Ông Nguyễn Trúc Sơn đánh giá, lượng kiều hối của dân rất lớn, một năm hơn 20 tỷ USD. Do đó, Chính phủ nên tính toán huy động nguồn lực này để đầu tư phát triển.
Sáng 29/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước.
Nguồn lực quan trọng từ kiều hối
Qua nghiên cứu các báo cáo và tình hình thực tiễn kinh tế - xã hội các tháng đầu năm 2024, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn (đoàn Bến Tre) đánh giá với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, Chính phủ, các bộ ngành Trung ương và các chính quyền địa phương, kinh tế - xã hội nước ta có nhiều “điểm sáng”, nhất là tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công và tiến độ các dự án công trình trọng điểm quốc gia.
Qua Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, đại biểu Trúc Sơn nhận thấy, các giải pháp đưa ra đều rất toàn diện, bao trùm tất cả các lĩnh vực với nhiều điểm mới. “Nếu chúng ta làm được các giải pháp này thì tăng trưởng kinh tế của nước ta sẽ về đích trong năm 2024”, ông Sơn nói.
Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn, đoàn Bến Tre (Ảnh: Quochoi.vn).
Trong bối cảnh Chính phủ đang nỗ lực huy động các nguồn lực, với mục tiêu huy động 100.000 tỷ đồng cho đầu tư phát triển, ông Sơn đánh giá đây là nguồn lực huy động rất lớn cho đầu tư các công trình trọng điểm. Từ đây, ông Sơn kiến nghị cần có giải pháp huy động ngoại tệ trong dân.
Đại biểu đoàn Bến Tre cho hay, hiện nay lượng kiều hối của dân rất lớn, một năm hơn 20 tỷ USD. Thực tế, người dân giữ USD luôn xem Ngân hàng Nhà nước điều hành tỉ giá trung tâm để có phương án sử dụng, nắm giữ.
"Trường hợp nếu tỉ giá trung tâm càng tăng thì người dân càng găm giữ USD, trong khi các nước xung quanh tăng lãi suất USD thì chúng ta cũng nên nghĩ liệu có tình trạng chảy USD của ta từ trong nước ra nước ngoài hay không? Bởi nếu lãi suất huy động USD của ta là 0% thì các nước xung quanh, nhất là Mỹ đã tăng 5,5%/năm", đại biểu Sơn nói.
Theo đại biểu Sơn, Chính phủ nên tính toán huy động nguồn lực, kể cả nội tệ và ngoại tệ để đầu tư phát triển thì sẽ có nhiều nguồn lực. Bởi thay vì đi vay nước ngoài, cũng là USD thì người dân có nhiều USD nên Chính phủ cần quan tâm nguồn lực này.
Lo ngại hiện tượng vàng hoá nền kinh tế
Tham gia phát biểu, đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy (đoàn Bình Định) băn khoăn nhiều chỉ tiêu quan trọng về kinh tế - xã hội chưa đạt được theo kỳ vọng đặt ra. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá, phân tích kỹ hơn về những khó khăn, nguyên nhân, dự báo tình hình để có giải pháp sát với thực tiễn về chỉ tiêu, mục tiêu đặt ra.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Thuỷ, đoàn Bình Định (Ảnh: Quochoi.vn).
Theo đại biểu, trong những tháng đầu năm, sản xuất vẫn gặp nhiều khó khăn, thị trường bị thu hẹp, chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển tăng cao... Do vậy, đề nghị Chính phủ tiếp tục có các gói hỗ trợ kích cầu, phát triển thị trường trong nước, tăng sức mua góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Đặc biệt, theo đại biểu, trong những tháng đầu năm, giá cả một số mặt hàng, dịch vụ tăng cao, nhất là giá vàng, tỉ giá USD, giá dịch vụ hàng không dẫn đến một số tác động tiêu cực.
“Vàng và USD trở thành ưu tiên lựa chọn dự trữ của nhiều gia đình, cá nhân. Nếu không có giải pháp tốt, không sớm kìm chế sẽ dẫn đến hiện tượng vàng hóa, USD hóa trong các giao dịch mua bán trong xã hội”, bà Thuỷ nhìn nhận.
Thêm vào đó, nữ đại biểu cũng cho rằng, giá dịch vụ hàng không nội địa tăng cao, khó mua. Du lịch nội địa khó cạnh tranh với các tour du lịch của nước ngoài. Vì vậy, đại biểu Thuỷ đề nghị Chính phủ chỉ đạo các ngành nghiên cứu giải pháp sớm bình ổn giá trong thời gian tới.
Nguyễn Thu Huyền
Link gốc