• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.262,76 +5,26/+0,42%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.262,76   +5,26/+0,42%  |   HNX-INDEX   228,51   +1,44/+0,63%  |   UPCOM-INDEX   93,72   +0,33/+0,35%  |   VN30   1.323,02   +5,25/+0,40%  |   HNX30   482,72   +2,01/+0,42%
23 Tháng Mười Hai 2024 3:31:46 CH - Mở cửa
Hàng Việt Nam từng bước khẳng định vị thế trên thị trường Anh
Nguồn tin: Vietnam+ | 23/12/2024 11:04:04 SA

Với sự hiện diện ngày càng tăng do được người tiêu dùng ưa chuộng, hàng hóa Việt Nam đang từng bước khẳng định vị thế tại Vương quốc Anh khi xuất khẩu sang thị trường khó tính này liên tục duy trì tăng trưởng từ năm 2021.

Sản phẩm gạo Việt Nam được bày bán tại siêu thị ở Anh. Ảnh: TTXVN phát

Nhận định trên của bà Hoàng Lê Hằng, Bí thư thứ nhất, Thương vụ Việt Nam tại Anh, đã phản ánh hàng hóa Việt Nam đang ngày càng tạo nên dấu ấn riêng tại thị trường châu Âu này.

Theo phóng viên TTXVN tại London, số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy trong 11 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch thương mại Việt Nam - Anh đạt hơn 7,7 tỷ USD, tăng 18,1% so cùng kỳ năm ngoái, trong đó Việt Nam thặng dư hơn 6,1 tỷ USD, tăng 21,4%. Giá trị xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Anh đạt hơn 6,9 tỷ USD, cao hơn 19,5% so với cùng kỳ.

Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đều tăng trưởng khá, tiêu biểu là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với gần 757 triệu USD, tăng 118,6%; rau quả, 33,8 triệu USD, tăng 50,7%; hạt tiêu, 29,7 triệu USD, tăng gần 46%; bánh kẹo và sản phẩm từ ngũ cốc, 49 triệu USD, tăng gần 35%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, 1,24 tỷ USD, tăng 34,5%; sắt thép các loại, hơn 214 triệu USD, tăng 34,4%; cà phê, 121 triệu USD, tăng gần 34%; sản phẩm từ cao su, 29 triệu USD, tăng 33%; giấy và các sản phẩm từ giấy, 17,3 triệu USD, tăng 22,4%; gỗ và sản phẩm từ gỗ, 201 triệu USD, tăng gần 16%; dệt may, hơn 692 triệu USD, tăng 12,5%...

Đáng chú ý, nhiều hàng hóa "Made in Vietnam" từ quần áo, giày dép, dụng cụ, thiết bị cho đến thực phẩm, rau quả đã có mặt tại các chuỗi siêu thị lớn, uy tín lâu năm của Anh. Năm nay, có thể dễ dàng tìm thấy quần áo thời trang Hè Thu Việt Nam tại Mark & Spencer (M&S), chuỗi cửa hàng có thị phần lớn nhất về quần áo tại Anh, cũng như ở các chuỗi cửa hàng quần áo khác như UNIQLO, NEXT, PRIMAK. Nông sản thực phẩm Việt Nam, trong đó có hải sản, mì, phở khô và nhiều loại trái cây tươi, đã tìm được chỗ đứng tại các chuỗi siêu thị lớn nhất Anh như Tesco, Sainsbury’s hay các siêu thị thực phẩm cao cấp như Whole Food, M&S.

Ngoài ra, hàng hóa Việt Nam còn được bán nhiều và rất phong phú tại các siêu thị người Việt và siêu thị chuyên kinh doanh hàng châu Á như chuỗi siêu thị Longdan, Eutek group… nơi người tiêu dùng có thể dễ dàng tìm được các sản phẩm đặc trưng của Việt Nam như gạo, trà, cà phê, bánh kẹo đặc sản vùng miền, bánh đa nem, bánh tráng, mì, phở, bún khô cũng như các loại rau xanh, rau thơm, trái cây tươi, đồ uống...

Bà Hoàng Lê Hằng cho biết sự hiện diện của hàng hóa Việt Nam trên các kệ siêu thị Anh là tín hiệu đáng khích lệ, cho thấy hàng Việt Nam ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng và tìm được chỗ đứng trên thị trường Anh, vốn đang tìm kiếm đa dạng nguồn cung sau khi Anh rời Liên minh châu Âu (còn gọi là Brexit).

Theo bà Hằng, xuất khẩu Việt Nam, đặc biệt là nông sản, duy trì mức tăng trưởng tốt trong 3 năm qua một phần nhờ thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Anh (UKVFTA), theo đó xóa bỏ ngay 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả, tạo lợi thế cạnh tranh cho nhiều nông phẩm Việt Nam so với sản phẩm cùng loại có xuất xứ từ những nước chưa có hiệp định thương mại tự do với Anh.

Đặc sản vùng miền và trái cây Việt Nam được bày bán ở các cửa hàng của người Việt tại Anh. Ảnh: TTXVN phát

Sự năng động, tích cực của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại Anh, cùng với sự hỗ trợ của Bộ Công Thương, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn, các bộ ngành và các hiệp hội nghề như Hiệp hội Rau quả Việt Nam, VICOFA, VASEP, HAWA, trong việc tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, các hội thảo chuyên đề về thị trường Anh, hướng dẫn, kết nối doanh nghiệp hai nước… cũng góp phần thúc đẩy xuất khẩu sang Anh.

Trong năm 2024, Thương vụ Việt Nam tại Anh đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là việc cập nhật chính sách thương mại sở tại tới các cơ quan, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động thương mại với Anh. Thương vụ cũng tăng cường kết nối với cộng đồng doanh nghiệp Anh và doanh nghiệp Việt Nam tại Anh nhằm tìm kiếm, giới thiệu đối tác thương mại cho doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời cung cấp thông tin về thị hiếu tiêu dùng, tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, các quy định nhập khẩu vào Anh, và tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp thâm nhập thị trường và kết nối với khách hàng tiềm năng.

Đánh giá về triển vọng thương mại Việt Nam - Anh trong thời gian tới, bà Hoàng Lê Hằng nhận định thương mại song phương có tiềm năng tăng trưởng vững được thúc đẩy nhờ UKVFTA, tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam và nhu cầu hàng hóa, dịch vụ tăng ở cả hai quốc gia. Đặc biệt, việc Anh chính thức gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mở ra cơ hội tăng trưởng xuất khẩu sang Anh, một trong những đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam và là một thị trường lớn với nền kinh tế phát triển.

Khi gia nhập CPTPP, Anh cam kết mở cửa thị trường mới (ngoài cam kết trong UKVFTA) đối với một số sản phẩm Việt Nam, trong đó có hạn ngạch thuế quan đối với gạo thơm, cá ngừ, mật ong, tạo lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp xuất khẩu những sản phẩm này sang Anh.

Bà Hoàng Lê Hằng cho rằng khi Anh và các quốc gia có nền kinh tế phát triển gia nhập CPTPP, Việt Nam sẽ hưởng lợi từ các tiêu chuẩn cao về thương mại tự do và hợp tác kinh tế, giúp cải thiện khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam trên trường quốc tế, đặc biệt trong các ngành xuất khẩu trọng điểm, cũng như thúc đẩy khả năng sản xuất và nâng cao chất lượng chuỗi cung ứng tại Việt Nam. Việc Anh gia nhập CPTPP cũng sẽ tạo hiệu ứng tâm lý tích cực tại Anh bởi người tiêu dùng và các nhà phân phối sở tại sẽ quan tâm hơn tới sản phẩm của các nước thành viên CPTPP, trong đó có Việt Nam.

Bà Hoàng Lê Hằng nhận định với tầm quan trọng địa chính trị ngày càng tăng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Anh sẽ quan tâm thúc đẩy đầu tư vào Việt nam, một thành viên CPTTP. Là một trong những thị trường tài chính lớn và phát triển nhất thế giới quy tụ số lượng lớn các ngân hàng đầu tư, công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư và các tổ chức tài chính khác, Anh có tiềm năng cung cấp nhiều cơ hội đầu tư, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ, tài chính, năng lượng tái tạo và cơ sở hạ tầng hướng tới phát triển bền vững.

Tuy nhiên, theo bà Hoàng Lê Hằng, xuất khẩu hàng hóa sang Anh trong năm tới vẫn còn nhiều thách thức khi nhu cầu thị trường Anh giảm do kinh tế suy thoái, lạm phát cao khiến người dân hạn chế chi tiêu và tăng tiết kiệm. Biến động địa chính trị, xung đột Biển Đỏ khiến cước vận tải đường biển tăng và thời gian vận chuyển kéo dài cũng gây khó khăn cho xuất khẩu sang Anh.

Việc tuân thủ các quy định của Anh và châu Âu về chống mất rừng và suy thoái rừng sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu gỗ, cà phê, cao su, dầu thực vật, đậu tương, da.. Yêu cầu về chứng chỉ xanh và thương mại công bằng; xu hướng tiêu dùng sản phẩm hữu cơ và cho người ăn kiêng,… là những yếu tố khiến quy trình sản xuất và cung ứng thực phẩm nông sản mang tính chuyên biệt cao và phức tạp hơn, đồng nghĩa doanh nghiệp phải tăng đầu tư, kéo theo chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm tăng.

Việc Anh sẽ áp dụng cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) cũng sẽ tác động tới các doanh nghiệp xuất khẩu trong các ngành phát thải carbon như gốm sứ, nhôm, sắt thép, xi măng, phân bón,… nếu không chuẩn bị lộ trình để thích ứng.

Người tiêu dùng Anh có thể mua tôm Việt Nam qua hệ thống bán hàng trực tuyến của chuỗi siêu thị Tesco. Ảnh: TTXVN phát

Sau khi gia nhập CPTPP, Anh cũng cam kết mở cửa thị trường cho nhiều sản phẩm của các nước thành viên CPTPP khác, trong đó có một số nước có các sản phẩm cùng loại với sản phẩm Việt Nam, vì vậy gia tăng mức độ cạnh tranh trên thị trường Anh đối với sản phẩm Việt Nam.

Theo bà Hoàng Lê Hằng, để duy trì tăng trưởng xuất khẩu nông sản sang Anh, ngoài yếu tố chất lượng và giá cả, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu cần nghiên cứu, nắm bắt nhu cầu thị trường, trong đó đó xu hướng tiêu dùng sản phẩm hữu cơ, thân thiện môi trường gắn với phát triển bền vững ngày càng tăng tại Anh. Bà nhấn mạnh việc CPTPP yêu cầu các thành viên tuân thủ các tiêu chuẩn cao về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, lao động, bảo vệ môi trường và quản lý doanh nghiệp đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải đảm bảo sản phẩm đạt chuẩn ổn định, cũng như phải tổ chức tốt chuỗi cung ứng từ khâu sản xuất đến lưu thông phân phối và đáp ứng các tiêu chuẩn của CPTPP, xu thế toàn cầu về thương mại xanh và công bằng để duy trì sức cạnh tranh trong bối cảnh mới.

Bà Hoàng Lê Hằng cho rằng mặc dù Anh gia nhập CPTPP mang lại nhiều cơ hội lớn cho Việt Nam để mở rộng thị trường và thu hút đầu tư, Việt Nam cần chuẩn bị đối phó với các thách thức về cạnh tranh, yêu cầu tiêu chuẩn cao và cải cách các ngành thương mại, dịch vụ. Bà tin rằng nếu có chiến lược hợp lý và thực hiện cải cách triệt để, Việt Nam có thể tận dụng được các cơ hội này để phát triển bền vững hơn trong bối cảnh kinh tế toàn cầu.

Minh Hợp (TTXVN)

Link gốc