Nhân viên Vietcombank đang hỗ trợ khách hàng thực hiện xác thực sinh trắc học trên điện thoại- Ảnh: ĐỨC THIỆN
Ông Lê Hoàng Chính Quang - phó cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Ngân hàng Nhà nước) - đã khẳng định như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ vào chiều 3-7.
Ông Quang nói: Khách hàng có nhu cầu chuyển trên 10 triệu đồng/giao dịch mới phải thực hiện xác thực sinh trắc. Nếu chuyển tiền từ 10 triệu đồng/giao dịch trở xuống hoặc tổng giá trị trong ngày dưới 20 triệu đồng, khách hàng chưa cần phải cập nhật xác thực sinh trắc học ngay. Việc chuyển tiền vẫn bình thường như lâu nay mà không phải xác thực khuôn mặt.
Ông Lê Hoàng Chính Quang
* Cơ sở nào cho rằng việc xác thực khuôn mặt và chuyển tiền trên 10 triệu đồng/giao dịch đã thông suốt, thưa ông?
- Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, số lượng chuyển tiền trên 10 triệu đồng/giao dịch của ngày 1 và 2-7 đều trên 8% tổng giao dịch trong ngày.
Tỉ lệ này bằng với mức giao dịch của tháng 6 với số lượng chuyển khoản trên 10 triệu đồng cũng chiếm 8% trên tổng số giao dịch. Con số này cho thấy hoạt động giao dịch hoàn toàn
bình thường.
Đến 12h ngày 3-7 có gần 15 triệu khách hàng đã được thu thập và xác thực thông tin sinh trắc học.
Trong khi đó, ngày 2-7 số lượng giao dịch trên 10 triệu đồng/giao dịch chỉ có 1,8 triệu. Như vậy, một lần nữa cho thấy việc phải xác thực khuôn mặt đối với chuyển khoản trên 10 triệu đồng là hoàn toàn thông suốt.
* Nhưng thực tế, hai ngày đầu thực hiện chính sách này, nhiều người không thể xác thực được khuôn mặt để chuyển tiền dù đã cập nhật thông tin sinh trắc học trên app ngân hàng?
- Trong hai ngày đầu 1 và 2-7 có phát sinh một số tồn tại như một số khách hàng khó khăn khi xác thực. Hay có thời điểm ở một số ngân hàng, việc xác thực sinh trắc học khách hàng khó khăn do quá tải...
Tuy nhiên đến ngày 3-7, việc xác thực và thực hiện giao dịch chuyển tiền gần như đã diễn ra bình thường.
* Nhiều khách hàng cho rằng điện thoại đời cũ không thể tự cập nhật được thông tin sinh trắc học là rất bất cập. Theo ông, có cách nào xử lý vấn đề này?
- Theo quy định, nếu không có căn cước công dân gắn chip, không có điện thoại hỗ trợ công nghệ NFC, khách hàng sẽ ra quầy để ngân hàng hỗ trợ việc thu thập và xác thực khuôn mặt. Việc ra quầy chỉ một lần.
Khi thông tin sinh trắc học của khách hàng đã được lưu trữ trong kho dữ liệu của ngân hàng, khách hàng có thể thực hiện giao dịch trên 10 triệu đồng qua app như bình thường.
Đến nay đã có ngân hàng hỗ trợ thu thập và xác thực thông tin sinh trắc học khách hàng tài khoản định danh điện tử (VNeID).
Hay nói cách khác, với những điện thoại không có hỗ trợ công nghệ NFC, khách hàng vẫn có thể tự thực hiện xác thực thông tin sinh trắc học bằng app của ngân hàng mà không phải ra quầy.
* Với khách hàng là người nước ngoài, không có căn cước công dân gắn chip, có phải ra quầy mỗi khi chuyển khoản trên 10 triệu đồng không, thưa ông?
- Do không có căn cước công dân gắn chip, người nước ngoài chỉ phải ra quầy giao dịch để được ngân hàng thu thập thông tin và xác thực thông tin sinh trắc học (khuôn mặt) một lần.
Sau khi đã được cập nhật thông tin sinh trắc học rồi, khách hàng thực hiện giao dịch chuyển tiền trên 10 triệu đồng qua app ngân hàng một cách bình thường.
Cách thứ hai là người nước ngoài có thể thu thập và xác thực thông qua tài khoản định danh điện tử cấp độ 2 qua app ngân hàng.
Đã có ngân hàng cung cấp dịch vụ này. Tuy nhiên, tài khoản định danh điện tử cấp độ 2 đã được đăng ký với cơ quan công an.
Tôi được biết có một số ngân hàng cử nhân viên đến khu công nghiệp có người nước ngoài làm việc để hỗ trợ khách hàng là người nước ngoài thực hiện thu thập và xác thực thông tin sinh trắc học.
Cảnh báo lừa đảo lợi dụng xác thực sinh trắc học
Ngày 3-7, Công an TP.HCM đã lên tiếng cảnh báo chiêu trò lừa đảo lợi dụng tình trạng đông đảo người dân đang có nhu cầu cung cấp thông tin sinh trắc học để xác thực giao dịch chuyển khoản trên 10 triệu đồng.
Cụ thể, những kẻ lừa đảo đóng vai là nhân viên ngân hàng và liên lạc trực tiếp đến người dân bằng các hình thức như gọi điện, nhắn tin, kết bạn qua các trang mạng xã hội (Zalo, Facebook…) và thông báo mục đích hướng dẫn thu thập thông tin sinh trắc học theo quy định nhà nước.
Tiếp đó, chúng sẽ yêu cầu người dân cung cấp các thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, hình ảnh căn cước công dân, hình ảnh khuôn mặt… để giả vờ làm thủ tục lấy thông tin sinh trắc học giống quy trình của các ngân hàng.
Thậm chí, chúng còn có thể yêu cầu nạn nhân thực hiện cuộc gọi video để thu thập thêm giọng nói, cử chỉ…
Sau đó, người dùng được đề nghị truy cập vào đường link do chúng cung cấp với hướng dẫn là để tải và cài đặt ứng dụng hỗ trợ thu thập sinh trắc học trên điện thoại.
Nếu làm theo, người dùng có thể sẽ bị cài đặt mã độc chiếm quyền điều khiển điện thoại, chiếm đoạt các tài khoản trên điện thoại gồm cả tài khoản ngân hàng và thông tin cá nhân.
Ông Vũ Ngọc Sơn, giám đốc công nghệ Công ty an ninh mạng NCS, cũng cho rằng trong những ngày qua, lợi dụng tình trạng nhiều người dùng gặp khó khăn trong việc cài đặt xác thực sinh trắc học trên điện thoại phục vụ giao dịch ngân hàng, một số đối tượng lừa đảo đã lợi dụng điều này để phát tán phần mềm độc hại.
Cụ thể các đối tượng lừa đảo gọi điện cho người dùng, giả danh ngân hàng hướng dẫn người dùng tải app để thực hiện xác thực nhanh hơn.
Thực chất là lừa người dùng cài đặt app giả mạo, có mã độc hại, chủ yếu là tập trung vào người dùng hệ điều hành Android.
Khi người dùng cài app này, cấp quyền truy cập cho app, đặc biệt là quyền accessibility (quyền trợ năng), hacker có thể từ xa điều khiển điện thoại, chiếm quyền và ăn trộm tiền trong tài khoản. "Loại mã độc này vốn đã rất phổ biến tại Việt Nam thời gian trước đây, từng giả mạo các ứng dụng nổi tiếng như VNeID, thuế hay Chính phủ", ông Sơn cho biết.
Lê Thanh - Đức Thiện