Thực hiện Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thu ngân sách nội địa Hải Phòng tăng cao, bảo đảm điều tiết ngân sách Nhà nước về Trung ương luôn tăng.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 60.812,8 tỷ đồng, tăng 34,77% so với cùng kỳ, tương đương 62,15% dự toán Trung ương giao và 56,96% dự toán Hội đồng nhân dân thành phố giao.
Đáng chú ý, thu nội địa đạt 29.862,2 tỷ đồng, tăng 100,09% so với cùng kỳ, đạt 79,46% dự toán Trung ương giao và 66,36% dự toán Hội đồng nhân dân thành phố giao.
Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 30.006,4 tỷ đồng, tăng 4,08% so với cùng kỳ, đạt 51,03% dự toán Trung ương giao và 50,01% dự toán Hội đồng nhân dân thành phố giao.
Thu nội địa tăng cao là sự phát triển bền vững để góp phần xây dựng hạ tầng thành phố Hải Phòng.
Trong giai đoạn 2019 - 2023, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Hải Phòng đạt 480.043,32 tỷ đồng, với mức tăng trưởng bình quân 6,96%/năm, cao gấp 1,88 lần so với bình quân cả nước (3,71%/năm).
Riêng trong năm 2023, tổng thu ngân sách của Hải Phòng đạt 103.688,59 tỷ đồng, tăng gấp 1,4 lần so với năm 2018.
Cơ cấu nguồn thu cũng có sự thay đổi tích cực, với tỷ trọng thu ngân sách nội địa trong tổng thu ngân sách tăng từ 33,45% năm 2018 lên 41,93% năm 2023.
Trong cả giai đoạn 2019 - 2023, tỷ trọng thu nội địa là 36,77%, tăng 9,15% so với giai đoạn 2014 - 2018 (27,62%).
Ngược lại, tỷ trọng thu từ xuất nhập khẩu giảm từ 63,5% năm 2018 xuống 55,36% năm 2023; trong cả giai đoạn 2019 - 2023, tỷ trọng này là 60,46%, giảm 6,14% so với giai đoạn 2014 - 2018 (66,6%).
Sự thay đổi này là tích cực và bền vững, khi ngân sách nhà nước ngày càng ít phụ thuộc vào thu từ xuất nhập khẩu, trong khi thu ngân sách nội địa tăng đáng kể, mang lại lợi ích trực tiếp cho địa phương.
Năm 2023, thu ngân sách nội địa của Hải Phòng đã tăng 1,84 lần so với năm 2018, và trong cả giai đoạn 2019 - 2023, thu nội địa tăng 1,66 lần so với giai đoạn 2014 - 2018.
Điều này giúp thành phố chủ động hơn trong việc cân đối nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đạt được các mục tiêu và chỉ tiêu đề ra trong Nghị quyết.
Trong giai đoạn này, tỷ lệ điều tiết ngân sách về Trung ương cũng tăng theo đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, từ 12% giai đoạn 2014-2016 lên 22% giai đoạn 2019 - 2021, 30% năm 2022, và 24% năm 2023.
Điều này đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương, đồng thời tăng cường tính tự chủ và khả năng cân đối của ngân sách thành phố.
Vũ Trang-Link gốc