Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 7/2024 ước đạt 528,3 nghìn tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 12,1%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 5,3%; may mặc tăng 6,9%; dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 13,9%; du lịch lữ hành tăng 6,8%.
Người tiêu dùng TP Hồ Chí Minh ưu tiên mua sắm những sản phẩm giảm giá, khuyến mãi. Ảnh (tư liệu): Mỹ Phương/TTXVN
Tính chung 7 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 3.625 nghìn tỷ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 10,6%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,2% (cùng kỳ năm 2023 tăng 9,8%).
Doanh thu bán lẻ hàng hóa 7 tháng năm 2024 ước đạt 2.801 nghìn tỷ đồng, chiếm 77,3% tổng mức và tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 4,3%); trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 10,7%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 11,1%; may mặc tăng 9,1%; phương tiện đi lại (trừ ô tô) tăng 3,4%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 11,2%.
Bảy tháng năm 2024, doanh thu bán lẻ hàng hóa của một số địa phương như sau: Quảng Ninh tăng 10,2%; Đà Nẵng tăng 7,8%; Cần Thơ tăng 7,6%; Hà Nội tăng 6,6%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 7 tháng năm 2024 ước đạt 419,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,6% tổng mức và tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 7 tháng năm 2024 so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương như sau: Quảng Ninh tăng 25,2%; Đà Nẵng tăng 23,4%; Cần Thơ tăng 12%; Hà Nội tăng 11,3% và Thành phố Hồ Chí Minh tăng 7,9%.
Doanh thu du lịch lữ hành 7 tháng năm 2024 ước đạt 35,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 1% tổng mức và tăng 31,8% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng cục thống kê nhận định, chính sách thị thực thuận lợi, chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch năm 2024 được các địa phương trên cả nước đẩy mạnh đã thu hút lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước.
Trong tháng 7/2024, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 1,15 triệu lượt người, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng năm 2024, khách quốc tế đến nước ta đạt gần 10 triệu lượt người, tăng 51,0% so với cùng kỳ năm trước và tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch COVID-19.
Doanh thu du lịch lữ hành 7 tháng năm 2024 của một số địa phương như sau: Thành phố Hồ Chí Minh tăng 42,2%; Đà Nẵng tăng 38,6%; Cần Thơ tăng 33,7%; Hà Nội tăng 29,7%; Quảng Ninh tăng 21%; Bình Dương tăng 18,5%.
Doanh thu dịch vụ khác 7 tháng năm 2024 ước đạt 370,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,1% tổng mức và tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ khác 7 tháng năm 2024 của một số địa phương như sau: Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 12,3%; Hà Nội tăng 8,2%; TP Hồ Chí Minh tăng 7%; Hải Phòng tăng 4,3%; Hưng Yên giảm 6,2%; Đà Nẵng giảm 7,2%.
Để kích cầu tiêu dùng, các địa phương đang đẩy mạnh triển khai các giải pháp xúc tiến thương mại. Cụ thể, tại Hà Nội, Hội chợ “Ngày hội khuyến mại tháng 7” do Sở Công Thương Hà Nội tổ chức sẽ diễn ra trong 5 ngày từ 26/7 - 30/7/2024. Cụ thể, các hoạt động khuyến mại giảm giá đến 100%, gameshow tương tác, các hoạt động tặng quà, bốc thăm may mắn, dùng thử sản phẩm… đến từ nhiều doanh nghiệp uy tín tham gia chương trình là điểm nhấn nhằm mục đích thúc đẩy tiêu dùng qua đó mang đến cơ hội trải nghiệm, mua sắm những sản phẩm chất lượng cho người tiêu dùng với mức giá ưu đãi.
Tại TP Hồ Chí Minh, từ đầu tháng 8 tới, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh sẽ tổ chức các chuyến bán hàng lưu động phục vụ người lao động thu nhập thấp ở các quận, huyện, khu công nghiệp, khu chế xuất… Đây là nhóm khách hàng khó có cơ hội tiếp cận thường xuyên việc mua sắm hàng hóa trong các siêu thị, nơi diễn ra các chương trình khuyến mại lớn.
Nhằm bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu, phát triển thị trường trong nước từ nay đến cuối năm, Tổng cục Thống kê đề xuất, Bộ Công Thương tiếp tục đẩy nhanh việc rà soát, sửa đổi, xây dựng và hoàn thiện một số văn bản quy phạm pháp luật phục vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực thị trường trong nước bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn, phục vụ hiệu quả cho điều hành kinh tế vĩ mô và hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân và doanh nghiệp.
Ngoài ra, tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành địa phương theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá; phối hợp với các bộ, ngành trong việc tham mưu điều hành giá các mặt hàng do nhà nước quản lý giá.
Cùng với đó, các nhà sản xuất cần nắm bắt yếu tố ảnh hưởng chi tiêu theo kênh mua sắm, với từng mục đích khác nhau, người mua lại có những tiêu chí lựa chọn kênh mua sắm khác nhau. Cụ thể, những vấn đề mà nhà sản xuất cần lưu tâm là tiêu chí thúc đẩy quyết định mua hàng và chi tiêu theo từng nhà bán lẻ.
Mặt khác, các doanh nghiệp cần chú trọng phân khúc sản phẩm nhằm đáp ứng đúng nhu cầu của người mua trong quá trình mua hàng. Song song với đó là tận dụng xu hướng đa kênh để tiếp cận nhiều người mua sắm hơn, bởi người tiêu dùng có xu hướng ưa chuộng các loại hình bán lẻ hiện đại và tiện lợi…
Thúy Hiền (TTXVN)
Link gốc