• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.258,63 -3,15/-0,25%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.258,63   -3,15/-0,25%  |   HNX-INDEX   225,88   +0,32/+0,14%  |   UPCOM-INDEX   92,46   +0,14/+0,15%  |   VN30   1.333,85   -1,91/-0,14%  |   HNX30   486,10   +1,50/+0,31%
30 Tháng Mười 2024 3:54:27 CH - Mở cửa
Nhà bán lẻ điện máy, công nghệ đi tìm... ‘hương vị’ tăng trưởng
Nguồn tin: Thời báo kinh doanh | 15/07/2024 11:43:34 SA

Thị trường bán lẻ điện máy, công nghệ được cho là đang bước vào giai đoạn bão hòa trong dài hạn, lại tranh giành thị phần gay gắt, khách hàng rời bỏ, nên việc các nhà bán lẻ ở lĩnh vực này lấy lại “hương vị” tăng trưởng trong thời gian tới là cả thách thức lớn. Ngay cả khi họ phát triển đa kênh, thích ứng với xu hướng chuyển đổi nhanh chóng trong thói quen tiêu dùng sang online, nhưng cũng vấp phải lực cản từ những sàn thương mại điện tử sừng sỏ.

Báo cáo cập nhật mới nhất về CTCP Thế giới số (DGW) trong trung tuần tháng 7/2024, Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) có lưu ý rào cản lớn nhất cho kinh doanh cốt lõi của DGW (máy tính xách tay, máy tính bảng, điện thoại di động) là các thị trường này đã đạt đến mức bão hòa trong dài hạn.

“Miếng bánh” thị trường dần nhạt vị 

Như giả định từ chuyên gia phân tích, khi thị trường của các sản phẩm nêu trên bước vào giai đoạn bão hòa và DGW đã ở vị trí “giới hạn mở rộng thị phần”, dự phóng đóng góp của các phân khúc này sẽ giảm dần xuống còn 66,5% vào năm 2028 từ mức 74,3% trong năm 2023.

Các nhà bán lẻ điện máy phải giải được “bài toán” giữ chân khách hàng trung thành khi phát triển đa kênh bán hàng.

Bên cạnh đó, tăng trưởng doanh số điện thoại di động của DGW được dự đoán sẽ đạt tỷ lệ tăng trưởng kép (CAGR) một cách khiêm tốn là 2,3% trong giai đoạn 2025-2028, tương đương với mức bão hòa của thị trường chung. 

Không chỉ với nhà bán lẻ điện máy và công nghệ nêu trên, giới phân tích nhận định thị phần của các ông lớn bán lẻ ICT/CE (máy tính xách tay, máy tính bảng, điện thoại, điều hòa, tủ lạnh, máy giặt, tivi) có dấu hiệu sụt giảm trong khi “miếng bánh” ở thị trường này dần nhạt vị. 

Nhất là khi các phân khúc chính của ICT/CE đang bước vào giai đoạn bão hòa, thể hiện bằng tỷ lệ thâm nhập cao và doanh số bán hàng trì trệ. Vì thế, các doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực này đang cạnh tranh khá “gắt” để giữ cho được thị phần. 

Trong khi đó, như nhận định từ Bộ phận phân tích của VDSC, thói quen tiêu dùng thay đổi nhanh chóng từ cửa hàng (offline) sang trực tuyến (online) gây tổn hại lớn cho các nhà bán lẻ ICT/CE chủ yếu phụ thuộc vào chuỗi cửa hàng vật lý, đơn cử như CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) hay CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FRT). 

Điều đáng nói, mặc dù các nhà bán lẻ điện máy và công nghệ hàng đầu bắt đầu chuyển đổi mô hình kinh doanh sang phụ thuộc nhiều hơn vào online, thế nhưng giới quan sát nhận thấy rằng họ khó có thể vượt qua một số sàn thương mại điện tử (TMĐT) lớn trong nước. 

Bởi lẽ, nếu so kè với các sàn TMĐT hàng đầu ở Việt Nam như Shopee, Lazada, Tiki thì tiềm lực tài chính của các nhà bán lẻ điện máy và công nghệ còn thấp hơn nhiều để xây dựng lợi thế quy mô lớn (cơ sở khách hàng). Cho nên họ khó có thể so bì với những sàn TMĐT này về việc tối ưu hóa chi phí (như chi phí giao hàng) và mở rộng doanh thu nhanh trên diện rộng.

Thực ra, khi hướng đến kênh online và muốn cạnh tranh ngang ngửa với những sàn TMĐT lớn, đòi hỏi các nhà bán lẻ mặt hàng ICT/CE sẽ phải “đốt” một khoản tiền khổng lồ để xây dựng lợi thế quy mô (cơ sở khách hàng lớn) nhằm hỗ trợ tối ưu hóa chi phí như chi phí vận chuyển và kho bãi. 

Tuy nhiên, ngoài tiềm lực tài chính nhỏ hơn nhiều, trước rào cản gia nhập cực cao của các sàn TMĐT (như Shopee, Lazada, Tiki đã xây dựng trong 10 năm qua), có thể các nhà bán lẻ ICT/CE ở Việt Nam sẽ phải hứng chịu thất bại trong cuộc cạnh tranh này.

“Bài toán” phải giải khi phát triển đa kênh

Điều này cũng thấy rõ khi thị trường đã và đang chứng kiến sự phát triển nhanh chóng của các sản phẩm ICT/CE trên 5 sàn TMĐT hàng đầu Việt Nam với doanh số tăng trưởng trên 40% (hồi năm 2023) trong khi các đại gia bán lẻ ở lĩnh vực này lại cho thấy doanh số bán hàng sụt giảm ở cả kênh offline (ngoại tuyến) và online.

Chưa kể, các “ông lớn” bán lẻ ICT/CE sẽ gặp khó ở kênh offline trước vị thế đang dần cao hơn của các nhà bán lẻ non trẻ (như CellPhoneS, HoangHaMobile, Shopdunk). Bởi vì các đối thủ mới này có chính sách giá rẻ hơn (do chi phí hoạt động/doanh thu thấp hơn MWG, FRT) nhưng vẫn đảm bảo trải nghiệm khách hàng tương tự (dịch vụ hỗ trợ trước và sau mua hàng).

Nhìn chung, việc thu hẹp thị phần từ những “ông lớn” trong mảng bán lẻ điện máy và công nghệ trước các đối thủ mới cùng các nền tảng TMĐT được cho là có tác động tiêu cực đến tiềm năng tăng trưởng doanh số, lợi nhuận của các DN ở lĩnh vực này.

Và trong cuộc chạy đua, giành giật thị phần, khó tránh có những chuỗi bán lẻ hàng điện máy, công nghệ sẽ tiếp tục sắp xếp lại hệ thống, kể cả sẵn sàng đóng cửa những cửa hàng hoạt động không hiệu quả. Điều này nhằm thích nghi trong bối cảnh mới khi tiêu dùng đi ngang thậm chí đi xuống.

Trước thách thức về mặt tăng trưởng doanh thu như vậy, để cải thiện tình hình, điều mà các nhà bán lẻ điện máy và công nghệ cần làm là phải giải được “bài toán” giữ chân khách hàng trung thành khi phát triển đa kênh, điển hình như việc chuyển hướng vào kênh bán hàng online. 

Như chia sẻ của ông Nguyễn Hải Triều, sáng lập và điều hành của PrimeData, vấn đề đáng lưu tâm hiện nay đối với các kênh online đó là việc giữ chân khách hàng. Theo thống kê trung bình chỉ có 15% khách hàng thường xuyên quay lại, 25% khách hàng thỉnh thoảng quay lại, nhưng có đến 80% khách hàng đã rời bỏ, không quay lại. 

Và theo ông Triều, nếu DN nào tăng 5% khách hàng trung thành, họ có thể tăng được đến 25%-200% lợi nhuận. Nói chung, các DN cần sở hữu năng lực am hiểu khách hàng, năng lực quản trị trải nghiệm khách hàng và tăng trưởng trên những phân khúc mà khách hàng ưu tiên.

Để tìm lại “hương vị” tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận không phải là điều dễ dàng với nhà bán lẻ điện máy và công nghệ một khi thị trường đang bão hòa. Nhưng, trước mắt nếu không muốn mất “miếng bánh” thị phần và thất thế trên thị trường đòi hỏi họ cần có cái nhìn thấu đáo hơn các kênh bán hàng của mình.

Trong đó, việc phát triển đồng bộ các kênh bán hàng là điều mà các nhà bán lẻ điện máy và công nghệ cần làm. Sự thành công của các kênh này đòi hỏi bản thân DN cần có một chiến lược tổng thể và linh hoạt, nhằm tối ưu hóa lợi thế cạnh tranh và xây dựng thương hiệu mạnh mẽ, không phụ thuộc vào một kênh bán hàng duy nhất. Đặc biệt là cần thích ứng trước sự chuyển đổi nhanh chóng trong thói quen tiêu dùng ICT/CE sang online, có thể sẽ tác động mạnh mẽ lên các “gã khổng lồ” bán lẻ trong trung hạn.

 Thế Vinh-Link gốc