Thị trường tiếp tục trồi sụt quanh ngưỡng 1.300 điểm, sáng nay VN-Index lại có tới 2 lần lùi xuống sát mức này. Thanh khoản vẫn duy trì khá cao trong bối cảnh độ rộng nghiêng hẳn về phía giảm, thể hiện áp lực chốt lời vẫn thường trực. Tuy nhiên biên độ dao động hẹp là một tín hiệu tích cực...
Không có nhóm cổ phiếu dẫn dắt là lý do VN-Index mất quán tính trong các phiên gần đây.
Thị trường tiếp tục trồi sụt quanh ngưỡng 1.300 điểm, sáng nay VN-Index lại có tới 2 lần lùi xuống sát mức này. Thanh khoản vẫn duy trì khá cao trong bối cảnh độ rộng nghiêng hẳn về phía giảm, thể hiện áp lực chốt lời vẫn thường trực. Tuy nhiên biên độ dao động hẹp là một tín hiệu tích cực.
Phần lớn thời gian giao dịch VN-Index nằm trên tham chiếu, nhưng diễn biến “đánh võng” xuất hiện liên tục. Tại đáy chỉ số giảm 1,3 điểm và tại đỉnh tăng 3,5 điểm. Biên độ dao động như vậy là rất nhỏ. Đây cũng là phiên thứ hai liên tiếp thị trường không thể hiện được quán tính tăng giá rõ rệt sau khi đột phá thành công vượt qua đỉnh cao tháng 3/2024.
Một trong những nguyên nhân khiến VN-Index rơi vào trạng thái lình xình là các blue-chips không đủ mạnh. Thực tế trong phiên vượt đỉnh ngày 12/6 vừa qua, chỉ số được nâng đỡ bởi nhóm ngân hàng và cộng hưởng từ một vài trụ đơn lẻ khác. Thế nhưng sau đó nhóm dẫn dắt này đã suy yếu trở lại, từ đó làm giảm quán tính tăng của điểm số. Một vài mã ngân hàng vẫn đang nỗ lực nâng đỡ nhưng việc phân hóa sâu sắc ở nhóm blue-chips khiến các nỗ lực đơn lẻ như vậy kém hiệu quả.
VN30-Index chốt phiên sáng giảm 0,05% với 11 mã tăng/15 mã giảm. VN-Index cũng giảm 0,02% (-0,21 điểm). Trong 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất của chỉ số, còn lại 3 mã tăng là VCB tăng 0,79%, HPG tăng 0,51%, VHM tăng 0,65%. Toàn bộ nhóm ngân hàng chỉ có 8/27 mã là tăng. SSB, LPB – hai cổ phiếu ít quan trọng lại tăng tốt nhất, tương ứng 4,15% và 3,57%. Các mã có vai trò lớn như BID, CTG, VPB, TCB lại quá kém.
Nhóm cổ phiếu nhỏ cũng không còn giữ được sức nóng.
Bình thường khi VN-Index được neo giữ ổn định, dao động hẹp, thì nhóm cổ phiếu đầu cơ, cổ phiếu nhỏ dễ tăng nóng. Tuy nhiên hai phiên gần đây các giao dịch đầu cơ cũng có xu hướng suy yếu. Độ rộng sàn HoSE sáng nay chỉ có 176 mã tăng/222 mã giảm và chỉ số VNSmallcap cũng giảm 0,01%. Toàn sàn có 51 mã tăng hơn 1% thì thanh khoản chỉ tập trung vào 10 cổ phiếu hàng đầu (nhóm giao dịch được trên 10 tỷ đồng). Như vậy thị trường vẫn đang có những mã đi ngược dòng tích cực, nhưng số lượng ngày càng ít. SSI, GEX, HCM, VTP, HAH, LPB là những cổ phiếu có dòng tiền tốt nhất, thanh khoản đều trên 100 tỷ đồng mỗi mã.
Nhóm giảm giá đã có tín hiệu lan rộng hơn, ngoài độ rộng vượt trội sáng nay, còn có nhiều mã giảm sâu. Toàn sàn HoSE ghi nhận 75 mã giảm quá 1% với một số bị xả đáng kể: SAB giảm 3,66% thanh khoản 163,5 tỷ đồng; HDG giảm 2,31% với 255,7 tỷ; HAG giảm 2,15% với 254,6 tỷ; VPB giảm 1,54% với 237,2 tỷ; MWG giảm 1,09% với 205,3 tỷ; TPB giảm 1,05% với 119 tỷ. Nhóm KOS, HVN, HVH, VTO, APH, VIP, HNG, TV2, CTI… thanh khoản nhỏ hơn cũng giảm rất mạnh.
Hiện tượng phân hóa sâu sắc khi VN-Index đã vượt đỉnh kỹ thuật là một tín hiệu khá bất lợi, vì thể hiện nhà đầu tư ít quan tâm đến xu hướng của chỉ số, tâm lý hưng phấn không đồng nhất. Thêm nữa thanh khoản cho đến giờ cũng chưa có sự gia tăng rõ rệt nào. Sáng nay tổng khớp hai sàn chỉ khoảng 10.618 tỷ đồng, lại giảm nhẹ 6% so với sáng hôm qua. HoSE giảm gần 5% xuống dưới ngưỡng 10 ngàn tỷ đồng khớp lệnh.
Nhà đầu tư nước ngoài đã giảm cường độ bán ròng nhưng vẫn rút khỏi HoSE tới 341 tỷ đồng trong sáng nay. Thực chất khối này cũng đã giảm bán, còn 878,7 tỷ đồng tổng dịch ở HoSE, giảm 30% so với sáng hôm qua, nhưng mua cũng giảm tới 23%. Các cổ phiếu bị bán ròng mạnh là MWG -120,3 tỷ, FPT -74,2 tỷ, VHM -60,4 tỷ, VRE -26 tỷ, VND -21,6 tỷ, VPB -21,5 tỷ, TCB -21,3 tỷ. Bên mua có HAH +43,2 tỷ, MBB +38,6 tỷ, MSN +28,5 tỷ, VCB +20,8 tỷ.
Kim Phong-Link gốc