Theo các chuyên gia, trong xu hướng lãi suất huy động tăng như hiện nay, lãi suất cho vay thời gian tới khó duy trì được như hồi đầu năm. Như vậy, thời kỳ tiền rẻ sắp kết thúc.
Trong tháng 6, thị trường đã ghi nhận 24/36 ngân hàng thương mại trong nước tăng lãi suất huy động, trong khi chỉ có 2 ngân hàng giảm lãi suất ở một số kỳ hạn. Sang tháng 7, một loạt ngân hàng cũng đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động như Eximbank, NCB, SeABank, BaoVietBank, Saigonbank... Đáng chú ý, có nhà băng đã tăng lãi suất huy động tiền gửi dưới 6 tháng lên mức 4,7%/năm, tiệm cận với trần lãi suất 4,75%/năm do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định.
Dự báo lãi suất tiền gửi sẽ còn tăng thêm
Hầu hết các công ty phân tích thị trường cho rằng, nguyên nhân khiến lãi suất huy động tăng cao xuất phát từ bối cảnh áp lực lạm phát gia tăng từ quý III với các yếu tố tăng lương, chênh lệch tỷ giá USD/VND.
Các chuyên gia cũng đánh giá, tỷ giá trong ngắn hạn vẫn là áp lực chính khiến lãi suất huy động tiếp tục tăng. Trong kịch bản cơ sở, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) dự báo tỷ giá chưa thể sớm hạ nhiệt, thậm chí còn căng thẳng cục bộ ở một vài thời điểm khiến NHNN phải tiếp tục can thiệp bán ngoại tệ, cùng với đó là định hướng giữ nền lãi suất liên ngân hàng ở mức cao vừa đủ để hạn chế hoạt động đầu cơ tỷ giá.
Những điều này sẽ tác động trực tiếp đến thanh khoản hệ thống và làm tăng lãi suất huy động ở thị trường 1, đặc biệt là ở nhóm ngân hàng thương mại (NHTM) tư nhân vừa và nhỏ có nguồn huy động kém linh hoạt và các ngân hàng ghi nhận tăng trưởng tín dụng tốt.
Lãi suất huy động tiền gửi dưới 6 tháng tại một số ngân hàng đã lên mức 4,7%/năm, tiệm cận với trần lãi suất 4,75%/năm.
Cầu tín dụng kỳ vọng hồi phục cũng kéo theo nhu cầu huy động vốn của các nhà băng, từ đó khiến đà tăng của lãi suất huy động sẽ tiếp diễn vào cuối năm. Cụ thể, tăng trưởng tín dụng được dự báo sẽ phục hồi rõ nét hơn theo sự ấm lên của nền kinh tế trong nửa cuối năm 2024 trước những động lực chính: Kim ngạch nhập khẩu tăng mạnh trong những tháng gần đây là dấu hiệu cho thấy triển vọng tích cực của ngành sản xuất và hoạt động xuất khẩu trong thời gian tới; sự thẩm thấu của chính sách tiền tệ và tài khóa khiến nhu cầu nội địa cải thiện; và thị trường bất động sản khởi sắc.
Mặc dù lãi suất huy động đang có xu hướng tăng dần từ mức đáy, tuy nhiên mặt bằng lãi suất hiện tại vẫn đang thấp hơn mức lãi suất trung bình 3 năm trước giai đoạn dịch Covid-19 là 5,05%/năm.
Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo mặt bằng lãi suất huy động trong quý III sẽ tiếp tục tăng khoảng 0,3-0,5 điểm %. Đồng thời, áp lực tăng có thể gia tăng trong quý IV và kỳ vọng cả năm lãi suất có thể đi lên 0,5-1 điểm %.
Đây cũng là mức tăng lãi suất mà nhiều công ty chứng khoán và ngân hàng đưa ra trong năm nay. Chẳng hạn, KBSV cho rằng lãi suất huy động sẽ tiếp tục tăng thêm 0,7 – 1,0 điểm % từ nay cho tới cuối năm. Ngân hàng UOB dự báo lãi suất tiết kiệm có thể tăng 0,5-1 điểm % trên các kỳ hạn khác nhau. Còn các chuyên gia tại VDSC thì ước tính mức tăng lãi suất huy động thêm khoảng 0,5-1 điểm % trong nửa cuối năm nay.
Vẫn không dễ giữ lãi suất cho vay như đầu năm?
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, nhận định lãi suất huy động tăng sẽ cần độ trễ để lãi suất cho vay tăng. Chuyên gia này dự báo mặt bằng lãi suất huy động có thể tăng trở lại vào nửa cuối năm nay, từ đó khiến lãi suất cho vay tăng lên.
"Đây là tín hiệu pha trộn giữa tích cực và tiêu cực. Khi lãi suất tăng chứng tỏ hoạt động kinh tế mạnh mẽ hơn, bởi cá nhân và doanh nghiệp vay nhiều hơn. Điều này đẩy nhu cầu tín dụng tăng lên, khiến các ngân hàng có xu hướng tăng lãi suất để thu hút tiền gửi, nhằm đáp ứng nhu cầu vốn của khách hàng", ông Hiếu nói.
Tuy vậy, mức tăng của lãi suất sẽ còn phụ thuộc vào các hoạt động kinh tế. Trường hợp các doanh nghiệp vay nhiều thì lãi suất sẽ tăng mạnh hơn, còn trường hợp "sức khỏe" doanh nghiệp vẫn ở mức lưng chừng như năm 2023, có thể lãi suất sẽ chỉ tăng đôi chút.
Nhận xét về lãi suất cho vay trong thời gian tới, lãnh đạo các ngân hàng cho hay, Chính phủ có yêu cầu ngân hàng phải giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân nhận định: "Khi có đánh giá về dao động lãi suất gần đây, chúng tôi thấy lãi suất duy trì như những tháng đầu năm là không dễ. Chúng tôi đánh giá đi ngang hoặc xu hướng tăng lên về cuối năm”.
Riêng với ngân hàng mình, vị lãnh đạo cho biết, lãi suất cho vay vẫn đang duy trì ở mức thấp. Ngân hàng sẽ dựa trên dự báo về tỷ giá và lãi suất trên thị trường trong thời gian tới để đưa ra quyết định cho phù hợp.
Trả lời câu hỏi về việc liệu Techcombank có tính đến việc tăng lãi suất khi hầu hết thành viên trên thị trường đã nâng lãi suất tiền gửi? Ông Jens Lottner, Tổng giám đốc Techcombank chia sẻ, phần lớn nguồn vốn cho vay của Techcombank có từ vốn gửi không kỳ hạn chứ không phải lấy từ nguồn vốn có kỳ hạn. Nếu như Techcombank có động thái nào để tăng lãi suất thì cũng phải cân nhắc hết sức thận trọng. Trong khi đó, hiện nhu cầu vay vốn thấp và lãi suất cho vay đối với một số lĩnh vực khá rẻ.
"Còn việc một số ngân hàng đã quyết định tăng lãi suất huy động, đó là việc của họ và nó không ảnh hưởng gì đến Techcombank cả. Có thể chúng tôi không sẵn sàng tham gia vào cuộc đua lãi suất huy động này", ông Jens Lottner nói.
Huyền Anh-Link gốc