Bất chấp khó khăn của thị trường chung, các doanh nghiệp địa ốc trong nước vẫn cho thấy nhiều tham vọng trong cuộc đua gom dự án, “săn” quỹ đất. Tuy nhiên, cuộc đua mua bán và sáp nhập (M&A) bất động sản nửa cuối năm được dự báo sẽ nghiêng về khối ngoại.
Nửa đầu năm 2024, FDI đăng ký vào Việt Nam đạt hơn 15 tỷ USD, tăng hơn 13% so với cùng kỳ năm 2023, theo số liệu của Tổng cục Thống kê. Trong đó, hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,89 tỷ USD, gấp 4,7 lần cùng kỳ và chiếm gần 20% tổng vốn đăng ký cấp mới.
Khối ngoại vung tiền
Nếu tính cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký điều chỉnh thì vốn FDI đăng ký vào hoạt động kinh doanh bất động sản trong hai quý đầu năm đạt gần 2 tỷ USD, gấp 3,4 lần cùng kỳ năm trước và chiếm gần 15% tổng vốn ngoại đăng ký cấp mới và tăng thêm.
Bà Trang Bùi, Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam cho hay kể từ cuối năm 2023 đến nửa đầu năm 2024 đã ghi nhận khoảng 16 thương vụ M&A bất động sản gây chú ý. Các nhà đầu tư ngoại chịu chi nhất chủ yếu đến từ Malaysia, Đài Loan, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc...
Đường đua M&A bất động sản được dự báo sẽ dậy sóng trong nửa cuối năm.
Đáng chú ý, theo Cushman & Wakefield, nhiều giao dịch đã và đang trong quá trình đàm phán với kết quả khá tích cực. Mục tiêu đầu tư của khối ngoại vẫn nằm ở việc tìm kiếm quỹ đất sạch, có chất lượng tốt, giá trị thật cũng như có pháp lý hoàn chỉnh, nhiều tiềm năng phát triển.
Phân khúc nhà ở vẫn là lựa chọn hấp dẫn của cả nhà đầu tư nội và ngoại bởi tỷ suất sinh lời hấp dẫn. Nếu 15 năm trước, dòng vốn FDI chỉ tập trung vào nhà ở cao cấp với những tên tuổi quen thuộc như Keppel Land, Capitaland..., thì hiện nay, thị trường có thêm nhiều “tay chơi” mới tham gia cuộc chơi như Lotte Group, GS, Sumitomo, Hong Kong Land...
Cùng với nhà ở, lĩnh vực bất động sản công nghiệp cũng đang là “hố đen” hút vốn FDI. Một trong những thương vụ đình đám là Mapletree Logistics Trust (MLT) - quỹ đầu tư đến từ Singapore, chi 68,4 triệu SGD (hơn 50 triệu USD) mua lại 2 nhà kho hạng A tại Việt Nam, lần lượt ở Bình Dương và Hưng Yên.
Mới đây, bà Patricia Goh, Giám đốc điều hành phụ trách đầu tư khu vực Đông Nam Á của CapitaLand Investment cho biết, doanh nghiệp dự kiến đầu tư thêm 100-150 triệu SGD (tương đương 73-110 triệu USD) tại Việt Nam trong 2 năm tới. Mục tiêu chính là để xây dựng hoặc mua lại các khu công nghiệp.
Bên cạnh 2 phân khúc chủ lực là nhà ở và khu công nghiệp, TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho hay thời gian gần đây không ít nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng chuyển sang các sản phẩm có thể tạo ra dòng tiền ngay, như dự án khu du lịch nghỉ dưỡng, thương mại, văn phòng...
Điển hình, vào đầu tháng 2/2024, ông trùm bất động sản bán lẻ Central Pattana - thành viên của gã khổng lồ bán lẻ Thái Lan Central Group - đã rục rịch thành lập pháp nhân tại Việt Nam nhằm gia nhập đường đua bất động sản thương mại, bán lẻ được đánh giá tiếp tục tăng trưởng mạnh.
Dậy sóng nửa cuối năm?
Với những diễn biến từ thực tế, giới chuyên gia dự báo lợi thế trong cuộc đua M&A bất động sản năm 2024 nhiều khả năng vẫn nghiêng về khối ngoại. Tuy nhiên, các doanh nghiệp địa ốc trong nước dù phần nào thất thế về tiền bạc, đang cho thấy tâm thế “phòng thủ chủ động”.
Cụ thể, để không bị lép vế, các doanh nghiệp trong nước đang chủ động phát huy những lợi thế của chủ nhà. Một trong số đó là đẩy mạnh gom quỹ đất sạch - yếu tố then chốt trong thực hiện dự án.
Các đại gia đầu ngành địa ốc đang nhập cuộc đường đua rót tiền gom đất. Đất Xanh Group (DXG) cho hay đang tìm kiếm quỹ đất rộng 100 - 200 ha khắp cả nước, pháp lý tốt để làm các dự án giai đoạn 2024 – 2025. Mục tiêu trước mắt của đại gia này là quỹ đất sạch pháp lý tại hai tỉnh Bình Phước và Đồng Nai.
Nam Long Group (NLG) dù sở hữu quỹ đất hơn 680 ha để phát triển dự án đến năm 2030, song vẫn có kế hoạch dành ngân sách để mở rộng thêm quỹ đất sạch, phát triển quỹ đất đô thị mới trong dài hạn.
Một ông lớn khác là Bất động sản An Gia hồi tháng 2 cũng thông báo đang tìm kiếm cơ hội để thực hiện M&A, mở rộng quỹ đất sạch. Hiện, công ty đang trong quá trình thẩm định chuyên sâu đối với hai quỹ đất tiềm năng tại quận 8 và Thủ Đức (TP.HCM).
Bên cạnh những đại gia kể trên, loạt doanh nghiệp lớn khác như Ecopark, Hoàng Huy, TNG Holdings, Vinhomes, Eurowindow, Phú Mỹ Hưng, Hà Đô... cũng đang tích cực tham gia phát triển dự án từ các quỹ đất lớn từ 50 -150 ha tại Lâm Đồng, Long An, Hải Phòng, Bình Thuận...
Cần phải nói thêm, nửa đầu năm 2024 được đánh giá là quãng thời gian khá mờ nhạt trên đường đua M&A bất động sản, thị trường không có quá nhiều thương vụ đình đám. Không ít thương vụ được ghi nhận nhưng thực chất đã diễn ra từ nửa cuối năm 2023, đơn cử như Becamex IDC chuyển nhượng dự án khu đô thị Tân Thành Bình Dương tại thành phố Thủ Dầu Một cho CapitaLand.
Hay các thương vụ Gamuda Land rót tiền mua 100% vốn công ty Bất động sản Tâm Lực để sở hữu dự án ở Thủ Đức, TPHCM; Keppel Land chốt mua 49% cổ phần trong 2 dự án của Công ty Nhà Khang Điền...
Không gây ấn tượng mạnh bằng những dự án lớn, tuy nhiên, theo các chuyên gia hai quý đầu năm 2024 có thể là quãng thời gian để các doanh nghiệp chuẩn bị về tiền bạc, pháp lý, thông tin dự án...
Tất cả những yếu tố trên, từ việc các đại gia ngoại đẩy mạnh vung tiền, các doanh nghiệp trong nước chủ động nắm lợi thế quỹ đất, đến công tác chuẩn bị kỹ lưỡng trong 2 quý đầu năm, mọi thứ đều dẫn đến một khả năng là đường đua M&A sẽ “dậy sóng” vào nửa cuối năm 2024, kéo dài sang năm 2025.
Ông Nguyễn Trọng Toàn, Quản lý bộ phận đầu tư Savills Hà Nội, cho hay: “Chúng tôi kỳ vọng hoạt động M&A nửa cuối năm sẽ khởi sắc trên cơ sở các hành lang pháp lý được hoàn thiện, quyết tâm và các chính sách của Chính phủ trong việc gỡ vướng cho bất động sản sẽ tác động tích cực đến niềm tin của thị trường. Suy cho cùng, mọi thứ đều bắt đầu từ niềm tin”.
Bàn về tính cạnh tranh giữa khối nội và khối ngoại trên thị trường M&A bất động sản, bà Nguyễn Thị Vân Khanh, chuyên gia của JLL Việt Nam, nhìn nhận thâu tóm hay hợp tác là hai mảng của M&A. M&A hiện tại không chỉ là một “game" thu gom tài sản đơn thuần, vì vậy, các doanh nghiệp nội có thể coi đây như giải pháp để nâng cao nội lực, tăng sức cạnh tranh.
Chưa kể, các doanh nghiệp trong nước ngày càng nắm lợi thế lớn hơn về quỹ đất, tiềm lực tài chính, sự thấu hiểu thị trường… khiến các doanh nghiệp quốc tế thay đổi chiến lược trong các thương vụ M&A, từ “mua đứt, bán đoạn” sang hợp tác cùng phát triển.
Hưng Nguyên-Link gốc