Thị trường thanh toán kỹ thuật số tại Việt Nam là sự cạnh tranh sôi động giữa các ví điện tử và mã thanh toán QR của các ngân hàng thương mại. Cuộc cạnh tranh này được cho là sẽ ngày càng gay cấn.
Hơn 40 ngân hàng thương mại nội địa đang cạnh tranh mạnh mẽ với 51 ví điện tử và nền tảng thanh toán trung gian tại Việt Nam. Trong khi các ví tập trung xây dựng hệ sinh thái với nhiều chiến dịch khuyến mãi hấp dẫn, mã QR của các ngân hàng chỉ thực hiện một nhiệm vụ “đơn giản” là thanh toán theo thời gian thực.
Không hấp dẫn nhưng QR Code vẫn chiếm ưu thế
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt và hoạt động ngân hàng số trong 3 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm 2023 tiếp tục đạt được những chuyển biến tích cực. Giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 56,57% về số lượng và 31,35% về giá trị; qua kênh Internet tăng tương ứng 48,81% và 25,73%; qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 58,70% và 33,12%.
Đây là tín hiệu cho thấy xu hướng dịch chuyển từ thanh toán bằng tiền mặt sang thanh toán không dùng tiền mặt đang ngày càng phổ biến hơn.
Trong đó, phương thức thanh toán QR Code đang dần trở nên phổ biến và được nhiều người quen dùng. Tại họp báo thường kỳ quý I/2024, đại diện NHNN cho hay, tổng số giao dịch qua QR Code đã đạt 7 – 8 tỷ lượt chỉ trong năm 2023.
Thanh toán bằng QR Code thu hút người dùng Việt.
Riêng trong 2 tháng đầu năm nay, thanh toán qua phương thức QR code tăng 846,41% về số lượng và 1.146,14% về giá trị.
Mã QR đang hiện hữu ở khắp mọi nơi, từ các xe bán hàng rong, quán ăn, quán nước vỉa hè, đến ở nhà hàng hay thậm chí là đi chợ truyền thống mua rau, mua thịt cũng đơn giản hơn khi có QR code.
Có thể thấy, phương thức thanh toán QR của các ngân hàng không gây sự chú ý, bởi hầu như không có khuyến mãi, hoặc nếu có thì kiểu nhỏ giọt. Bản thân các ngân hàng cũng không có được hệ sinh thái mua sắm, giải trí và thanh toán tiện lợi như các ví điện tử. Tuy nhiên, hình thức QR cho phép thanh toán liền mạch, chuyển tiền trực tiếp từ tài khoản người dùng sang tài khoản của người bán mà không cần nạp tiền vào một ví cụ thể. Đây là lợi thế vượt trội hơn của VietQR so với ví điện tử
Bà Nguyễn Tuyết Trinh (Hà Nội) chia sẻ: "Ngày xưa đi chợ mang tiền mặt, trả tiền có lúc còn nhầm lẫn. Bây giờ có dịch vụ QR, chúng tôi chỉ cần vài thao tác đơn giản là có thể nhanh chóng trả tiền về cho người bán hàng, giảm thiểu được việc nhầm lẫn".
Theo nhận định của các chuyên gia, trong năm 2024, phương thức thanh toán này sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa và dần sẽ trở thành QR code đa năng.
Ví điện tử có bị lép vế?
Với "mảnh đất" thanh toán bằng điện thoại ngày càng "màu mỡ”, ví điện tử và QR Code là 2 sản phẩm dịch vụ thanh toán phổ biến trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.
Ưu điểm chính giúp các ví điện tử giữ chân người dùng từ trước đến nay vẫn là các khoản giảm giá và các ưu đãi, khuyến mãi đi kèm. Một khi hết khuyến mãi, nhiều người dùng sẽ sẵn sàng chuyển sang phương thức thanh toán khác.
Theo NHNN, đến cuối năm 2023, số lượng ví điện tử đang hoạt động là 36,23 triệu ví (chiếm 63,23% trong tổng số gần 57,31 triệu ví điện tử đã được kích hoạt), với tổng số tiền trên các ví này là khoảng 2,96 nghìn tỷ đồng.
FiinGroup dự báo đến cuối năm 2024, số lượng ví điện tử hoạt động tại Việt Nam có thể đạt 50 triệu.
Còn hình thức thanh toán qua QR Code chỉ thực sự bùng nổ khi NAPAS ra mắt VietQR, cho phép chuyển tiền chéo giữa các tài khoản ngân hàng khác nhau. Theo dữ liệu của Data.ai, 6 ngân hàng gồm MB, Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank và Techcombank lọt vào top 10 ngân hàng có lượt tải ứng dụng nhiều nhất; 4 vị trí còn lại chia cho MoMo, ZaloPay, ứng dụng thanh toán của hãng viễn thông Viettel (Viettel Pay) và Công ty tài chính Home Credit.
Rõ ràng, trên đường đua giành thị phần thanh toán điện tử tại Việt Nam, mặc dù ra đời muộn hơn ví điện tử, nhưng mã VietQR lại có tốc độ tăng trưởng ấn tượng và có phần lấn lướt các ví điện tử ở thời điểm hiện tại.
Theo khảo sát của Tổ chức thẻ Visa công bố trong tháng 3 vừa qua, phương thức thanh toán bằng mã QR đang được ưa chuộng với tỷ lệ 62% - khoảng 16,2 triệu giao dịch mỗi tháng. Dù ra đời sớm hơn, ví điện tử xếp sau với tỷ lệ 58% - 15,5 triệu giao dịch/tháng.
Những số liệu trên cho thấy cuộc cạnh tranh đang đến hồi khốc liệt giữa các ví điện tử và mã thanh toán QR.
Để thu hút người dùng sử dụng ví, cả MoMo và ZaloPay đều phát hành mã QR “phổ quát” vào năm 2023. Tính năng này cho phép tất cả khách hàng có VietQR có thể thanh toán tại các đơn vị chấp nhận thẻ có liên kết với các ví điện tử này.
CEO Nguyễn Mạnh Tường của MoMo nhấn mạnh, mã QR của MoMo rất linh hoạt vì người dùng có thể chọn sử dụng nguồn tiền nào, có thể từ ví, tài khoản ngân hàng hay thẻ tín dụng. Tính linh hoạt này giúp tăng doanh số cho người bán.
Trong khi đó, ZaloPay đã “tối ưu hóa” chi tiêu quảng cáo và chuyển trọng tâm sang xây dựng các dịch vụ tài chính khác như “mua trước trả sau” (BNPL), tiết kiệm và đầu tư chứng khoán… Các ví điện tử, ngân hàng và các công ty tài chính cũng đang có các động thái tương tự.
Các chuyên gia nhận xét, các ví điện tử vẫn có cơ hội bứt phá và thay đổi cuộc chơi trên thị trường thanh toán số ở Việt Nam.
TS Phạm Nguyễn Anh Huy, giảng viên cấp cao ngành Tài chính tại Đại học RMIT Việt Nam, sáng lập viên của Trung tâm FinTech-Crypto RMIT, nhận định “VietQR và ví điện tử phục vụ cho các mục đích khác nhau và có thể bổ sung cho nhau trong bối cảnh thanh toán số của Việt Nam đang ngày càng phát triển”.
Theo ông Huy, nếu như VietQR được ví như “kẻ đột phá tiềm năng” trên thị trường thanh toán thì các ví điện tử như MoMo, Viettel Pay, ZaloPay,… vẫn đang được nhiều người dùng ở Việt Nam ưa chuộng với thị phần đáng kể.
Huyền Anh-Link gốc