Cuộc họp không chính thức của lãnh đạo tám quốc gia châu Âu tại Paris, với sự tham gia của các quan chức Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đã kết thúc mà không ra được tuyên bố chung.
.jpg)
Cờ Liên minh châu Âu (EU). Ảnh: IRNA/TTXVN
Theo kênh truyền hình BFMT, nguyên nhân chính là những bất đồng giữa các bên liên quan đến khả năng triển khai lực lượng quân sự tới Ukraine.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz, người đầu tiên rời cuộc họp, cho biết việc tiếp tục hỗ trợ tài chính cho Ukraine gặp khó khăn do thâm hụt ngân sách của các nước châu Âu. Ông nhấn mạnh rằng để duy trì viện trợ mà không ảnh hưởng đến nền kinh tế và xã hội của các nước EU, cần có một cơ chế tài chính riêng biệt. Bên cạnh đó, ông cũng bày tỏ sự khó chịu trước những cuộc thảo luận về khả năng triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình của châu Âu tại Ukraine, cho rằng đây là một vấn đề "hoàn toàn chưa phù hợp" vào thời điểm này.
Thủ tướng Anh Keir Starmer bày tỏ sẵn sàng gửi quân gìn giữ hòa bình tới Ukraine nhưng nhấn mạnh rằng cần có cam kết an ninh từ Mỹ trước khi châu Âu triển khai quân đội. "Vẫn còn quá sớm để xác định số lượng binh sĩ Anh có thể tham gia", ông nói.
Thủ tướng Italy Giorgia Meloni bày tỏ hoài nghi về tính khả thi của kế hoạch, cho rằng việc triển khai quân đội châu Âu tại Ukraine là phức tạp và có lẽ không hiệu quả nhất.
Việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình không chỉ làm gia tăng nguy cơ đối đầu trực tiếp với Nga mà còn đặt gánh nặng lên các quân đội châu Âu, vốn đã suy yếu sau nhiều năm viện trợ khí tài cho Ukraine. Ngoài ra, vấn đề ngân sách cũng là một rào cản lớn. Một số quốc gia châu Âu đang gặp khó khăn tài chính và việc tăng chi tiêu quốc phòng có thể đe dọa sự ổn định kinh tế của họ.
Dù còn nhiều bất đồng, các nhà lãnh đạo châu Âu đều đồng ý rằng cần phải tăng cường chi tiêu quốc phòng để bảo vệ lục địa. Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen tuyên bố rằng châu Âu cần đẩy mạnh hỗ trợ Ukraine đồng thời tăng cường năng lực quốc phòng của chính mình. "Nga hiện đang đe dọa toàn bộ châu Âu, và chúng ta phải có hành động tương xứng", ông nói.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron là người triệu tập cuộc họp này. Trước cuộc họp, Điện Élysée thông báo rằng chương trình nghị sự sẽ bao gồm các đảm bảo an ninh cho Ukraine. Ngoại trưởng Pháp Jean-Noel Barrot trước đó đã đề cập đến khả năng triển khai lực lượng Pháp, Anh và Ba Lan để đảm bảo một lệnh ngừng bắn lâu dài ở Ukraine.
Cuộc họp tại Paris diễn ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ công bố kế hoạch tổ chức các cuộc đàm phán song phương với Nga nhằm chấm dứt xung đột Ukraine mà không có sự tham gia của các đồng minh châu Âu và chính quyền Kiev. Các cuộc đàm phán này dự kiến sẽ bắt đầu vào ngày 18/2 tại thủ đô Riyadh của Saudi Arabia.
Động thái của Mỹ đã khiến châu Âu nhận ra rằng họ cần phải chủ động hơn trong việc đảm bảo an ninh cho Ukraine. Tổng thống Macron đã có cuộc điện đàm với ông Trump trước cuộc họp để thảo luận về tình hình.
Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng tuyên bố rằng ông đã có một cuộc gọi dài với Tổng thống Macron để thảo luận về các bảo đảm an ninh cho Ukraine. Ông Zelensky khẳng định: "Chúng tôi có chung quan điểm rằng các bảo đảm an ninh phải mạnh mẽ và đáng tin cậy. Bất kỳ thỏa thuận nào thiếu những bảo đảm này, chẳng hạn như một lệnh ngừng bắn tạm thời, chỉ là một cái bẫy của Nga và có thể dẫn đến một cuộc chiến mới với Ukraine hoặc các quốc gia châu Âu khác".
Trong một diễn biến liên quan, ngày 17/2, người phát ngôn Điện Kremlin, Dmitry Peskov, thông báo rằng Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và ông Yury Ushakov, trợ lý hàng đầu của Tổng thống Vladimir Putin về chính sách đối ngoại, sẽ đến Riyadh để gặp gỡ các quan chức Mỹ.
Khi được hỏi về kỳ vọng trong cuộc đàm phán sắp tới, ông Lavrov nhấn mạnh: "Khi tham gia đàm phán theo đề xuất của đối tác, trước tiên chúng tôi muốn lắng nghe quan điểm của họ". Ông cũng đề cập rằng hai nhà lãnh đạo đã nhất trí chấm dứt giai đoạn bất thường trong quan hệ song phương, khi mà hai bên gần như không có liên lạc trong ba năm qua.
"Hai Tổng thống đã đồng ý rằng cần nối lại đối thoại về tất cả các vấn đề có thể giải quyết theo cách này hay cách khác với sự tham gia của Nga và Mỹ... Vì vậy, chúng tôi sẽ lắng nghe các đối tác Mỹ và tất nhiên sẵn sàng phản hồi. Sau đó, chúng tôi sẽ báo cáo lên lãnh đạo hai nước để đưa ra quyết định về các bước đi tiếp theo", ông Lavrov nói.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng tuyên bố “không thể có chuyện” Moskva nhượng bộ lãnh thổ cho Kiev trong những cuộc đàm phán hòa bình trong tương lai. Nga đã tuyên bố sáp nhập các vùng Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhzhia của Ukraine hồi tháng 9/2022. Tuy vậy, tuyên bố của Nga đã bị Ukraine và nhiều nước phương Tây bác bỏ, đánh giá là phi lý.
Việt Dũng/Báo Tin tức (Theo RT/Reuters)
Link gốc