Trong bối cảnh còn không ít khó khăn thách thức, kinh tế Việt Nam vẫn được kỳ vọng sẽ tăng trưởng hơn nữa. Những nỗ lực từ Chính phủ, người dân và cộng đồng doanh nghiệp sẽ là những yếu tố then chốt để phát huy nội lực đất nước, bù đắp sự suy giảm tăng trưởng do các yếu tố ngoại lực gây ra.
Tại phiên họp Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đầu tuần này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương khẳng định, tốc độ tăng GDP cả năm 2024 chắc chắn sẽ vượt mục tiêu Quốc hội đề ra (6 - 6,5%), ước đạt khoảng 6,8 - 7%. Con số này cũng vượt dự báo của các tổ chức quốc tế, thuộc nhóm ít các nước tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới. Thứ trưởng cho biết, nếu không có ảnh hưởng của bão số 3, mức tăng trưởng sẽ còn cao hơn.
"GDP chắc chắn vượt mục tiêu"
Theo phân tích của đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tốc độ tăng GDP vượt mục tiêu Quốc hội đề ra nhờ nhiều lĩnh vực duy trì đà tăng khá như khu vực dịch vụ ước tăng 7%; thu ngân sách nhà nước ước tăng 10,1% so với dự toán…
Đặc biệt, điểm sáng nhất là thu hút FDI với số vốn đăng ký 8 tháng đạt gần 19,3 tỷ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ; vốn FDI thực hiện ước đạt 13,55 tỷ USD, tăng 3,4%, cao nhất từ năm 2021 đến nay. Bên cạnh đó, lĩnh vực hạ tầng được đầu tư mạnh mẽ, có bước đột phá rõ nét, nhất là hạ tầng giao thông, điện lực. Và, công tác hoàn thiện thể chế, pháp luật được chỉ đạo quyết liệt.
Theo đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng trưởng GDP năm 2024 chắc chắn sẽ vượt mục tiêu Quốc hội đề ra (6-6,5%), ước đạt khoảng 6,8 - 7%.
Nhiều tổ chức quốc tế cũng đã đưa ra nhận định tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2024 và những năm tiếp theo, dự báo tăng trưởng GDP khả quan bất chấp ảnh hưởng từ bão Yagi.
Trong đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2024 lên 6,1%. Nhận định xuất khẩu và du lịch là hai lĩnh vực góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng của nền kinh tế trong giai đoạn phục hồi, IMF kỳ vọng tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đạt mức cao hơn dự báo gần 6% đưa ra hồi tháng 6.
Trước IMF, Ngân hàng HSBC cũng dự báo những khả năng tích cực tiềm tàng có thể bù đắp cho tổn thất kinh tế tạm thời do siêu bão Yagi gây ra. Do đó, ngân hàng này giữ nguyên quan điểm tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2024 và 2025 ở mức 6,5%.
Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cũng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam không thay đổi, ở mức 6,0% trong năm nay và 6,2% vào năm sau.
Riêng ngân hàng Singapore United Overseas Bank (UOB) sau khi tính đến những yếu tố ảnh hưởng từ bão Yagi, các nỗ lực tái thiết và nền cơ sở cao hơn trong nửa cuối năm 2023 đã điều chỉnh giảm mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Cụ thể, quý III có tốc độ tăng trưởng chậm lại ở mức 5,7% (trước đó dự báo 6%), quý IV là 5,2% (trước đó dự báo 5,4%). Dự báo tăng trưởng cả năm là 5,9%, giảm 0,1% so với dự báo trước đó. Tuy nhiên, dự báo tăng trưởng GDP cho năm 2025 được điều chỉnh tăng 0,2%, lên 6,6%.
Củng cố nội lực
Dù đánh giá tích cực, các tổ chức quốc tế đều dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2024 vẫn thấp hơn nhận định của Chính phủ (xung quanh mức 6%, cao nhất là 6,5%). Một số rủi ro mà nền kinh tế có thể phải đối mặt đã được chỉ ra.
Báo cáo của S&P Global công bố mới đây cho thấy Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam tháng 9 là 47,3, giảm mạnh từ mức 52,4 của tháng trước. Kết quả này một lần nữa khẳng định mức độ nghiêm trọng mà bão Yagi đã tác động đến ngành sản xuất của Việt Nam. Theo S&P Global, bão Yagi đã đặt dấu chấm hết cho thời kỳ tăng trưởng mạnh của ngành sản xuất khi mưa lớn, lũ lụt gây ra việc đóng cửa tạm thời, chậm trễ trong chuỗi cung ứng và dây chuyền sản xuất. Sản lượng sản xuất đã kết thúc thời kỳ tăng trưởng kéo dài 5 tháng, đây cũng là mức suy giảm đáng kể nhất kể từ tháng 1 năm ngoái.
Sản xuất công nghiệp là yếu tố đã hỗ trợ mạnh mẽ cho kinh tế Việt Nam tăng trưởng ấn tượng trong nửa đầu năm. Do đó, việc PMI sụt giảm vào cuối quý III sẽ là một trở ngại đáng kể cho mục tiêu tăng trưởng cả năm.
Bên cạnh đó, việc FED cắt giảm lãi suất cũng là một yếu tố được giới phân tích nhận định tác động đến kinh tế Việt Nam.
Ông Michael Kokalari, CFA, Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường của VinaCapital lo ngại về ý nghĩa của quy mô cắt giảm này đối với nền kinh tế Mỹ, từ đó ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam. "Xuất khẩu nói chung và xuất khẩu sang Mỹ nói riêng tăng gần 30% trong 8 tháng đầu năm 2024 là yếu tố quan trọng nhất thúc đẩy tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm nay. Vì vậy, việc nền kinh tế Mỹ chậm lại có khả năng làm giảm nhu cầu tiêu dùng của Mỹ đối với các sản phẩm "Made in Vietnam" như máy tính xách tay, điện thoại di động và các hàng hóa khác", ông Michael Kokalari lưu ý.
Theo chuyên gia này, tăng cường chi tiêu cho cơ sở hạ tầng và đẩy nhanh sự phục hồi của thị trường bất động sản sẽ là hai công cụ mạnh mẽ mà Chính phủ có thể sử dụng để tránh những tác động tiêu cực từ sự sụt giảm tăng trưởng xuất khẩu.
"Theo các nguồn tin trong ngành của chúng tôi, có khả năng khối lượng giao dịch bất động sản tại Việt Nam sẽ tăng tới 35% so với cùng kỳ năm trước trong 9 tháng đầu năm 2024", ông Michael Kokalari nêu.
Còn Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương khi nói về các giải pháp thực hiện mục tiêu kinh tế - xã hội từ nay đến cuối năm cũng nhấn mạnh việc chú trọng ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, phấn đấu tốc độ tăng GDP đạt khoảng 7%, hoàn thành toàn bộ 15 chỉ tiêu chủ yếu.
Theo đó, Chính phủ sẽ tiếp tục tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng, tập trung cho sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; trình Quốc hội ban hành ngay trong Kỳ họp thứ 8 các dự án luật (sửa đổi) và các dự án một luật sửa nhiều luật về đầu tư, đầu tư công, tài chính, ngân sách nhà nước, tài sản công…
Các chuyên gia nhận định, việc thực hiện các giải pháp dài hạn và có tính chiến lược, cải thiện nội lực đất nước từ cải cách hành chính, phát triển cơ sở hạ tầng, đến bảo vệ môi trường và phát triển nguồn nhân lực, sẽ là yếu tố then chốt giúp Việt Nam vượt qua khó khăn và vững bước trên con đường phát triển. Chính phủ, doanh nghiệp và người dân cần phối hợp chặt chẽ để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo một tương lai ổn định và thịnh vượng.
Ông Thạch Phước Bình, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh
Mặc dù nhiều thách thức nhưng Việt Nam vẫn có khả năng đạt được các mục tiêu kinh tế - xã hội đề ra cho năm 2024 nếu các giải pháp kịp thời và phù hợp được triển khai. Các chỉ tiêu tăng trưởng GDP, kiểm soát lạm phát và giảm tỷ lệ thất nghiệp có thể đạt được nếu Chính phủ và doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện các chính sách kinh tế và xã hội. Tuy nhiên, việc đạt được các mục tiêu về an sinh xã hội và phát triển bền vững có thể gặp khó khăn hơn, đòi hỏi sự đầu tư dài hạn và chiến lược hợp lý.
Ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence
Cơn bão Yagi đã đặt dấu chấm hết cho thời kỳ tăng trưởng mạnh của ngành sản xuất. Tuy nhiên, tình hình nhu cầu sẽ vẫn có lợi cho tăng trưởng. Điều này có nghĩa là chúng ta có thể thấy sự bật dậy nhanh chóng của ngành khi thời kỳ phục hồi sau bão bắt đầu. Các công ty vẫn lạc quan về triển vọng năm tới và đã tăng việc làm ngay cả khi khối lượng công việc giảm.
Ông Đỗ Quang Hinh, Trưởng bộ phận Vĩ mô và Chiến lược thị trường, VNDirect
Chúng tôi duy trì đánh giá khả quan đối với triển vọng xuất khẩu trong những tháng cuối năm nay. Do đó, chúng tôi nâng dự báo tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu năm nay lên 15,2% so với cùng kỳ, tăng so với dự báo trước đó là 10 - 12% so với cùng kỳ; và nâng dự báo tăng trưởng nhập khẩu năm nay lên 17,2% so với cùng kỳ, tăng so với dự báo trước đó là 13 - 15%. Hoạt động xuất nhập khẩu vượt dự báo được kỳ vọng sẽ phần nào bù đắp sự suy giảm tăng trưởng do cơn bão số 3 gây ra đối với nền kinh tế.
Đỗ Kiều-Link gốc