Trong tháng Chín, giá thực phẩm toàn cầu tăng mạnh nhất trong hơn 2 năm, theo dữ liệu của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO). Chi phí thực phẩm có thể tiếp tục gây áp lực lên người tiêu dùng khi thời tiết xấu và căng thẳng leo thang ở Trung Đông đe dọa làm gián đoạn các thị trường trên toàn cầu.
FAO ghi nhận, chỉ số giá thực phẩm toàn cầu trong tháng Chín, tăng 3% so với tháng Tám, đánh dấu tốc độ tăng hàng tháng mạnh nhất kể từ tháng 3-2022. Ảnh: commodity-board.com
Theo báo cáo của FAO, trong tháng trước, chỉ số giá thực phẩm toàn cầu (theo dõi chi phí ngũ cốc, đường, thịt, sữa và dầu thực vật) đạt mức trung bình 124,4 điểm, tăng 3% so với tháng Tám. Mức này đánh dấu tốc độ tăng hàng tháng mạnh nhất kể từ tháng 3-2022.
Chỉ số thực phẩm của FAO theo dõi chi phí hàng hóa thô thay vì giá bán lẻ, vì vậy, báo hiệu giá thực phẩm trên kệ hàng có thể cao hơn trong thời gian tới. Điều đó sẽ gây áp lực lên người tiêu dùng khắp toàn cầu trong bối cảnh thời tiết xấu diễn ra ở những nước sản xuất hàng hóa nông nghiệp chủ chốt. Đồng thời, căng thẳng leo thang ở Trung Đông đang đe dọa làm gián đoạn các thị trường thực phẩm.
Các hiện tượng thời tiết cực đoan tiếp tục là một trong những yếu tố lớn nhất ảnh hưởng đến sản xuất thực phẩm toàn cầu. Trong tháng Chín, các kiểu thời tiết bất thường diễn ra trên nhiều châu lục, làm gián đoạn nghiêm trọng năng suất cây trồng và chăn nuôi.
Tại Canada và một số nước thuộc EU, mưa lớn và điều kiện ẩm ướt làm trì hoãn vụ thu hoạch lúa mì, dẫn đến nguồn cung giảm và đẩy giá lên cao. Đồng thời, tại Mỹ và Brazil, mực nước thấp trên các con sông lớn cản trở hoạt động vận chuyển bắp. Tình hình này cho thấy tính dễ bị tổn thương của chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu trước biến đổi khí hậu.
Dù chỉ số giá thực phẩm của FAO đã hạ nhiệt từ mức cao kỷ lục được ghi nhận ngay sau cuộc xung đột Nga-Ukraine, nhưng các dấu hiệu nguồn cung thắt chặt và các điểm nghẽn trên các tuyến thương mại toàn cầu đã thúc đẩy giá thực phẩm tăng trở lại.
FAO ghi nhận, giá đường tăng mạnh nhất (10,4%) trong tháng trước do triển vọng vụ thu hoạch mía kém hơn dự báo ở Brazil. Bên cạnh đó là mối lo ngại Ấn Độ dỡ bỏ các hạn chế sử dụng mía để sản xuất ethanol có thể hạn chế nguồn cung đường xuất khẩu của nước này.
Chỉ số giá ngũ cốc của FAO tăng 3% trong tháng trước, do giá xuất khẩu lúa mì và bắp cao hơn. Giá lúa mì quốc tế tăng chủ yếu do lo ngại điều kiện ẩm ướt quá mức ở Canada và Liên minh châu Âu (EU). Giá bắp cũng tăng do mực nước thấp trên các tuyến đường vận chuyển quan trọng dọc theo sông Madeira ở Brazil và sông Mississippi ở Mỹ ảnh hưởng khả năng vận chuyển. Ngược lại, chỉ số giá gạo toàn cầu của FAO giảm 0,7%, một phần phản ánh hoạt động giao dịch nhìn chung trầm lắng.
Chỉ số giá dầu thực vật tăng 4,6% so với tháng Tám, với giá dầu cọ, dầu đậu nành, dầu hướng dương và dầu hạt cải đều cao hơn. Giá dầu cọ quốc tế tăng do sản lượng thấp hơn dự kiến ở các nước sản xuất lớn ở Đông Nam Á. Trong khi đó, sản lượng chiết dầu đậu nành thấp hơn dự kiến ở Mỹ thúc đẩy giá mặt hàng này.
Chỉ số giá bơ sữa của FAO tăng 3,8% trong tháng Chín, với giá sữa bột nguyên chất, sữa tách béo, bơ và phô mai đều tăng. Chỉ số giá thịt tăng 0,4%, chủ yếu do giá thịt gia cầm cao hơm. Giá thịt bò và thịt heo trên thị trường thế giới vẫn ổn định, trong khi giá thịt cừu giảm nhẹ so với tháng Tám.
FAO tăng nhẹ dự báo sản lượng ngũ cốc toàn cầu trong niên vụ 2024-2025 lên 2.853 triệu tấn. Sản lượng lúa mì thế giới dự kiến tăng 0,5% so với niên vụ trước nhờ triển vọng năng suất cải thiện ở Úc bù đắp cho mức sản lượng dự kiến giảm ở EU do điều kiện ẩm ướt quá mức. Sản lượng gạo thế giới trong niên vụ 2024-2025 dự báo tăng 0,9% để đạt mức cao lịch sử 539,2 triệu tấn.
Tổng lượng sử dụng ngũ cốc trên thế giới dự báo tăng 0,4% lên 2.853 triệu tấn trong niên vụ 2024-2024. Dự trữ ngũ cốc toàn cầu dự đoán tăng 1,2%, trong đó, dự trữ gạo tăng mạnh nhất với 3,6%. Điều này dẫn đến tỷ lệ dự trữ ngũ cốc so với tổng sử dụng trên toàn cầu đạt mức khá cao 30,6%. Theo đánh giá của FAO, tỷ lệ này cho thấy triển vọng nguồn cung đầy đủ trong niên vụ hiện tại.
FAO ước tính, thương mại ngũ cốc toàn cầu sẽ đạt 488,1 triệu tấn trong niên vụ 2024-2025, giảm 2,7% so với niên vụ trước. Tuy nhiên, cơ quan này dự báo, việc tăng nhập khẩu gạo của châu Phi và Trung Đông có thể dẫn đến sự phục hồi thương mại gạo quốc tế trong niên vụ 2025-2026.
Theo Fao.org, Bloomberg
Khánh Lan-Link gốc