Hội đồng Liên minh châu Âu hôm 22/10 đã đạt được một thỏa thuận quan trọng về giới hạn khai thác đối với các nguồn cá chính ở Biển Baltic, bao gồm cá trích, cá tuyết, cá bơn, cá trích cơm và cá hồi.
Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) hôm 22/10 đã đạt được một thỏa thuận quan trọng về giới hạn khai thác đối với các nguồn cá chính ở Biển Baltic, bao gồm cá trích, cá tuyết, cá bơn, cá trích cơm và cá hồi. Thỏa thuận này nhằm đảm bảo nguồn cá bền vững và duy trì sinh kế của ngành thủy sản trong tương lai.
Thỏa thuận về tổng sản lượng khai thác cho phép (TAC) và hạn ngạch quốc gia cho năm 2025 được xây dựng trên cơ sở khuyến nghị từ Hội đồng quốc tế khảo sát biển (ICES). Mỗi quốc gia thành viên EU sẽ có giới hạn khai thác cụ thể đối với từng loài cá, nhằm đảm bảo cân bằng giữa việc duy trì môi trường biển và bảo vệ nguồn sinh kế của người dân làm nghề đánh bắt cá.
Các Bộ trưởng Thủy sản EU đã xem xét kỹ lưỡng cả yếu tố môi trường và kinh tế - xã hội. Mục tiêu hàng đầu là bảo vệ các nguồn cá bền vững, giúp phục hồi hệ sinh thái biển, đồng thời vẫn hỗ trợ ngành đánh bắt cá. Theo ông István Nagy, Bộ trưởng Nông nghiệp Hungary, quốc gia hiện đang giữ chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU, sinh kế của người dân đánh cá phụ thuộc vào việc duy trì bền vững các nguồn cá. Với thỏa thuận này, EU đặt mục tiêu cân bằng giữa việc giúp các nguồn cá phục hồi, bảo vệ hệ sinh thái biển và đảm bảo tương lai cho ngành thủy sản.
Theo đánh giá, nguồn cá trích ở khu vực trung tâm Biển Baltic đã tăng trưởng mạnh, vượt mức bền vững tối thiểu trong năm qua. Với dự báo khoa học tích cực, Hội đồng đã quyết định tăng 108% cơ hội khai thác loài cá này. Các giới hạn khai thác cá trích ở Vịnh Riga và Vịnh Bothnia cũng tăng lần lượt 10% và 21%, phù hợp với khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC).
Do tình trạng suy giảm sinh khối, cá tuyết Đông và Tây Baltic chỉ được phép khai thác không chủ ý, với giới hạn khai thác giảm lần lượt 28% và 22% so với năm ngoái. Dù tình trạng nguồn cá bơn vẫn tốt, Hội đồng quyết định giữ nguyên giới hạn khai thác nhằm ngăn chặn tình trạng đánh bắt không chủ ý các loài khác, đặc biệt là cá tuyết.
Để tránh suy giảm nguồn cá xuống dưới mức bền vững, TAC cho cá trích cơm sẽ giảm 31%. Trong khi đó, giới hạn khai thác cá hồi trong lưu vực chính giảm 36%, và việc đánh bắt cá hồi giải trí sẽ bị giới hạn ở mức một con cá hồi mỗi ngày cho mỗi người, sau đó phải ngừng việc đánh bắt.
Hội đồng EU sẽ chính thức thông qua quyết định này trong cuộc họp sắp tới, sau khi hoàn tất văn bản pháp lý. Thỏa thuận này không chỉ nhằm bảo vệ nguồn cá mà còn góp phần giải quyết các thách thức về đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường ở Biển Baltic, khu vực biển ô nhiễm nhất châu Âu.
Với chiến lược dài hạn này, EU tiếp tục hướng tới bảo vệ sự bền vững của hệ sinh thái biển và phát triển ngành thủy sản một cách toàn diện.