Kẻ lừa đảo liên tục thay đổi, biến tướng các hình thức lừa đảo. Trong thời gian gần đây, tình trạng mạo danh cán bộ tuyển dụng của ngân hàng mời ứng viên phỏng vấn, tham gia nhóm trực tuyến để lừa đảo, chiếm đoạt tiền ngày càng gia tăng.
Vietinbank vừa phát đi cảnh báo về việc ngân hàng này bị nhiều đối tượng lợi dụng hình ảnh thương hiệu để tuyển dụng để lừa đảo những người lao động đang có nhu cầu tìm việc làm nhằm đánh cắp thông tin, giấy tờ và thậm chí chiếm đoạt lệ phí của người lao động.
Thủ đoạn của nhóm lừa đảo rất tinh vi khi mạo danh Website/Fanpage VietinBank/Tuyển dụng VietinBank để đăng tin tuyển dụng, sử dụng hình ảnh thương hiệu, ảnh thẻ cán bộ hoặc văn bản giả mạo để tạo lòng tin với ứng viên. Từ đó, đối tượng lừa ứng viên tham gia các nhóm chat online để truy cập vào link mã độc, chuyển tiền tham gia nhóm đào tạo thi vào ngân hàng hay yêu cầu ứng viên cung cấp các thông tin bảo mật nhằm chiếm đoạt tiền trong tài khoản của ứng viên.
LPBank cảnh báo chiêu trò mạo danh ngân hàng lừa tuyển dụng nhân sự để chiếm đoạt tài sản.
Không chỉ Vietinbank, Agribank cũng ghi nhận tình trạng tương tự. Trên website chính thức của mình, Agribank cảnh báo khách hàng tình trạng đối tượng lừa đảo mạo danh "tuyển dụng Agribank" yêu cầu ứng viên tham gia vào nhiều hội, nhóm chat trên nền tảng Telegram để thực hiện phỏng vấn trực tuyến. Từ đó, kẻ xấu chuẩn bị sẵn những kịch bản hối thúc nộp lệ phí để có cơ hội đi làm nhanh nhất. "Việc cung cấp thông tin cá nhân cho thủ đoạn lừa đảo này sẽ dẫn đến nguy cơ lộ lọt thông tin cá nhân hoặc liên quan đến những vụ việc lừa đảo khác nghiêm trọng hơn", Agribank cảnh báo.
Một “ông lớn” khác là BIDV cũng phát đi thông tin cảnh báo tương tự. Ngân hàng cho biết, phương thức chung của những hình thức lừa đảo này là đối tượng tự soạn thảo công văn giả mạo BIDV, chữ ký, con dấu, email và bài đăng tuyển dụng của BIDV.
Các ngân hàng cảnh báo, việc cung cấp thông tin cá nhân sẽ dẫn đến nguy cơ lộ lọt thông tin cá nhân hoặc liên quan đến những vụ việc lừa đảo khác nghiêm trọng hơn. Ngân hàng khuyến cáo khách hàng cần cẩn trọng trước chiêu thức lừa đảo mới.
Thực tế, bằng cách thức lừa đảo này, nhiều người lao động đã bị chiếm đoạt từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng. Vì vậy, các ngân hàng khuyến cáo người lao động nên: Cảnh giác trước tất cả các lời mời tham gia nhóm phỏng vấn online; Bảo vệ thông tin cá nhân bằng việc hạn chế khai báo, đưa thông tin cá nhân khi tham gia các trang mạng xã hội để giảm thiểu nguy cơ mất an toàn thông tin; không chia sẻ hay công khai các thông tin như: Email, số điện thoại, số tài khoản/số thẻ ngân hàng, ảnh chụp CCCD/CMND… trên không gian mạng; Thường xuyên cập nhật các phương thức, thủ đoạn của tội phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng và Website chính thức của ngân hàng. Đồng thời, theo dõi thông tin tuyển dụng chính thức của các ngân hàng trên kênh thông tin uy tín.
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Tổng giám đốc Trung tâm nghiên cứu mã độc (AntiMalware) của Bkav, cho biết với khả năng thu thập và phân tích dữ liệu người dùng thông qua AI cho phép tạo ra những chiến lược lừa đảo tinh vi. "Điều này cũng có nghĩa là mức độ phức tạp của các kịch bản lừa đảo khi kết hợp giữa Deepfake GPT sẽ ngày càng cao, khiến việc nhận diện lừa đảo sẽ khó khăn hơn rất nhiều", ông Đạt nói.
Theo khảo sát của Google về an toàn thông tin trực tuyến đối với người dùng Việt Nam, 90% người dùng đã từng tiếp xúc với lừa đảo trực tuyến và hơn 70% từng là nạn nhân. Nhóm tuổi trên 55 đặc biệt dễ bị tổn thương, với 49% đã từng bị lừa đảo. Top 3 lý do khiến người lớn tuổi sập bẫy lừa đảo trực tuyến là: không nhận ra tình huống là một trò lừa đảo (48%); giao dịch, giải thưởng có vẻ hấp dẫn (39%); cảm thấy tò mò (38%).
Thanh Hoa-Link gốc