Viet Nam International Sourcing 2025 không chỉ là sự kiện thúc đẩy xuất khẩu, phát triển thị trường quan trọng mà còn là nơi gặp gỡ, giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm của doanh nghiệp.
Sáng 11/4, tại Hà Nội, Vụ Phát triển thị trường nước ngoài (Bộ Công Thương) đã phối hợp tổ chức buổi họp báo thông tin về chuỗi sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế - Viet Nam International Sourcing & Diễn đàn xuất khẩu TP. Hồ Chí Minh 2025 kết hợp với Hội chợ Du lịch Quốc tế TP. Hồ Chí Minh 2025 từ ngày 4- 6/9/2025 tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Sài Gòn (SECC).
Thông tin tại họp báo, bà Nguyễn Thảo Hiền - Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường nước ngoài cho biết, chuỗi sự kiện là hoạt động nhằm tích cực triển khai Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1415/QĐ-TTg ngày 14/11/2022.
.jpg)
Bà Nguyễn Thảo Hiền thông tin về chuỗi sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế - Viet Nam International Sourcing & Diễn đàn xuất khẩu TP. Hồ Chí Minh 2025 kết hợp với Hội chợ Du lịch Quốc tế TP. Hồ Chí Minh 2025. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN
Năm 2025, chuỗi sự kiện Viet Nam International Sourcing là sự kết hợp tổ chức của 3 chương trình: Viet Nam International Sourcing và Diễn đàn xuất khẩu 2025 kết hợp với Hội chợ Du lịch Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh (ITE HCMC). Sự phối hợp giữa Bộ Công Thương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND TP. Hồ Chí Minh không chỉ tạo nên một chuỗi sự kiện đa ngành độc đáo, mà còn mang lại giá trị cộng hưởng to lớn.
"Trong khi Viet Nam International Sourcing 2025 tập trung vào việc kết nối doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu với các nhà thu mua quốc tế, ITE HCMC 2025 lại là cầu nối để quảng bá du lịch Việt Nam" - Phó Vụ trưởng Nguyễn Thảo Hiền thông tin và nhận định, đây sẽ là sự kiện hàng đầu, thúc đẩy kết nối thương mại và du lịch giữa Việt Nam và thế giới.
Theo Ban tổ chức, năm 2025, với sự vào cuộc của hơn 60 thương vụ và chi nhánh thương vụ trên thế giới, Viet Nam International Sourcing 2025 sẽ đón tiếp hơn 300 đoàn thu mua đến từ 60 quốc gia và vùng lãnh thổ đổ về Việt Nam tìm nguồn cung sản phẩm hàng hóa.
Thông qua triển lãm các đoàn thu mua quốc tế sẽ được khám phá hơn 12.000 sản phẩm thuộc 4 nhóm ngành hàng tại 500 gian hàng của hơn 400 doanh nghiệp Việt Nam, từ nông sản, đồ uống, thực phẩm chế biến đến các mặt hàng công nghiệp tiêu dùng như dệt may, giày dép, đồ gỗ, nội thất, bao bì và cả nhóm hàng công nghiệp hỗ trợ, thiết bị điện tử cá nhân,...
Ngoài ra, theo các hình thức đăng ký, các doanh nghiệp tham gia sự kiện sẽ có cơ hội được kết nối giao thương doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) với các Tập đoàn phân phối lớn, các đoàn thu mua quốc tế theo các khung thời gian được Ban tổ chức thu xếp trên cơ sở đăng ký thông qua trang web sự kiện. Dự kiến có khoảng 3.000 lượt kết nối B2B trực tiếp, kết nối giữa doanh nghiệp Việt Nam và các kênh phân phối, nhà thu mua quốc tế.
Bên cạnh đó, thông qua chuỗi các hội nghị, hội thảo chuyên đề, các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội nắm bắt thông tin về xu hướng thị trường, thị hiếu tiêu dùng, cập nhật các quy định luật lệ mới của các thị trường xuất khẩu. Ở chiều ngược lại, các nhà thu mua, hãng phân phối, doanh nghiệp nước ngoài sẽ có dịp tìm hiểu về năng lực sản xuất, định hướng phát triển và tiềm năng cung ứng của các ngành hàng Việt Nam.
Bà Nguyễn Thảo Hiền cũng cho biết, bên cạnh các đoàn thu mua quốc tế đến từ các thị trường truyền thống như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam International Sourcing 2025 dự kiến sẽ đón tiếp đông đảo các đoàn thu mua đến từ các khu vực tiềm năng đang nổi lên như Trung Đông, Mỹ La tinh và các nước khu vực Đông Âu, Trung Á, Nam Á.
Sự đa dạng về địa lý này mang lại cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận những thị trường mới, giảm thiểu rủi ro từ sự phụ thuộc vào một số khu vực nhất định, đồng thời mở rộng tầm nhìn chiến lược trong hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.
Đây cũng là lúc các Hiệp định thương mại tự do FTA mà Việt Nam đã tham gia thể hiện rõ nhất hiệu quả của mình bởi đây là các thị trường các doanh nghiệp không có nguy cơ phải đối mặt với hàng rào thuế quan vì các bên tham gia đã có cam kết dỡ bỏ thuế quan theo lộ trình.
Trả lời câu hỏi về vai trò của hệ thống thương vụ trong sự kiện Viet Nam International Sourcing cũng như việc đưa hàng Việt vào các hệ thống phân phối lớn của thế giới, bà Nguyễn Thảo Hiền cho biết, Bộ Công Thương có 61 cơ quan, chi nhánh thương vụ, cùng 3 trung tâm xúc tiến thương mại trải rộng ở các quốc gia trên toàn thế giới. Vì vậy, thương vụ có vai trò quan trọng, là "mắt xích" trong việc kết nối, đưa hàng Việt Nam hiện diện nhiều hơn tại các thị trường nước ngoài.
Thương vụ là cơ quan trực tiếp có thể gặp gỡ, tiếp xúc với các đoàn thu mua, doanh nghiệp phân phối ở nước sở tại, là cầu nối để kêu gọi, mời gọi các đoàn thu mua quốc tế, các doanh nghiệp quốc tế về Việt Nam tìm hiểu thị trường, tìm kiếm cơ hội kết nối giao thương.
Không chỉ trong vai trò kết nối giao thương, bà Nguyễn Thảo Hiền còn cho biết, hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài còn là kênh thông tin tin cậy để cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu trong nước tìm đến để tìm kiếm thông tin thị trường, đối tác; cùng đó là thương vụ cũng có vai trò quan trọng trong việc chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu trong hoạt động giao thương và khi có sự cố xảy ra.
Thông tin về thuận lợi, khó khăn của doanh nghiệp trong việc tham gia vào kênh phân phối quốc tế và những chính sách hỗ trợ từ Bộ Công Thương dành cho doanh nghiệp trong xúc tiến xuất khẩu đưa hàng Việt tham gia vào chuỗi cung ứng, bà Nguyễn Thảo Hiền cho biết, từ nhiều năm nay, Bộ Công Thương đã và đang tổ chức rất nhiều hoạt động, kế hoạch, chương trình để triển khai Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1415/QĐ-TTg ngày 14/11/2022.
Lý giải nguyên nhân vì sao lại chọn hệ thống phân phối của các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài để đưa hàng Việt Nam vào hệ thống, bà Nguyễn Thảo Hiền cho biết, một tập đoàn lớn sẽ có nhiều chi nhánh, hệ thống phân phối ở nhiều quốc gia. Kênh phân phối của họ tương đối ổn định, thâm nhập vào hệ thống các kênh phân phối lớn nghĩa là doanh nghiệp Việt Nam, hàng hóa có cơ hội tiếp cận toàn cầu.
Những giải pháp mà Bộ Công Thương hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng phân phối toàn cầu thời gian qua đã giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, giúp gia tăng sự hiện diện của hàng Việt Nam trên toàn thế giới. Sự kiện Viet Nam International Sourcing 2025 cũng là một giải pháp hỗ trợ rất thiết thực mà Bộ Công Thương triển khai trong thời gian qua.
Tuy nhiên, thuận lợi luôn đi cùng thách thức. Tham gia vào kênh phân phối, chuỗi cung ứng của các tập đoàn doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp trong nước cũng gặp không ít khó khăn. Trước hết là hạn chế về năng lực, quy mô sản xuất, việc đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu
“Với những giải pháp đang được thực hiện đồng bộ từ trung ương đến địa phương và cùng với Viet Nam International Sourcing 2025, sự kiện này sẽ không chỉ là sự kiện thúc đẩy xuất khẩu, phát triển thị trường quan trọng mà còn là nơi gặp gỡ, giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm của doanh nghiệp”, bà Nguyễn Thảo Hiền tin tưởng.
Link gốc