Hoạt động đàm phán vẫn đang diễn ra và kết quả cuối cùng vẫn cần thời gian để trả lời, do đó 2 phiên hồi phục phần nào giúp giới đầu tư bớt được gánh nặng tâm lý, nhưng xác suất rủi ro vẫn còn. Vì vậy, nhà đầu tư cần tận dụng cơ hội đưa danh mục về mức an toàn, vì giai đoạn 90 ngày tới rất khó đoán định.
Từ mức dưới 1.100 điểm, VN-Index lấy lại mốc 1.200 một cách chóng vánh chỉ sau 2 phiên giao dịch liên tiếp (10-11/4).
Rủi ro tạm lắng
Chỉ với 2 phiên tăng mạnh, vốn hóa toàn thị trường cũng theo đó “gỡ” được hơn 700.000 tỷ đồng, đạt gần 6,8 triệu tỷ đồng. Đây là một nỗ lực đáng ghi nhận sau khi thị trường bị “thổi bay” hơn 1,2 triệu tỷ trong 4 phiên rơi sâu từ khi ông Donald Trump lần đầu công bố mức thuế đối ứng (rạng sáng ngày 3/4 theo giờ Việt Nam).
Mọi thứ gần như thay đổi chóng mặt chỉ trong ít ngày. Từ việc bị chất bán sàn la liệt, nhiều cổ phiếu nay lại được nhà đầu tư đua xanh tím. Mặc dù vẫn còn một vài cổ phiếu thuộc những ngành có thể bị ảnh hưởng bởi vấn đề thuế quan đi xuống hoặc đứng yên, nhìn chung đa số các nhóm cổ phiếu quen thuộc với nhà đầu tư đều hồi phục mạnh mẽ.

Nhà đầu tư nên tận dụng cơ hội để đưa danh mục về mức an toàn vì giai đoạn 90 ngày tới rất khó đoán định.
Đáng chú ý, khối ngoại đã quay trở lại mua ròng khá mạnh, giá trị gần 1.000 tỷ đồng trên HoSE trong phiên 11/4 vừa qua. Dù chưa thể khẳng định dòng vốn ngoại đã đảo chiều hay chưa, nhưng đây vẫn là một tín hiệu đáng mừng sau giai đoạn nhà đầu tư nước ngoài bán ròng triền miên với cường độ cao trước đó.
Từ đầu năm, khối ngoại đã bán ròng tổng cộng 35.000 tỷ đồng, sau khi đã xả hàng kỷ lục trong năm 2024 trước đó. Điều này có phần trái ngược với nhiều dự báo cho rằng khối ngoại sẽ đến sớm từ 6 - 12 tháng để đón sóng nâng hạng. Với triển vọng nâng hạng ngày càng rõ rệt, nhà đầu tư kỳ vọng dòng vốn ngoại sẽ sớm đảo chiều, đặc biệt khi định giá thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đang được nhận định là hấp dẫn sau nhịp rơi sốc vừa qua.
Việc TTCK hồi phục mạnh mẽ mang đến niềm vui vỡ oà cho nhà đầu tư, cho thấy tâm lý nhà đầu tư đã được giải tỏa đáng kể sau nhiều phiên giảm sâu liên tiếp, tạo nền tảng cho kỳ vọng thị trường sẽ tiếp tục phục hồi trong thời gian tới.
Theo giới phân tích, trong ngắn hạn, TTCK sẽ có những phiên sắp tới đầy tích cực vì tâm lý đã được cởi trói từ những phiên bán tháo trước đó, nhưng để đánh giá xu hướng dài hạn cần theo dõi sát sao kết quả của các cuộc đàm phán thương mại giữa Việt Nam và Mỹ trong 90 ngày tới. Nếu Việt Nam tận dụng tốt cơ hội này để đạt được các thỏa thuận giảm thiểu mức thuế hoặc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, thị trường có thể hướng tới vùng 1.300 điểm trong quý III/2025. Ngược lại, nếu không có tiến triển rõ ràng hoặc hành vi trả đũa của các quốc gia trong cuộc thương chiến tăng lên, áp lực bán có thể quay lại khi nhà đầu tư quay về tâm lý phòng thủ.
Trước mắt, TTCK Việt Nam cũng chuẩn bị bước vào mùa công bố kết quả kinh doanh quý I, yếu tố được dự báo sẽ định hình xu hướng biến động trong tháng tới.
VDSC kỳ vọng, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ toàn thị trường sẽ tăng trưởng khoảng 10% so với cùng kỳ. Danh mục theo dõi gồm 58 cổ phiếu đại diện khoảng 70% vốn hóa thị trường dự báo ghi nhận mức tăng trưởng khoảng 11%, trong đó nổi bật là nhóm ngân hàng (tăng 12% so với cùng kỳ) và bất động sản (tăng 193%).
Cơ hội trong 90 ngày
Đánh giá về thời điểm hiện tại, giới phân tích cho rằng hoạt động đàm phán vẫn đang diễn ra và kết quả cuối cùng vẫn cần thời gian để trả lời, nên 2 phiên hồi phục phần nào giúp giới đầu tư bớt được gánh nặng tâm lý, nhưng xác suất rủi ro vẫn còn.
Vì vậy, đối với chiến lược ngắn hạn, nhà đầu tư nên duy trì danh mục hiện tại để tận dụng sự phục hồi chung của thị trường, đồng thời hạn chế việc mua đuổi trong trường hợp cổ phiếu tiếp tục tăng mạnh. Việc kiểm soát tỷ trọng danh mục và sử dụng đòn bẩy hợp lý trong bối cảnh như hiện tại là điều hết sức cần thiết.
Theo bà Cao Thị Ngọc Quỳnh, Giám đốc Khối Khách hàng tổ chức, Chứng khoán VNDIRECT, trong giai đoạn biến động như hiện nay, nhà đầu tư cá nhân – vốn chiếm hơn 90% giao dịch trên TTCK, cần giữ một tâm lý thận trọng nhưng không nên hoảng loạn. Phản ứng "thái quá" như bán tháo khi tin xấu xuất hiện hoặc mua đuổi khi thị trường tăng nóng đều có thể dẫn đến rủi ro lớn.
“Nhà đầu tư đầu tiên nên bình quân giá vốn và hạ margin về mức an toàn, sau đó giảm về mức thấp vì giai đoạn 90 ngày tới rất khó đoán định. Nên giải ngân một phần vào các tài sản có thu nhập cố định để giảm rủi ro”, bà Quỳnh khuyến nghị.
Về dài hạn, chuyên gia VNDIRECT cho rằng nên tập trung các doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt và giá đã được “discount” nhiều trong giai đoạn quá bán vừa rồi, các ngành ít phụ thuộc vào xuất khẩu sang Mỹ hoặc có khả năng thích ứng nhanh với biến động chính sách.
Cụ thể, các ngành như công nghệ thông tin, đầu tư công, và tiêu dùng nội địa sẽ là điểm sáng trong bối cảnh này. Đồng thời, nhà đầu tư nên phân bổ danh mục hợp lý, tránh "all-in" vào một nhóm ngành hay cổ phiếu cụ thể, và giữ một tỷ lệ tiền mặt nhất định để tận dụng cơ hội "bắt đáy" nếu thị trường điều chỉnh sâu. Quan trọng hơn, cần theo dõi sát thông tin từ các cuộc đàm phán thương mại và chính sách hỗ trợ từ Chính phủ để có quyết định kịp thời.
SSI Research đánh giá cơ hội đầu tư đang xuất hiện tại một số ngành phòng thủ. Trong số đó, nhóm phân tích đánh giá cao các ngành như Công nghệ thông tin, Năng lượng, Tiện tích, Tài chính, Tiêu dùng thiết yếu có xu hướng hồi phục tốt hơn trong khung thời gian 1-3 tháng sau các đợt thị trường điều chỉnh mạnh.
Còn VDSC khuyến nghị nhà đầu tư tranh thủ các nhịp phục hồi để giảm tỷ trọng đòn bẩy và cơ cấu lại danh mục, ưu tiên các cổ phiếu đầu ngành ít phụ thuộc vào xuất nhập khẩu như CTG, VCB, BID, MBB, REE, POW, HPG, GEG, NT2, HAH và KDH.
"Nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro cao có thể tận dụng cơ hội tăng tỷ trọng ngắn hạn vào nhóm cổ phiếu Beta cao khi thị trường phục hồi ban đầu, nhằm cải thiện hiệu suất đầu tư trước khi quay về tỷ trọng chiến lược", VDSC lưu ý.
Hải Giang-Link gốc