Ngành đồ uống đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước khoảng gần 60 ngàn tỷ đồng/năm. Ảnh minh họa.
Ngày 8/8, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chủ trì, phối hợp với Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam (VBA) tổ chức hội thảo “Dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) và ngành đồ uống”.
Hội thảo với sự có mặt của các đại diện đến từ Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc Hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, các bộ ngành liên quan, các chuyên gia kinh tế, y tế, luật pháp, xã hội, các hiệp hội và đặc biệt là các đối tượng chịu tác động trực tiếp của Dự thảo Luật.
CẦN ĐÁNH GIÁ CẨN TRỌNG VÀ TOÀN DIỆN
Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam, cho rằng ngành đồ uống (bia, rượu, nước giải khát) là ngành kinh tế-kỹ thuật quan trọng bên cạnh giá trị về lịch sử, văn hóa, truyền thống lâu đời, đồ uống đã tồn tại song hành với đời sống của người dân Việt Nam từ nhiều năm.
Đã có rất nhiều công trình khoa học trên thế giới đã chứng minh bia, rượu vang nếu sử dụng ở mức độ hợp lý có lợi cho sức khỏe. Ngành đồ uống đã cung cấp sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho xã hội và bình ổn thị trường. Ngoài việc đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường còn phục vụ cho xuất khẩu, sản phẩm có sức cạnh tranh cao trong điều kiện kinh tế hội nhập.
Với vốn đầu tư lớn, tầm nhìn dài hạn, ngành đã phát triển chuỗi các nhà máy phân bố hầu khắp các tỉnh thành trên cả nước. Với hàng trăm nhà máy sản xuất, kinh doanh trong ngành được phân bố hầu khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước (trên 51 tỉnh, thành phố), tạo hàng triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp trong các cơ sở nhà máy sản xuất và trong chuỗi cung ứng, dịch vụ từ các đơn vị cung cấp nguyên liệu, đóng gói, kho vận, phân phối, các ngành dịch vụ, du lịch, nhà hàng, logictics... đảm bảo lưu thông trong chuỗi giá trị sản phẩm.
Ngành có vai trò kinh tế và đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước khoảng gần 60 ngàn tỷ/năm và luôn đứng ở vị trí những doanh nghiệp đóng góp ngân sách nhất nhì địa phương, giữ vai trò quan trọng trong việc phát triển hệ sinh thái công nghiệp hướng tới một ngành đồ uống trách nhiệm và phát triển bền vững hơn nữa trong tương lai.
Không chỉ vậy, ngành đồ uống luôn tuân thủ tuyệt đối và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đối các quy định pháp luật có liên quan đặc biệt là các chính sách về thuế, như: Thuế tiêu thụ đặc biệt, giá trị gia tăng, thu nhâp doanh nghiệp… cùng với các trách nhiệm đối với xã hội. Luôn ưu tiên cho các nghiên cứu, sáng kiến cho chất lượng và sự an toàn của sản phẩm.
Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây, ngành đã gặp rất nhiều khó khăn do Covid, các cuộc xung đột trên thế giới, các chính sách quản lý hạn chế… khiến các chỉ tiêu sản lượng, doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp trong ngành đều giảm sút từ một tới hai con số. Các doanh nghiệp phải tính tới tái cấu trúc, thu hẹp sản xuất, đóng cửa nhà máy, cắt giảm lao động…
Dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt: Tránh tạo ra “cú sốc” đối với ngành đồ uống - Ảnh 1
Vì vậy theo VBA, Dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) được Bộ Tài Chính chủ trì soạn thảo và đang lấy ý kiến đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt cao đối với rượu, bia và bổ sung mặt hàng nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là một cú sốc đối với các doanh nghiệp trong ngành. Doanh nghiệp đã đang khó lại còn khó hơn.
Phân tích của VBA cho rằng báo cáo đánh giá tác động của Ban soạn thảo mới chỉ đề cập tới con số tăng thu ngân sách, mà chưa có các đánh giá định lượng, mức độ ảnh hưởng cụ thể, như: doanh nghiệp giảm sản lượng và doanh thu bao nhiêu, ảnh hưởng tới lao động, an sinh xã hội như thế nào, tác động tới các ngành hàng liên quan trong chuối cung ứng, dịch vụ ra sao?
“VBA và doanh nghiệp ngành đồ uống thấu hiểu và chia sẻ với các mục tiêu quản lý nhà nước cũng như sự ổn định, an toàn sức khỏe của người dân và cộng đồng. Chúng tôi ủng hộ chủ trương của Nhà nước về tăng thuế. Tuy nhiên, Dự thảo cần xem xét, đánh giá cẩn trọng và có lộ trình, xem xét lùi thời điểm áp dụng, giãn tiến độ và giảm mức tăng thuế suất đối với ngành rượu, bia trên cơ sở đánh giá toàn diện các tác động trong điều kiện thực tế ở Việt Nam”, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch VBA kiến nghị.
Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch VBA: "Dự thảo cần xem xét, đánh giá cẩn trọng và có lộ trình".
Đối với mặt hàng nước giải khát có đường hiện nay, còn rất nhiều tranh luận về các bằng chứng khoa học liên quan tới đối tượng áp dụng, nguyên nhân chính gây thừa cân béo phì, bệnh không lây nhiễm... Vì thế, VBA đề nghị xem xét chưa nên bổ sung mặt hàng này vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt trong giai đoạn này. Cần đánh giá thật kỹ lưỡng toàn diện, tham vấn các ý kiến chuyên gia, nhà khoa học với đề xuất mặt hàng mới này.
XEM XÉT MỨC TĂNG THUẾ TRONG NGẮN HẠN VÀ GIÃN LỘ TRÌNH TĂNG
Tại hội thảo, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV phân tích, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt cao có thể tăng thu ngân sách nhà nước trong ngắn hạn, nhưng trong trung – dài hạn sẽ làm giảm sức cầu tiêu dùng, giảm doanh thu và lợi nhuận doanh nghiệp, qua đó giảm thu thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp.
Như vậy, tổng hòa về việc tăng hay giảm thu thuế là chưa rõ. Do vậy, ông Lực cho rằng cần đánh giá tác động một cách thấu đáo và toàn diện, để từ đó lựa chọn hướng sửa đổi phù hợp nhất với bối cảnh kinh tế, xã hội của Việt Nam. Để tránh tăng sốc cho thị trường, doanh nghiệp, có thể xem xét mức tăng thuế trong ngắn hạn và giãn lộ trình tăng thuế trong trung hạn.
Lần sửa đổi thuế tiêu thụ đặc biệt gần nhất là vào năm 2014, theo đó thuế suất các sản phẩm đồ uống có cồn đã tăng liên tục trong 3 năm 2016-2018. Theo Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA), việc điều chỉnh tăng thuế suất các mặt hàng rượu bia trong thời gian tới là cần thiết và phù hợp chủ trương của Đảng và nhà nước. Tuy nhiên, cần hướng đến chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt hài hòa các mục tiêu và phù hợp bối cảnh cụ thể.
Bà Cúc cho rằng việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt cao, liên tục có thể không mang lại hiệu quả cao như mục tiêu của thuế tiêu thụ đặc biệt đề ra. Việc tăng thuế có thể làm tăng giá bán, có thể hạn chế sản xuất rượu bia, tuy nhiên chưa hẳn đã đạt được mục tiêu giảm tiêu dùng mặt hàng rượu bia do thực tế việc tăng thuế cao có thể dẫn đến hàng nhập lậu tăng, người tiêu dùng có thu nhập phân khúc cao chuyển sang uốngrượu, bia nhập lậu.
"Người tiêu dùng ở nông thôn, có thu nhập thấp có nhiều khả năng chuyển cơ chế tự cung, tự cấp và bán lấy lãi bằng cách dân tự nấu rượu, tự pha chế, không nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, không đảm bảo chất lượng sản phẩm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân. Theo đó, mục tiêu hạn chế tiêu dùng, đảo bảo sức khỏe cộng đồng khó thực hiện" bà Cúc lưu ý.
Chính vì vậy, cần cân nhắc nghiên cứu kỹ thêm tác động tăng thuế nhanh, cao theo dự Luật đến thị trường, hoạt động sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng, sức khỏe cộng đồng. Xem xét phương án giãn thời gian tăng thuế suất có lộ trình để các doanh nghiệp có điều kiện xây dựng phương án, chuyển đổi sản xuất kinh doanh, không bị xáo trộn quá lớn.
"Ví dụ, năm đầu tăng thuế suất 5%, các năm tiếp theo thuế suất sẽ tăng theo lộ trình vài năm thay vì 1 năm. Khi có chính sách hợp lý thì sẽ hài hòa hơn các mục tiêu đặt ra của thuế tiêu thụ đặc biệt, tăng thuế không quá đột ngột và có lộ trình để các tổ chức kinh doanh có thời gian chuyển đổi, không ảnh hưởng quá lớn đến các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thương mại, dịch vụ ăn uống, đến thị trường và người lao động trong chuỗi cung ứng liên hoàn này", bà Cúc đề xuất.
Theo PGS. TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, nguyên tắc của việc đánh thuế là cần đảm bảo cân bằng, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và người nộp thuế. Nguyên tắc quan trọng này đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, nhưng không được để cho người nộp thuế lâm vào tình trạng khốn cùng.
"Thực hiện nguyên tắc này, nhà nước sẽ không tạo ra những cú sốc tăng thuế cho doanh nghiệp, xã hội, cho người lao động. Nếu tổng số thuế phải trả quá lớn, đời sống người dân lao động không được đảm bảo; nền kinh tế sẽ bị trì trệ một cách gián tiếp; nguy cơ trốn thuế rất tiềm tàng", PGS. TS Long cảnh báo.
Với tỷ lệ tăng quá cao và tiến độ tăng thuế liên tục hàng năm trong các phương án do Bộ Tài chính đề xuất hiện nay, chắc chắn sẽ dẫn đến sự sụt giảm về sản lượng nặng nề, hậu quả là Chính phủ sẽ thất thu thuế. Do đó cần xem xét cân nhắc kỹ việc tăng thuế trong bối cảnh kinh tế hiện tại của Việt Nam tránh gây “sốc” cho doanh nghiệp, mà vẫn đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước.