Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tỷ lệ nợ của Indonesia có xu hướng sẽ giảm trong 5 năm tới và có thể đạt mức tương đương 38,3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2029.
Trụ sở Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ở Washington DC., Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Phó Giám đốc Điều phối các vấn đề kinh tế vĩ mô, Bộ Điều phối Các vấn đề kinh tế Indonesia, Ferry Irawan, nhấn mạnh rằng chính phủ đang tiếp tục quản lý nợ một cách nhất quán, thận trọng và có kiểm soát thông qua duy trì lãi suất, chính sách tiền tệ, bảo đảm tính thanh khoản và kỳ hạn tối ưu để ngân sách quốc gia (APBN) duy trì được sự lành mạnh và bền vững.
Kết quả này đạt được là do tỷ lệ nợ chính phủ trong giai đoạn 2014-2019 của Indonesia ở mức thấp, từ 24,68-30,23% GDP. Con số này được cho là ở mức vừa phải, chủ yếu để hỗ trợ đẩy nhanh phát triển cơ sở hạ tầng. Mặc dù tăng đáng kể trong thời kỳ đại dịch COVID-19 nhưng Chính phủ Indonesia đã thành công trong việc kiểm soát tốc độ tăng nợ từ năm 2021 đến nay.
Tính đến tháng Bảy năm nay, nợ chính phủ của Indonesia được ghi nhận ở mức 8,502.69 triệu tỷ IDR (tương đương 541,91 tỷ USD). Con số này vẫn thấp hơn nhiều so với giới hạn an toàn 60% theo quy định tài chính của nước này.
Trong tương lai, Chính phủ Indonesia sẽ tiếp tục nỗ lực giảm tỷ lệ nợ trên GDP thông qua nhiều biện pháp khác nhau, như tối ưu hóa nguồn thu nhà nước thông qua hiệu quả của cải cách thuế, áp dụng các biện pháp khuyến khích tài chính để khuyến khích tăng tốc đầu tư trong khi vẫn duy trì môi trường đầu tư.
Năm 2025, tỷ lệ nợ trên GDP của Indonesia dự kiến là 37,82-38,71% GDP. IMF nhận định Indonesia đã thể hiện kỷ luật tài chính mạnh mẽ, cung cấp đủ không gian tài chính để lường trước những rủi ro trong tương lai đồng thời vẫn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Đỗ Quyên-Link gốc