Brexit đã gây ra khoản lỗ thương mại 27 tỷ bảng (tương đương 33,98 tỷ USD) cho Vương quốc Anh trong hai năm đầu tiên sau khi nước này rời EU.
Cờ Anh (phía dưới) và cờ EU (phía trên) bên ngoài tòa nhà Quốc hội Anh ở London ngày 11/12/2017. AFP/TTXVN
Một nghiên cứu toàn diện của Trường Kinh tế London (LSE) thuộc trường Đại học London (UCL) cho thấy Brexit, chỉ việc Vương quốc Anh rời Liên minh châu Âu (EU), đã gây ra khoản lỗ thương mại 27 tỷ bảng (tương đương 33,98 tỷ USD) cho Vương quốc Anh trong hai năm đầu tiên sau khi nước này rời EU.
Nghiên cứu do các nhà khoa học tại Trung tâm Hiệu suất Kinh tế (CEP) thực hiện dựa trên phân tích dữ liệu từ hơn 100.000 công ty Anh quốc. Theo đó, họ phát hiện ra rằng các rào cản thương mại được áp dụng theo Thỏa thuận Thương mại và Hợp tác (TCA) có hiệu lực từ năm 2020 đã gây khó khăn đáng kể cho các doanh nghiệp nhỏ, buộc nhiều doanh nghiệp phải ngừng giao dịch với các quốc gia EU.
Theo nghiên cứu, vào cuối năm 2022, xuất khẩu hàng hóa của Anh đã giảm 6,4% và nhập khẩu giảm 3,1%. Mặc dù các số liệu này khá đáng kể, chúng ít nghiêm trọng hơn so với dự báo ban đầu của Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách Anh (OBR).
OBR đã ước tính thương mại của Anh về dài hạn sẽ sụt giảm 15% và dẫn đến thu nhập quốc dân giảm 4%. Dù thừa nhận khả năng suy giảm hơn nữa, các nhà nghiên cứu của CEP cho biết tổn thất thương mại hai năm đầu tiên chỉ bằng chưa đến một nửa so với dự kiến của OBR.
Ông Thomas Sampson, một trong những tác giả của báo cáo và là Phó Giáo sư kinh tế tại LSE, lưu ý rằng cần thêm thời gian để xác định mức độ suy giảm thương mại có gia tăng hay không. Nhưng ông cũng chỉ ra mức suy giảm thêm sẽ phải lớn hơn nữa để phù hợp với các dự báo dài hạn của OBR.
Nghiên cứu cũng phát hiện các công ty lớn đã điều chỉnh hoạt động hiệu quả hơn so với những doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Trong khi các công ty lớn duy trì được khối lượng thương mại với EU, hơn 14.000 công ty - chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ chưa tới 100 nhân viên - đã ngừng hoàn toàn giao dịch với khối này.
Ông Sampson gọi TCA là một "thảm họa đối với các nhà xuất khẩu quy mô nhỏ", lưu ý rằng những công ty lớn đã thích ứng tốt với các rào cản thương mại mới.
TCA đã đưa ra nhiều yêu cầu thủ tục khác nhau, bao gồm kiểm tra hải quan, thủ tục giấy tờ, yêu cầu về quy tắc xuất xứ, thuế tiêu thụ đặc biệt, kiểm tra vệ sinh và kiểm dịch thực vật. Mặc dù thuế quan không phải là một phần của thỏa thuận, nhưng việc chứng minh các sản phẩm từ Anh quốc đáp ứng các quy định của thị trường EU đã tạo ra nhiều trở ngại hơn. Đáng chú ý, nhiều biện pháp kiểm tra nêu trên đã tạm được hoãn và các biện pháp tiếp theo dự kiến sẽ được thực hiện vào năm tới.
Nghiên cứu chỉ tập trung vào hàng hóa, không gồm mảng nhập khẩu và xuất khẩu dịch vụ vốn phần lớn nằm ngoài thị trường chung châu Âu.
Theo bà Kalina Manova, một đồng tác giả của nghiên cứu và Giáo sư kinh tế tại UCL, hiệu quả hoạt động lâu dài của các công ty sẽ phụ thuộc vào việc duy trì mạng lưới cung ứng và đa dạng hóa nhu cầu xuất khẩu trước bối cảnh những rào cản phi thuế quan cao hơn và xuất hiện các yếu tố không chắc chắn trong thương mại với EU.
Bộ trưởng Tài chính Anh Rachel Reeves có thể sẽ hoan nghênh những phát hiện này khi chúng nêu bật khả năng phục hồi của nền kinh tế. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng gây áp lực yêu cầu bà Reeves phải tập trung vào việc giảm bớt các rào cản thương mại nhằm hạn chế thiệt hại hơn nữa.
Vương quốc Anh dự kiến sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán vào năm tới với EU về giai đoạn tiếp theo của TCA. Các bộ trưởng dự kiến sẽ phản đối lời kêu gọi mở cửa thị trường nông nghiệp Anh cho các nông dân và ngư dân của EU để đổi lấy việc hàng hóa Anh tăng khả năng tiếp cận vào khối này.
Hương Thủy-Link gốc