Theo các ước tính nếu MSCI và FTSE Russell nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam lên thị trường mới nổi sẽ có khả năng thu hút 25 tỷ USD vốn đầu tư mới tới năm 2030. Tuy nhiên dòng vốn cũng có thể rút ra mạnh trong nhiều trường hợp không phải từ nguyên nhân nội tại...
Ảnh minh họa.
Trình bày tham luận tại Hội thảo khoa học Giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam sáng 16/4, Đại diện Ban Phát triển thị trường tài chính, Viện Chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính) cho rằng trong trường hợp thị trường Việt Nam được nâng hạng bởi MSCI, FTSE, dòng vốn đầu tư nước ngoài thông qua các quỹ mở, quỹ ETF được kỳ vọng sẽ đầu tư mạnh mẽ vào thị trường Việt Nam.
Theo Bloomberg, tính cuối quý I/2023, có 470 Quỹ với tổng quy mô 890 tỷ USD bao gồm 155 Quỹ ETF (quy mô 338 tỷ USD) và 315 Quỹ mở (quy mô 552 tỷ USD) đang đầu tư vào thị trường chứng khoán mới nổi theo xếp hạng của MSCI và FTSE. Tại các thị trường mới nổi trong khu vực ASEAN đã ghi nhận dòng vốn đầu tư lớn từ các quỹ này.
Theo đó, tại Philippines, tham chiếu theo bộ tiêu chí của FTSE hiện đang có 34 quỹ đầu tư với tổng quy mô 1,5 tỷ USD, theo MSCI là 185 quỹ với tổng quy mô 2,1 tỷ USD. Tại Malaysia, tổng quy mô đầu tư các quỹ hiện tại là 8,4 tỷ USD trong đó theo tiêu chí FTSE là 42 quỹ với tổng quy mô 3,5 tỷ USD và MSCI là 196 quỹ với quy mô 4,8 tỷ USD.
Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, trong trường hợp nếu MSCI và FTSE Russell nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam lên thị trường mới nổi sẽ có khả năng thu hút 25 tỷ USD vốn đầu tư mới từ các nhà đầu tư quốc tế vào thị trường Việt Nam cho tới năm 2030, với một số điều kiện quan trọng.
Tuy nhiên, việc nâng hạng thị trường chứng khoán cũng có thể có tác động tiêu cực đến thị trường. Thị trường chứng khoán có thể đối mặt với nguy cơ sụt giảm mạnh khi các nhà đầu tư nước ngoài rút vốn khỏi thị trường. Việc các nhà đầu tư quốc tế rút vốn trong nhiều trường hợp không phải từ nguyên nhân nội tại của thị trường mà từ sự biến động của thị trường quốc tế.
Trong giai đoạn 2022 - 2023, chứng kiến dòng vốn ngoại rút khỏi các thị trường cận biên, trong đó có Việt Nam để đổ về Mỹ khi lãi suất ở Mỹ được FED tăng cao. Thực tế, vốn ngoại không chiếm tỷ trọng lớn trên thị trường chứng khoán Việt Nam, nhưng tính dẫn dắt của dòng vốn này vẫn thể hiện rõ nét. Chẳng hạn, giai đoạn từ tháng 10/2022 tới tháng 01/2023, khối ngoại đã ồ ạt mua ròng trên thị trường Việt Nam, sau nhịp giảm mạnh của VnIndex, cùng sự xuất hiện một số thông tin hỗ trợ như đô la Mỹ giảm giá, Trung Quốc mở cửa trở lại sau thời gian dài theo đuổi chính sách “Zero-Covid”, thị trường cũng tăng mạnh và đạt đỉnh.
Tuy nhiên, khối ngoại đảo chiều bán ròng từ giữa tháng 02/2023, kéo theo đó là sự sụt giảm mạnh của thị trường chứng khoán từ cuối quý I/2023. Do vậy, việc dòng vốn ngoại rút mạnh có thể gây ra tâm lý tiêu cực đối với thị trường, tạo hiệu ứng bán ra mạnh, khiến thị trường sụt giảm ở mức khó kiểm soát.
Thực tiễn tại một số quốc gia cho thấy việc nâng hạng thị trường không phải lúc nào cũng mang lại tác động tích cực. Năm 2001, TTCK Hy Lạp được nâng hạng lên nhóm thị trường phát triển, bất chấp việc bong bóng trên thị trường mới đổ vỡ trước đó vài năm, trong 2 năm sau khi được nâng hạng, chứng khoán Hy Lạp giảm khoảng 45%, trong khi giá trị giao dịch bình quân giảm 17%.
Do đó, đại diện Ban Phát triển thị trường tài chính, Viện Chiến lược và chính sách tài chính đưa ra một số khuyến nghị cho thị trường. Cụ thể, cần thường xuyên theo dõi, đánh giá nguy cơ tăng trưởng nóng, và nguy cơ đảo chiều dòng vốn trên thị trường chứng khoán để có các kịch bản ứng phó kịp thời. Theo dõi sát sao các dòng tiền vào thị trường chứng khoán, gồm: dòng tiền từ tài khoản của các nhà đầu tư cá nhân, dòng tiền của khối ngoại, dòng tiền tín dụng (dư nợ lĩnh vực chứng khoán, tiền cho vay ký quỹ tại các công ty chứng khoán ) và các kênh huy động vốn của công ty chứng khoán.
Đồng thời, nâng cao khả năng chống chịu của thị trường chứng khoán trước các cú sốc bên ngoài: Bài học từ một số quốc gia châu Á như Singapore, Trung Quốc, Thái Lan...cho thấy, để nâng cao khả năng chống chịu của thị trường chứng khoán Việt Nam, định hướng chung là cần phát triển thị trường chứng khoán theo chiều sâu, tăng năng lực chống chịu với các cú sốc bên ngoài; chú trọng nâng cao năng lực quản lý, giám sát, an toàn và ổn định hệ thống tài chính và thị trường chứng khoán; hiện đại hóa các công cụ, hình thức thanh tra, giám sát; thực thi chế tài nghiêm minh đối với các vi phạm trên thị trường chứng khoán.
Tái cơ cấu toàn diện các tổ chức trung gian chứng khoán để nâng cao chất lượng hoạt động, đảm bảo đáp ứng yêu cầu của thị trường chứng khoán khi nâng hạng, đảm bảo an toàn hệ thống, ổn định tài chính và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Lành mạnh hóa và nâng cao năng lực tài chính thông qua việc tích cực, chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp kiểm soát chất hoạt động; cải thiện chất lượng nguồn vốn.
Bên cạnh đó, tăng cường các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn hoạt động của thị trường chứng khoán, như nâng cao chuẩn mực an toàn trên thị trường chứng khoán nhằm tăng cường khả năng chống chịu bất ổn và khủng hoảng của hệ thống tài chính toàn cầu.
Mở rộng phạm vi giám sát và kiểm soát các giao dịch chứng khoán. Đưa ra tiêu chuẩn để nhận dạng các định chế tài chính có rủi ro hệ thống (SIFIs) và các phương thức mới để giám sát và giảm thiểu rủi ro của các định chế này, bởi sự đổ vỡ của các định chế tài chính sẽ có tác động rất lớn đến khả năng chống chịu của thị trường chứng khoán. Nâng cao hiệu quả công tác giám sát với ba nội dung trọng yếu: giám sát rủi ro hệ thống, tăng cường phối hợp giữa cơ quan hoạch định chính sách và cơ quan giám sát; phối hợp, đồng bộ hóa giám sát cẩn trọng vĩ mô và giám sát cẩn trọng vi mô.
Thu Minh
Link gốc