Hàng loạt vụ việc liên quan đến “mua bán chui” cổ phiếu đã được phanh phui và xử phạt. Tuy nhiên, tình trạng các tổ chức, cá nhân có liên quan mua bán cổ phiếu nhưng không báo cáo theo quy định vẫn liên tục diễn ra.
Thời gian gần đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) liên tục đưa ra thông báo xử phạt nhiều vụ việc mua bán cổ phiếu nhưng không báo cáo. Đáng nói, hầu hết các trường hợp vi phạm là lãnh đạo doanh nghiệp.
Nhiều sếp doanh nghiệp bị phạt vì “mua chui” cổ phiếu
Mới nhất, UBCKNN công bố loạt quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán (TTCK) đối với 3 người tại CTCP Ngoại thương và Phát triển Đầu tư TPHCM (Fideco, mã: FDC) đều với lý do là không báo cáo về việc dự kiến giao dịch mua cổ phiếu.
Cụ thể, ông Hồ Anh Tuấn - Thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) kiêm Tổng giám đốc Fideco bị phạt 370 triệu đồng và đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán có thời hạn 4 tháng theo quy định.
Một thành viên HĐQT Fideco khác là ông Lê Thái Thành cũng bị phạt 100 triệu đồng và người có liên quan ông Thành là bà Lê Ngân Nhi cũng bị phạt 270 triệu đồng và đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán có thời hạn 4 tháng theo quy định.
Tình trạng các tổ chức, cá nhân có liên quan mua bán cổ phiếu nhưng không báo cáo theo quy định vẫn liên tục diễn ra.
UBCKNN cũng xử phạt 2 doanh nghiệp. Đầu tiên là CTCP Điện Mặt trời Trung Nam bị phạt 92,5 triệu đồng vì không công bố nhiều tài liệu về tình hình thanh toán lãi, gốc trái phiếu, báo cáo tài chính, báo cáo tình hình sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu bán niên… trong các năm 2021, 2022, 2023.
Trong khi đó, CTCP Đầu tư Mavico bị phạt gần 1,19 tỷ đồng. Mavico là tổ chức liên quan đến bà Phạm Thị Thắng - người ủy quyền công bố thông tin của Công ty cổ phần Kosy (mã chứng khoán: KOS). Trong các tháng 10,11,12/2022, doanh nghiệp này liên tục mua và bán lượng lớn cổ phiếu nhưng không báo cáo về việc dự kiến thực hiện giao dịch. Đồng thời, Mavico còn bị đình chỉ giao dịch chứng khoán 4,5 tháng theo quy định.
Trước đó, ông Bùi Minh Lực - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Hoà Bình Minh đã mua 35.630 cổ phiếu của Công ty cổ phần CMC (CVT) không báo cáo UBCKNN. Ông Lực bị phạt 60 triệu đồng cho hành vi này. Ông Lực còn bị phạt 32,5 triệu đồng vì không báo cáo khi có thay đổi về tỷ lệ cổ phiếu sở hữu qua các ngưỡng 1% số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết.
UBCKNN cũng đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Hải Châu - Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán Everest (EVS) với số tiền hơn 75 triệu đồng và cấm giao dịch 2 tháng do mua "chui" cổ phiếu EVS.
Xử phạt cần đánh mạnh vào giá trị giao dịch hay lợi ích thu được
Có thể thấy việc giao dịch cổ phiếu của các cổ đông lớn, thành viên ban lãnh đạo công ty hoặc người có liên quan nhưng không báo cáo hay báo cáo chậm theo quy định là hành động có tính toán, có tổ chức, không thể nói là sơ suất được. Bởi đây là những vị trí phải hiểu rõ nhất vấn đề này trước khi tham gia mua bán cổ phiếu.
Ông Huỳnh Anh Tuấn - Tổng giám đốc Chứng khoán Đông Á đặt câu hỏi về vấn đề ý thức khi một lãnh đạo của một doanh nghiệp lớn, hiểu luật, nhưng nhiều lần "bán chui" cổ phiếu.
Theo ông Tuấn, việc lãnh đạo của một doanh nghiệp nào đó "bán chui" cổ phiếu sẽ khiến nhà đầu tư nhỏ lẻ bị mất niềm tin, trở thành "một con sâu làm rầu nồi canh" trên thị trường, trong khi nhiều lãnh đạo của các doanh nghiệp niêm yết khác vẫn đang nỗ lực hết mình.
Nhiều ý kiến khác cho rằng việc này còn ảnh hưởng đến tính minh bạch của doanh nghiệp nói riêng và thị trường. Nhiều năm nay, TTCK Việt Nam đang trông chờ được nâng hạng từ cận biên lên mới nổi, trong khi tính minh bạch là một yếu tố quan trọng.
Do đó cần phải xử phạt thật nghiêm để không làm mất lòng tin của nhà đầu tư. Thậm chí nếu xác định có lợi nhuận từ giao dịch thì ngoài xử phạt còn phải buộc nộp lại số lợi có được.
“Cần áp mức phạt gấp 10 lần khoản thu trái pháp luật cho cả hành vi bán chui để tăng tính răn đe”, theo Luật sư Trương Thanh Đức.
Ông Đức cho biết việc xử phạt cần đánh mạnh vào giá trị giao dịch hay lợi ích thu được từ hành vi vi phạm, đồng thời nêu một số bất cập trong quy định xử phạt chứng khoán hiện nay và cho rằng vì chưa đủ tính răn đe nên vẫn còn tình trạng vi phạm tái diễn.
"Phạt phải nặng hơn số tiền thu lợi được từ vi phạm. Họ tính cả rồi, nộp phạt xong vẫn kiếm được mớ tiền thì vẫn sẽ làm", ông Đức nói.
Theo ông Đức, hiện quy định mức phạt gấp 10 lần khoản thu trái pháp luật đối với tổ chức và 5 lần khoản thu trái pháp luật đối với cá nhân được áp dụng cho hành vi thao túng chứng khoán và sử dụng thông tin nội bộ để mua bán. Do đó, chuyên gia này đề xuất cần áp mức phạt này cho cả hành vi bán chui để tăng tính răn đe.
Nhìn ra thế giới, ngày 10/1/2022 (giờ Mỹ), Phó chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Richard Clarida đã tuyên bố từ chức sớm. Trước đó, Hãng tin Bloomberg đưa tin ông Clarida đã mua cổ phiếu từ một quỹ đầu tư vào tháng 2/2020, tức chỉ một thời gian ngắn trước khi FED tuyên bố sẽ triển khai một số biện pháp hỗ trợ nền kinh tế trong giai đoạn dịch bệnh. Báo Washington Post phát hiện ông Clarida không công bố toàn bộ các giao dịch của mình trong tháng 12/2021.
“Luật chứng khoán Việt Nam về công bố thông tin đã tiệm cận nước ngoài, nhưng còn khác biệt về tiền phạt. Vốn hóa của các công ty niêm yết đã cao hơn, do đó mức phạt hành chính tối đa 3 tỷ đồng với tổ chức và 1,5 tỷ đồng với cá nhân là khá nhỏ so với những thiệt hại mà nhà đầu tư phải chịu”, TS Hồ Quốc Tuấn (giảng viên Đại học Bristol, Anh) nhìn nhận.
Theo các chuyên gia, cổ phiếu đầu cơ có thể mang lại lợi nhuận nhanh chóng, nhưng cũng có khả năng khiến nhà đầu tư tán gia bại sản vì yếu tố rủi ro cao, tăng giá vì được "bơm thổi" chứ không phải vì nền tảng tài chính tốt. Vì vậy, để tồn tại và kiếm lời lâu dài trên thị trường chứng khoán, nhà đầu tư cần lọc ra những doanh nghiệp có sức khỏe tài chính tốt, người quản lý uy tín, doanh nghiệp công bố thông tin minh bạch, cần cẩn trọng trước những doanh nghiệp từng "dính chàm", tránh bị dẫn dụ bởi những thông tin thất thiệt.
Hải Giang-Link gốc