Xuất khẩu các giải pháp và sản phẩm Trí tuệ nhân tạo (AI), cung cấp dịch vụ định hướng ngày một phức tạp, chuyển mình từ gia công thành “cái nôi” sáng tạo nội dung gốc trong ngành game, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu… là những ngã rẽ quan trọng sẽ giúp cho các doanh nghiệp công nghệ của Việt Nam có thể mang về hàng tỷ USD trong thời gian tới.
Báo cáo cập nhật về CTCP tập đoàn FPT trong tháng 12/2024 của Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán KBSV cho rằng trong năm 2025 sắp đến, dự án FPT AI Factory trong lĩnh vực cho thuê GPUaas kết hợp cùng NVIDIA và một số đối tác khác được kỳ vọng “mở khóa” động lực tăng trưởng cho FPT tại thị trường nội địa và Nhật Bản.
“Mở khóa” động lực tăng trưởng
Theo KBSV, xu hướng già hóa dân số của Nhật Bản và tình trạng nguồn cung không đáp ứng đủ nhu cầu là điều kiện lý tưởng hỗ trợ cho sự thành công của dự án nêu trên. Qua đó ước đạt doanh thu 100 triệu USD mỗi năm cùng với tỷ suất sinh lời EBITDA (chỉ số tài chính phản ánh hiệu quả kinh doanh của công ty) khoảng 50%.
Các DN công nghệ của Việt Nam có thể sẽ mang về hàng tỷ USD nhờ những ngã rẽ quan trọng để tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Giới phân tích cho rằng tăng trưởng tiêu thụ chuyển đổi số, cùng với chi tiêu cho lĩnh vực công nghệ thông tin (IT) toàn cầu sẽ là yếu tố thúc đẩy mảng IT của các doanh nghiệp (DN) công nghệ Việt Nam, chẳng hạn như FPT với dự kiến doanh thu mảng IT năm 2025 sẽ tăng trưởng 22,11%.
Hơn nữa, cơ hội còn đến với các DN công nghệ Việt trước xu hướng sử dụng AI tạo sinh trong các DN và tổ chức sẽ diễn ra ngày một mạnh mẽ trong việc cải thiện hiệu quả các quyết định kinh doanh sẽ thúc đẩy chi tiêu toàn cầu cho phần mềm và dịch vụ IT.
Như dự báo của Gartner, tổng chi tiêu toàn cầu cho dịch vụ IT, phần mềm sẽ tăng trưởng lần lượt tăng 9,4 - 14% vào năm 2025 khi các DN đẩy mạnh chuyển đổi số để áp dụng công nghệ mới.
Chẳng hạn với FPT, phía KBSV nhận định năm 2025, tổng doanh thu mảng IT nước ngoài dự kiến đạt 36.150 tỷ đồng (tăng 22% so với năm 2024) và tiếp tục là động lực đóng góp tăng trưởng chính cho mảng IT đạt 44.800 tỷ đồng (tăng 18% so với năm 2024) nhờ các yếu tố thuận lợi tại thị trường xuất khẩu chính được duy trì.
Nhất là với thị trường Mỹ, FPT sẽ duy trì đà tăng trưởng nhờ khả năng cung cấp dịch vụ định hướng ngày một phức tạp và áp dụng linh hoạt các công nghệ mới, trong khi duy trì lợi thế chi phí cạnh tranh. Từ thị trường này, KBSV ước tính FPT sẽ thu về 9. 409 tỷ đồng doanh thu trong năm 2025 (tăng 15% so với năm 2024).
Ngoài triển vọng nêu trên, chính sách Trí tuệ nhân tạo (AI) của Mỹ cũng đang tạo cơ hội phát triển cho các DN công nghệ của Việt Nam có thể mang về hàng tỷ USD.
Ts. Chu Thanh Tuấn, chuyên gia kinh tế, đưa ra dẫn chứng việc VinBrain, công ty nổi tiếng với ứng dụng AI trong y tế, được NVIDIA mua lại đã khẳng định sức hút của thị trường công nghệ Việt Nam. Sự kiện này không chỉ cung cấp nguồn lực mới cho công ty mà còn chứng minh tiềm năng nhân lực AI của Việt Nam trên trường quốc tế.
Hay như FPT AI và Viettel AI đã có cơ hội hợp tác với các công ty công nghệ lớn của Mỹ như NVIDIA và Google trong việc triển khai các dự án về xử lý ngôn ngữ tự nhiên và thị giác máy tính. Theo ông Tuấn, việc giảm bớt các quy định chống độc quyền tại Mỹ cũng mở đường cho các công ty Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị AI toàn cầu.
Bên cạnh đó, Ts. Chu Thanh Tuấn nhận định việc nới lỏng các quy định quản lý tại Mỹ cũng tạo điều kiện để các DN Việt Nam xuất khẩu các giải pháp và sản phẩm AI tích hợp sang thị trường Mỹ. Chẳng hạn, các công ty startup như VinAI đã tận dụng cơ hội này để phát triển các sản phẩm như hệ thống nhận diện khuôn mặt và chatbot thông minh, mở rộng thị trường ra quốc tế.
Đang cần chuyển mình
Tuy vậy, ông Tuấn có lưu ý áp lực cạnh tranh quốc tế, đơn cử như các công ty lớn của Mỹ là Microsoft và Google, với lợi thế vượt trội về công nghệ và tài chính, có khả năng chiếm lĩnh thị trường AI toàn cầu. Các dịch vụ như Azure AI của Microsoft hoặc Google Cloud AI dễ dàng lấn át các sản phẩm nội địa của Việt Nam, khiến các DN trong nước khó cạnh tranh trên sân chơi quốc tế.
“Mặt khác, sự phụ thuộc vào công nghệ Mỹ, từ chip bán dẫn đến phần mềm AI, đặt ra rủi ro lớn cho Việt Nam nếu các chính sách giá hoặc điều kiện hợp tác từ các công ty như NVIDIA thay đổi. Điều này có thể khiến các DN Việt Nam gặp khó khăn trong việc duy trì hoạt động và phát triển”, Ts. Tuấn nói.
Hoặc như với mảng công nghệ game, Ts. Renusha Athugala, chuyên gia ngành thiết kế game (Đại học RMIT), cho rằng ngành game Việt đang trên đà bứt phá, với doanh thu dự báo chạm mốc 2,7 tỷ USD vào năm 2026.
Ts. Athugala chỉ rõ ngành công nghiệp game Việt Nam không còn đơn thuần là điểm đến cho các dự án gia công quốc tế. Với tiềm năng doanh thu khổng lồ và sự quan tâm ngày càng lớn từ các công ty toàn cầu, Việt Nam đang dần chuyển mình thành trung tâm sáng tạo nội dung gốc tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Điều đáng nói, dù cho các dự án gia công mang lại nguồn thu nhập ổn định nhưng không giúp Việt Nam xây dựng thương hiệu quốc tế cho các sản phẩm game “Made in Vietnam”.
Trong khi đó, Việt Nam hiện nằm trong top 5 quốc gia có số lượt tải game cao nhất thế giới, với hơn 4,2 tỷ lượt. Theo Ts. Renusha Athugala, điểm yếu cốt lõi của ngành game Việt chính là thiếu hụt nội dung gốc và đang cần chuyển mình từ một trung tâm gia công thành cái nôi của sáng tạo nội dung gốc.
“Bên cạnh dự án gia công cho các công ty quốc tế, chúng ta cũng cần tập trung phát triển nội dung gốc mang dấu ấn đặc trưng của Việt Nam. Nếu chúng ta phát triển kỹ năng kể chuyện trong thiết kế game, Việt Nam có thể tạo ra tác động đáng kể trên thị trường quốc tế”, Ts. Athugala chia sẻ.
Ngoài ra, nên nhắc thêm, với việc các gã khổng lồ công nghệ toàn cầu quyết định mở rộng chiến lược tại Việt Nam sẽ càng gia tăng thêm cơ hội “hái ra tiền” cho các DN công nghệ Việt. Những khoản đầu tư này cũng là chất xúc tác tiềm năng cho đổi mới toàn diện. Ts. Sreenivas Tirumala, chuyên gia ngành IT, coi đây là “cơ hội phát triển kinh tế Việt Nam”, có thể hỗ trợ việc thiết kế và phát triển một phương pháp tiếp cận tiên tiến vượt bậc cho DN Việt.
Theo Ts. Tirumala, khoản đầu tư của các ông lớn công nghệ hứa hẹn sẽ mang đến nhiều dịp tiếp xúc với công nghệ tiên tiến và môi trường DN quốc tế. Các DN Việt và những chuyên gia trẻ sẽ có thêm cơ hội để làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu và đổi mới, đặc biệt là về AI, bởi các công ty này luôn khao khát đạt được những tiến bộ công nghệ mới. Việt Nam cũng nên tập trung xây dựng ngành công nghệ riêng của mình chứ không chỉ là nơi để các công ty lớn kinh doanh.
Hơn nữa, như chia sẻ của Tirumala, mặc dù các công ty công nghệ lớn có dịch vụ IT nội bộ của riêng mình, nhưng có khá nhiều dịch vụ họ cần thuê ngoài. Những gã khổng lồ công nghệ có uy tín và giá trị cao sẽ khuyến khích các DN Việt cung cấp dịch vụ cho các công ty công nghệ lớn.
Thế Vinh-Link gốc