Lãi suất vay mua, thuê mua nhà ở xã hội qua Ngân hàng Chính sách xã hội bất ngờ tăng thêm 1,8%/năm, lên mức 6,6%/năm. Theo các chuyên gia, đây sẽ là áp lực lớn đối với những người mua nhà ở xã hội, đồng thời cho rằng chỉ nên áp dụng mức lãi suất 6,6%/năm cho các khách hàng vay mới.
Trong công văn vừa gửi ngân hàng chính sách xã hội các tỉnh thành, Ngân hàng Chính sách xã hội nêu rõ, theo Nghị định số 100 năm 2024 quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về phát triển và quản lý nhà ở xã hội có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8, thay thế Nghị định số 100 năm 2015, các khoản vay đã ký hợp đồng tín dụng với Ngân hàng Chính sách xã hội để mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở trước ngày 1/8 thì áp dụng mức lãi suất cho vay bằng lãi suất cho vay hộ nghèo do Thủ tướng quy định trong từng thời kỳ. Hiện nay, mức lãi suất này là 6,6%/năm.
Lãi suất bỗng dưng thêm 1,8%/năm
Lãi suất đột ngột tăng khiến nhiều người đang có khoản vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội lo lắng.
Chị Mai Thu (Hà Nội) đang có khoản nợ gần 800 triệu đồng vay mua nhà ở xã hội qua Ngân hàng Chính sách xã hội, than thở với mức lãi tăng lên từ ngày 1/8 là 6,6%, số tiền phải trả mỗi năm sẽ tăng thêm khoảng 10 triệu đồng.
“Tôi luôn nghĩ khoản lãi vay mua nhà ở xã hội sẽ cố định. Vì vậy, khi thấy ngân hàng thông báo lãi suất sẽ tăng từ 4,8% lên 6,6%/năm, tôi khá bất ngờ và rất lo. Tổng thu nhập của cả hai vợ chồng chỉ 20 triệu/tháng, mọi chi phí từ học hành, ăn uống của hai con đều tăng, nay lãi vay mua nhà ở xã hội tăng khiến gia đình tôi thật sự khó khăn. Không biết thời gian tới, khoản lãi vay này có tăng nữa không?”, chị Thu giãi bày.
Từ ngày 1/8, lãi suất cho vay mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở trước ngày 1/8 là 6,6%/năm.
Theo tính toán, với lãi vay 6,6%/năm, nếu hộ gia đình mua một căn hộ 50m2 với giá khoảng 1 tỷ đồng, nếu vay 800 triệu đồng sẽ phải trả lãi vay khoảng 52,8 triệu đồng/năm.
Tổng chi phí chi trả tiền lãi và gốc từ 6,8 - 7,8 triệu đồng/tháng, trong thời gian dài từ 15 - 20 năm.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho rằng việc áp dụng mức lãi suất vay 6,6%/năm từ ngày 1/8 là chưa phù hợp với bản chất khoản vay nhà ở xã hội và thậm chí cao hơn lãi suất cho vay của gói 30.000 tỷ đồng đã áp dụng trước đây chỉ là 5%.
Theo ông, lãi suất cho vay thuê, mua nhà ở xã hội ở một số nước phổ biến chỉ trên dưới 3%/năm. Trước đây, Thủ tướng cũng cho biết định hướng kéo giảm lãi suất xuống 4,8 - 5%/năm. Vậy nhưng, nay ngân hàng không những không giảm mà còn tăng. Điều này sẽ khiến nhiều người mua nhà ở xã hội vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội lo lắng.
“Chúng tôi đề nghị xem xét tiếp tục giữ nguyên mức lãi vay 4,8%/năm với khoản vay mua nhà ở xã hội tại Ngân hàng Chính sách xã hội để giúp tạo sự ổn định, nhất là trong lúc người mua nhà cũng còn đang gặp nhiều khó khăn”, ông Châu nêu.
Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư bất động sản toàn cầu, mức lãi vay 6,6%/năm trong bối cảnh hiện nay là một cố gắng của các ngân hàng, nhưng vẫn là một gánh nặng rất lớn với những cặp vợ chồng có tổng thu nhập không vượt 30 triệu đồng/tháng.
Với mức thu nhập này, nếu vay khoảng 1 tỷ đồng để mua nhà thì việc trả lãi là một áp lực lớn.
Theo các doanh nghiệp bất động sản, để thực sự giúp người thu nhập ở khu vực đô thị mua nhà ở xã hội, các ngân hàng cần có chính sách hỗ trợ riêng. Hỗ trợ lãi vay mua nhà ở xã hội ở mức khoảng 5%/năm sẽ hợp lý hơn để tăng khả năng tiếp cận vốn của người mua nhà.
Lãi suất cho vay 6,6% là phù hợp?
Các chuyên gia cho rằng, Ngân hàng Chính sách xã hội được thành lập để thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác; hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội không vì mục đích lợi nhuận.
Tuy vậy, lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết, mức lãi suất cho vay 6,6%/năm được áp dụng từ ngày 1/8 với vay mua nhà ở xã hội, sửa chữa nhà cửa là phù hợp. Bởi, Ngân hàng Chính sách xã hội phải đi huy động vốn trên thị trường rồi cho vay ra, nếu lãi suất cho vay quá thấp thì ngân sách sẽ phải cấp bù một phần chênh lệch, trong khi nguồn lực ngân sách thì có hạn.
Theo khảo sát của VnBusiness, hiện mặt bằng lãi suất thị trường duy trì ở mức thấp. Tại 4 ngân hàng thương mại cổ phần có vốn nhà nước, lãi suất huy động bình quân kỳ hạn 12 và 24 tháng là dưới 5%/năm, được áp dụng từ đầu năm 2023 đến nay. Với các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, lãi suất kỳ hạn dài từ 5 - 5,3%/năm.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, chính sách hỗ trợ lãi vay mua nhà ở xã hội cần căn cứ vào khả năng hỗ trợ của ngân sách nhà nước. “Chính phủ đã thông qua mức lãi vay 6,6%/năm có nghĩa đã cân đối nhiều yếu tố”, ông nói.
TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, cho hay người mua nhà luôn mong muốn mức lãi suất thấp hơn nhưng các ngân hàng vẫn phải căn cứ vào mặt bằng chung của lãi vay trên thị trường.
“Cần hiểu rằng mức lãi vay 6,6%/năm có thể chỉ ở thời điểm này, sau một thời gian nữa sẽ có điều chỉnh theo mặt bằng lãi vay thị trường. Mức lãi vay này tương đương 2/3 lãi vay thương mại trên thị trường”, ông Lực nêu.
Trong khi đó, chuyên gia bất động sản Nguyễn Văn Đính đề xuất, mức tăng lãi suất cần có lộ trình để tránh gây "sốc" cho người vay (mức tăng từ 4,8%/năm lên 6,6%/năm là tăng tới 38%). Đặc biệt, việc tăng lãi suất trước mắt chỉ nên áp dụng cho các khoản vay mới, chưa giải ngân.
Theo các chuyên gia, mục tiêu xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030 có đạt được hay không phụ thuộc vào nhiều chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, trong đó có chính sách tín dụng. Lãi suất tín dụng cao thì người mua nhà vẫn không thể vay tiền mua nhà, và như thế dù có cải cách thủ tục thì vẫn không đạt mục tiêu.
Mặt khác, gói cho vay mua nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng đang được Ngân hàng Nhà nước, Bộ Xây dựng đề xuất tiếp tục giảm lãi suất để hỗ trợ người dân. Hiện, lãi vay mua nhà ở xã hội của gói này là 7,5%/năm, nếu giảm tiếp 3%/năm như mức Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng đề xuất thì chỉ còn quanh đâu đó hơn 6%/năm.
Huyền Anh-Link gốc