Trình diễn các phương tiện, thiết bị kỹ thuật gieo sạ lúa tại Hợp tác xã Phú Hòa, xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp (Kiên Giang). (Ảnh: Lê Huy Hải/ TTXVN)
Trong đề án 1 triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tỉnh Kiên Giang tham gia 200.000ha, được chia thành 2 giai đoạn.
Tại lễ khởi động đề án ngày 16/7, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Kiên Giang cho biết tỉnh triển khai trồng lúa chất lượng cao ở 12 huyện, thành phố, gồm Tân Hiệp, Giang Thành, Giồng Riềng, Gò Quao, Kiên Lương, Hòn Đất, Châu Thành, An Biên, An Minh, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận và thành phố Rạch Giá.
Tổng kinh phí thực hiện Đề án là hơn 596 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách tỉnh, vốn vay Ngân hàng Thế giới, vốn tư nhân.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị, tổ chức, tiếp nhận cung cấp thông tin và triển khai Đề án trong năm 2024.
Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiệu quả chung của đề án 1 triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao là nâng cao giá trị toàn chuỗi thêm 40%, tỷ suất lợi nhuận của người trồng lúa tăng 50%.
Hiệu quả xã hội là 1 triệu hộ nông dân được đào tạo và áp dụng canh tác bền vững. Hiệu quả môi trường là góp phần bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính (giảm trên 10% lượng phát thải khí nhà kính).
Đề án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong định hướng chuyển đổi phương thức canh tác lúa bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long và hình thành, phát triển các vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn ổn định lâu dài, bảo đảm chất lượng canh tác bền vững và hiệu quả.
Đề án đưa ra mục tiêu giảm 30% chi phí đầu vào, góp phần giảm chi phí sản xuất lúa cho các hộ nông dân khoảng 9.500 tỷ đồng; tỷ suất lợi nhuận của người trồng lúa tăng 50%; góp phần giảm 10% lượng khí nhà kính phát thải.
Đề án gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế.
Trong quá trình triển khai Đề án, sẽ có một số chính sách mới, phù hợp với xu hướng toàn cầu được thực hiện thí điểm như chi trả tín chỉ carbon dựa vào kết quả cho 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh, sản xuất tuần hoàn, khai thác đa giá trị trong sản xuất lúa với các chính sách cơ chế về đầu tư hoặc tín dụng với mục tiêu thu hút các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, chế biến lúa gạo.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, tỉnh có diện tích trồng lúa lớn nhất cả nước, mỗi năm sản lượng lúa của Kiên Giang đạt trên dưới 4,5 triệu tấn.
Ông Lê Hữu Toàn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Kiên Giang cho biết Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai 1 mô hình thí điểm 50ha lúa tại Hợp tác xã Phú Hòa, xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp.
Dự kiến tháng 8/2024 tiếp tục triển khai 1 mô hình thí điểm 10ha trên diện tích Lúa-tôm tại huyện An Minh.
Một số hạng mục đầu tư chính của đề án trên địa bàn tỉnh gồm nâng cấp hệ thống tưới tiêu, Cải thiện hệ thống giao thông, Hỗ trợ cơ sở hạ tầng chuỗi giá trị lúa gạo, Hỗ trợ nông nghiệp kỹ thuật số, cơ giới hóa đồng bộ…
Dự án đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trình Chính phủ là Dự án Đặc biệt cấp Quốc gia.
Ông Nguyễn Văn Huỳnh, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp thanh niên Phú Hòa, xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp chia sẻ rất vinh dự khi được chọn làm đơn vị đầu tiên của tỉnh khởi động đề án với diện tích 50ha, 25 hộ tham gia.
Việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trên đồng ruộng từ lâu đã được hợp tác xã triển khai rất hiệu quả và được sự đồng tình ủng hộ của người dân. Gần đây nhất là mô hình sản xuất lúa SRP, cánh đồng lớn giảm chi phí, cánh đồng lớn lúa hữu cơ.
Trình diễn các phương tiện, thiết bị kỹ thuật gieo sạ lúa tại Hợp tác xã Phú Hòa, xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp (Kiên Giang). (Ảnh: Lê Huy Hải/ TTXVN)
Để thực hiện Đề án, thành viên hợp tác xã sẽ thực hiện theo cam kết ban đầu với các đơn vị, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ là sau khi thu hoạch lúa Hè Thu 2024 nông dân sẽ không đốt rơm rạ thay vào đó sẽ được vận chuyển ra khỏi đồng.
Các hộ tham gia đề án sẽ nhận được sự hỗ trợ như giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật trong quá sản xuất. Đồng thời, ứng dụng cơ giới hóa máy sạ cụm, sạ hàng, Drone phun phân, thuốc, giống.
Theo ông Huỳnh, việc đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường trong khi vùi rơm rạ vào ruộng ngập nước làm tăng phát thải khí Methane (CH4) và khí nhà kính khác. Thực trạng này đặt ra yêu cầu phải quản lý rơm rạ theo hướng nông nghiệp tuần hoàn nhằm tăng tối đa dinh dưỡng chứa trong rơm, giảm thất thoát dinh dưỡng, giảm ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính đồng thời tăng thu nhập cho người trồng lúa.
Mặt khác trong thời gian gần đây, yêu cầu của thị trường ngày càng cao, quy định của các nước nhập khẩu ngày càng nghiêm ngặt, đòi hỏi chất lượng gạo phải được nâng cao, phải bảo đảm an toàn thực phẩm, trong đó có việc giảm thiểu sử dụng đầu vào sản xuất có nguồn gốc hóa học, sản xuất giảm phát thải.
“Trước bối cảnh trên, Chính phủ đã phê duyệt Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng Sông Cửu Long đến năm 2030" có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong định hướng chuyển đổi phương thức canh tác lúa bền vững ở vùng đồng bằng Châu Thổ và hình thành phát triển các vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn điện chất lượng canh tác bền vững và hiệu quả,” ông Nguyễn Văn Huỳnh nhấn mạnh.
Tham quan buổi trình diễn thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp, ông Nguyễn Văn Bảy, xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp cho biết bản thân cũng như nhiều nông dân địa phương rất phấn khởi khi “Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” được triển khai trên địa bàn.
"Chúng tôi hy vọng đề án được triển khai hiệu quả, giảm chi phí sản xuất, nâng cao giá trị, lợi nhuận cho người nông dân; đặc biệt là việc bao tiêu giá lúa ổn định để nông dân yên tâm sản xuất và khá lên từ trồng lúa," ông Bảy nói.
Dịp này, một số doanh nghiệp và hợp tác xã cũng đã ký kết tham gia đề án, đồng thời tham quan mô hình trình diễn các phương tiện, thiết bị máy móc, công nghệ trong sản xuất lúa và trao đổi một số biện pháp kỹ thuật gieo sạ, chăm sóc đồng lúa để mang lại năng suất cao./.