Cựu doanh nhân, nhà kinh tế Friedrich Merz, người gần như chắc chắn sẽ trở thành thủ tướng tiếp theo của Đức, đã đưa ra tuyên bố táo bạo về tương lai của quốc phòng châu Âu. Ông nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu của mình là “tăng cường sức mạnh cho châu Âu càng nhanh càng tốt để chúng ta có thể độc lập khỏi Mỹ”.
Trong một cuộc tranh luận trên truyền hình, ông Friedrich Merz, lãnh đạo Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU), đã đưa ra tuyên bố táo bạo về tương lai của quốc phòng châu Âu. Ông nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu của mình: “Tăng cường sức mạnh cho châu Âu càng nhanh càng tốt, từng bước chúng ta có thể thực sự đạt được độc lập khỏi Mỹ”.
Phát biểu với đài truyền hình Đức ARD sau khi CDU/CSU do ông Friedrich Merz lãnh đạo giành số phiếu áp đảo trong cuộc bầu cử Đức, ông Merz cho biết: "Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng tôi sẽ phải nói về điều này trong một chương trình truyền hình, nhưng những phát biểu của Tổng thống Donald Trump vào tuần trước cho thấy chính phủ Mỹ thờ ơ với số phận của châu Âu”.

Cựu doanh nhân, nhà kinh tế Friedrich Merz, người gần như chắc chắn sẽ trở thành thủ tướng tiếp theo của Đức.
Ông Merz gần như chắc chắn sẽ trở thành thủ tướng tiếp theo của Đức sau khi liên minh bảo thủ CDU/CSU của ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử liên bang quan trọng vào ngày 23/2.
Bình luận của ông Merz được đưa ra sau những phát biểu gây tranh cãi của Tổng thống Mỹ Donald Trump, mà ông Merz cho rằng thể hiện rõ sự thờ ơ ngày càng tăng của Mỹ đối với các mối quan ngại của châu Âu.
Bình luận của ông Merz đánh dấu một bước ngoặt lịch sử, cho thấy Tổng thống Trump đã làm rung chuyển sâu sắc nền tảng chính trị của châu Âu, nơi phụ thuộc vào sự bảo đảm an ninh của Mỹ kể từ năm 1945.
Nếu ông thực hiện lời hứa của mình sau khi thành lập chính phủ mới trong những tuần tới, ông Merz sẽ đưa châu Âu đi theo một hướng đi mới cấp tiến vào thời điểm quan trọng đối với an ninh của Ukraine và khu vực rộng lớn hơn.
Theo truyền thống, Đức dựa vào NATO và Mỹ để phòng thủ, duy trì mối quan hệ chặt chẽ xuyên Đại Tây Dương kể từ Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, sự bất ổn ngày càng tăng trong chính sách đối ngoại của Mỹ, đặc biệt là dưới ảnh hưởng của ông Trump, đã khiến các nhà lãnh đạo châu Âu phải xem xét lại sự phụ thuộc chiến lược của họ.
Ông Merz đã dành phần lớn sự nghiệp chuyên môn của mình với tư cách là một luật sư làm việc với và cho các công ty Mỹ. Cuối năm nay, một hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ được tổ chức, nhưng ông cho rằng châu Âu có thể cần phải thiết kế một cấu trúc quốc phòng mới để thay thế.
"Tôi rất tò mò muốn xem chúng ta sẽ tiến tới hội nghị thượng đỉnh NATO vào cuối tháng 6 như thế nào. Liệu chúng ta có vẫn sẽ thảo luận về NATO theo hình thức hiện tại hay chúng ta sẽ phải thiết lập năng lực phòng thủ độc lập của châu Âu nhanh hơn nhiều", ông Merz nhận định.
Những tuyên bố cứng rắn như vậy từ nhà lãnh đạo tương lai của nền kinh tế lớn nhất châu Âu mạnh mẽ hơn bất kỳ người đứng đầu chính phủ nào đưa ra để đáp lại những lời chỉ trích kéo dài 10 ngày của tổng thống Mỹ vào châu Âu và Ukraine.
Vào cuối tuần qua, ông Merz gợi ý đã đến lúc khám phá sự hợp tác hạt nhân giữa Pháp, Anh và Đức (và các nước khác) để thay thế “chiếc ô” hạt nhân của Mỹ đã đảm bảo an toàn cho châu Âu khỏi cuộc tấn công của Nga.
Lời kêu gọi độc lập của ông Merz không phải là cắt đứt quan hệ với Washington mà là thiết lập một quan hệ đối tác cân bằng, trong đó châu Âu không quá phụ thuộc vào sức mạnh quân sự của Mỹ.
Tầm nhìn này phù hợp với tham vọng rộng lớn hơn của châu Âu về quyền tự chủ chiến lược, được các nhà lãnh đạo như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ủng hộ. Tuy nhiên, để hiện thực hóa tầm nhìn này đòi hỏi phải đầu tư đáng kể vào năng lực quốc phòng, tăng cường sự gắn kết chính trị trong Liên minh châu Âu và xác định lại mối quan hệ NATO-EU.
Theo Euro News
Hải Đăng-Link gốc