• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.252,56 -7,19/-0,57%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:02 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.252,56   -7,19/-0,57%  |   HNX-INDEX   226,88   -0,61/-0,27%  |   UPCOM-INDEX   92,15   -0,17/-0,18%  |   VN30   1.317,34   -9,31/-0,70%  |   HNX30   488,57   -1,41/-0,29%
10 Tháng Mười Một 2024 12:07:39 SA - Mở cửa
Doanh nghiệp vẫn ‘khát’ hỗ trợ
Nguồn tin: Thời báo kinh doanh | 23/05/2024 9:05:43 SA

Nhiều doanh nghiệp đang bước vào giai đoạn phục hồi nên rất cần sự hỗ trợ về vốn, giảm thuế, phí… với thời gian thực hiện tới hết 2025. Đây là điều kiện giúp doanh nghiệp lấy lại những cơ hội đã mất, góp phần vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế. 

Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng 2%. Dự kiến thời gian áp dụng từ ngày 01/07/2024 đến hết ngày 31/12/2024.

Gói lãi suất 2% ế, nhưng vì sao DN vẫn khát vốn

Trong khi đó, đối với gói hỗ trợ lãi suất 2%, Chính phủ đã báo cáo gửi Quốc hội tổng kết tình hình thực hiện nghị quyết 43 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. 

Gói hỗ trợ lãi suất 2% ế ẩm, trong khi nhiều DN vẫn khát vốn. 

Cụ thể, đến hết năm 2023, gói hỗ trợ lãi suất 2% thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội mới giải ngân khoảng 1.218 tỷ đồng (tương đương 3,05% tổng quy mô chính sách). Số tiền hỗ trợ lãi suất lũy kế từ đầu chương trình đạt khoảng 1.218 tỷ đồng (tương đương khoảng 3,05% tổng quy mô chính sách) cho gần 2.300 khách hàng. Như vậy, còn khoảng 38.782 tỷ đồng thuộc gói hỗ trợ không sử dụng hết.

Đây là mức khá thấp so với số vốn được đưa ra nghị quyết mà Quốc hội thông qua 40.000 tỷ đồng, sử dụng từ ngân sách nhà nước để hỗ trợ 2% lãi suất cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi; cho vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân mua, thuê và thuê mua.

Do vậy, Chính phủ nêu quan điểm với số vốn không giải ngân hết, sau khi kết thúc chương trình năm 2022 và năm 2023 sẽ trình Quốc hội hủy dự toán, kế hoạch vốn. 

Tuy vậy, với các DN trong giai đoạn khó khăn, việc được hỗ trợ, tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, kéo dài thời gian giảm thuế vẫn rất có ý nghĩa. Theo ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), trong quý I/2024, thị trường ngành sợi đã khả quan, hiệu quả hơn, mức độ thua lỗ đã giảm 90% so với quý I/2023. Thị trường phục hồi, nhu cầu tăng dần trở lại, xuất khẩu dệt may tăng trên 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây chính là thời điểm phục hồi những thiệt hại đã mất trong năm 2023. Mà muốn phục hồi, DN đang rất cần sự đồng hành, nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng, ngân hàng để triển khai sản xuất.

Ông Trường cho hay, vì kết quả sản xuất kinh doanh năm 2023 xấu nên xu thế cấp vốn tín dụng năm 2024 thấp hơn năm 2023. Cụ thể, với ngành sợi cấp tín dụng năm 2023 thấp hơn 2022, nhưng do năm 2023 tổng cầu thấp nên hạn mức đó vẫn có thể duy trì, sản xuất bình thường. Tuy nhiên, đến năm 2024, DN sản xuất kinh doanh sợi lại chỉ được duyệt hạn mức thấp hơn 20% so với năm 2023, nên khi thị trường ấm lên, DN rơi vào thiếu nguồn vốn lưu động để nhập khẩu nguyên liệu, tổ chức sản xuất.

“Nếu chúng ta không đồng hành với DN bằng các chính sách cụ thể vào thời điểm này, nhất là với ngành sợi thì sẽ bỏ lỡ cơ hội phục hồi của ngành sợi. DN sản xuất kinh doanh sợi khi bị thu hẹp sản xuất, đương nhiên khó khăn sẽ chồng chất khó khăn, cơ hội để lấy lại những gì đã mất trong năm 2023 càng xa vời hơn”, ông Cường nói.

DN cần hỗ trợ thực chất

Theo Đại biểu Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy Ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, một số chương trình Nghị quyết 43 triển khai chậm, điển hình như gói hỗ trợ 40.000 tỷ đồng, lãi suất 2%. Nguyên nhân là do chúng ta đưa ra một chương trình hỗ trợ nhưng lại có nhiều quy định ràng buộc quá chặt chẽ và không khả thi dẫn đến hiệu quả thực hiện chính sách không cao.

Theo đó, Đại biểu Cường cho rằng cần phải có thay đổi trong việc ban hành cơ chế, chính sách. “Chúng ta không nên đưa ra chính sách kèm theo các điều kiện ràng buộc quá cụ thể, đôi khi nó sẽ không phù hợp với thực tiễn. Quan trọng nhất khi đưa ra chính sách phải đưa ra mục tiêu, các tiêu chí đo lường”, ông Cường nêu quan điểm. 

Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP.Hà Nội, cho rằng Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các kế hoạch, chương trình công tác về hỗ trợ DN giai đoạn đến năm 2025. Trong đó tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN về thủ tục, chú trọng các dự án đầu tư lớn nguồn vốn cả trong và ngoài ngân sách.

Tiếp tục triển khai cải cách thủ tục hành chính về vốn, tạo điều kiện cho DN tiếp cận nguồn vốn vay lãi suất thấp với quy định hấp dẫn để DN hấp thụ được nguồn vốn vay, nhằm giúp DN giảm bớt thời gian, chi phí thực hiện các thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi.

Cụ thể, ông Mạc Quốc Anh đề xuất cấp có thẩm quyền cho phép DN giãn, hoãn, giảm thực hiện nghĩa vụ thuế, cho phép chậm nộp các loại thuế (trong 6 tháng thuế VAT, thuế TNDN, thuế nhập khẩu); Thuê đất tiếp tục giảm 50% (trước đây đã giảm 30%) cho các DN trong năm 2024 và 6 tháng năm 2025.

Theo ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Chính phủ đã có tờ trình trình Quốc hội xem xét, cho phép tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế GTGT đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất thuế GTGT 10% trong 6 tháng cuối năm 2024; tiếp tục xem xét giảm thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân...; giảm mức thu một số khoản phí, lệ phí và giảm tiền thuê đất như đã áp dụng trong năm 2023 để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh...

Các giải pháp này cần thiết, nhưng TS. Trần Đình Cung cho rằng, nên kéo dài thời hạn tới hết năm 2025, vì tình hình còn khó khăn và DN cần các hỗ trợ thực chất. “Việc xác định thời hạn dài thể hiện sự thấu hiểu của Chính phủ, Quốc hội với sự kỳ vọng của DN, nhưng cũng để DN có điều kiện, cơ sở tính toán các bài toán kinh doanh dài hạn hơn”, ông Cung đánh giá.


Bà Trần Thị Hồng Minh

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)

Việc thực hiện điều chỉnh lương tối thiểu vùng cho người lao động ở khu vực DN có thể làm tăng chi phí lao động cho DN. Trong khi đó, dù đã có nhiều giải pháp chính sách, năng suất lao động chưa được cải thiện ở mức tương xứng. Đối với không ít DN mới có đơn hàng xuất khẩu trở lại sau một thời gian khó khăn, lương tối thiểu vùng có thể có ảnh hưởng nhất định. Bên cạnh đó, năng lực hấp thụ tín dụng cần được đánh giá cụ thể, kể cả trong mối quan hệ với thị trường đầu ra cho DN, để có những giải pháp cải thiện phù hợp.

Ông Vũ Sỹ Cường

Chuyên gia kinh tế, Học viện Tài chính

Cần giải pháp dài hạn hơn trong hỗ trợ DN, ví dụ giảm thuế VAT 1 năm thì sẽ thuận lợi cho kế hoạch kinh doanh của DN. 3 năm qua, chúng ta đã có nhiều giải pháp chính sách cả tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ DN, thúc đẩy phục hồi kinh tế nhưng tại sao lại chỉ tính toán thời hạn 6 tháng. Hơn nữa, cần những bàn thảo dài hơn như điều hành chính sách thuế, quản lý ngân sách, mô hình tổ chức hoạt động của hệ thống tổ chức chính quyền, đơn vị sự nghiệp… các vấn đề liên quan để sử dụng nguồn lực… Đó là những vấn đề mà nền kinh tế đang cần trong giai đoạn phục hồi.

TS. Cấn Văn Lực

Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV

Tốc độ tăng trưởng tín dụng khá thấp trong các tháng đầu năm cho thấy sự không mặn mà của người dân với vay tiêu dùng, cũng như khó khăn trong tiếp cận vốn của DN. Trong bối cảnh hiện nay, Quốc hội cần tăng cường vai trò giám sát để đảm bảo các chính sách đã ban hành được thực hiện hiệu quả, tránh thực thi không tốt ảnh hưởng đến niềm tin của người dân và DN.

Nhật Linh - Link gốc