăng 42,2%; Đà Nẵng tăng 38,6%; Cần Thơ tăng 33,7%; Hà Nội tăng 29,7%; Quảng Ninh tăng 21,0%; Bình Dương tăng 14,6%.
Doanh thu dịch vụ khác 9 tháng năm 2024 ước đạt 484,6 nghìn tỷ đồng, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ khác 9 tháng năm nay so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương Cần Thơ tăng 11%; Quảng Nam tăng 9,6%; Quảng Ninh giảm 0,8%; Đà Nẵng giảm 3,6%.
Song theo đánh giá của bà Đinh Thị Thúy Phương, Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và dịch vụ, Tổng cục Thống kê, mặc dù tốc độ tăng trưởng thương mại bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng năm 2024 ước tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2023, nhưng chưa đạt được mức tăng trưởng như thời kỳ trước dịch COVID-19 (tăng trên 10%) và mức tăng 9 tháng năm nay thấp hơn 2,5 điểm phần trăm so với mức tăng bình quân 9 tháng các năm giai đoạn (2015-2019).
Tuy nhiên, xét theo quy mô thương mại bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng năm 2024 có mức tăng trưởng khá so với các năm. Trong đó, năm 2024 so với năm 2023 tăng 379.108 nghìn tỷ đồng, so với năm 2022 tăng 775.323 nghìn tỷ đồng. Theo đó, 9 tháng năm 2024 phản ánh cầu tiêu dùng trong nước phục hồi nhưng chưa cao.
Ngoài ra, Tổng cục thống kê chỉ rõ một số yếu tố tác động tăng trưởng thương mại bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 9 tháng năm 2024. Đó là nhu cầu tiêu dùng trong nước phục hồi; lượng khách quốc tế đến Việt Nam 9 tháng năm 2024 đạt hơn 12,7 triệu lượt người, tăng 43% so với cùng kỳ năm trước; khách du lịch nội địa tăng theo đó góp phần tác động lan tỏa đến kết quả hoạt động một số ngành kinh tế. Trong đó, ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống; vận tải; bán lẻ..., góp phần làm tăng doanh thu các ngành dịch vụ trong nước tăng.
Bên cạnh đó, chính sách thuế VAT (giảm VAT từ 10% xuống 8%) đối với một số mặt hàng thiết yếu, góp phần giảm chi phí sản xuất, giữ ổn định giá thành hàng hóa và dịch vụ, thúc đẩy tiêu dùng, góp phần tăng trưởng thương mại bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng.
Nhằm bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu, phát triển thị trường trong nước từ nay đến cuối năm, Tổng cục Thống kê đề xuất, Bộ Công Thương tiếp tục đẩy nhanh việc rà soát, sửa đổi, xây dựng và hoàn thiện một số văn bản quy phạm pháp luật phục vụ công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thị trường trong nước bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn, phục vụ hiệu quả cho công tác điều hành kinh tế vĩ mô và hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân và doanh nghiệp.
Ngoài ra, tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành địa phương theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân, không để xảy ra tình trang thiếu hàng, sốt giá; phối hợp với các bộ, ngành trong việc tham mưu điều hành giá các mặt hàng do nhà nước quản lý giá…
Thúy Hiền (TTXVN)
Link gốc