• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.283,26 +15,96/+1,26%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:09:52 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.283,26   +15,96/+1,26%  |   HNX-INDEX   216,04   +1,91/+0,89%  |   UPCOM-INDEX   93,59   +0,19/+0,20%  |   VN30   1.372,04   +19,79/+1,46%  |   HNX30   429,79   +7,22/+1,71%
12 Tháng Năm 2025 10:54:18 CH - Mở cửa
Thuế quan Mỹ: Nghịch lý cho ngành dệt may Ấn Độ
Nguồn tin: Vietnam+ | 12/05/2025 8:56:49 SA

Bức tranh thương mại dệt may toàn cầu đang tạo ra nghịch lý cho Ấn Độ trước bối cảnh thuế quan mới của Mỹ.

Hàng hóa được xếp tại cảng ở Mudra, cách Ahmedabad của Ấn Độ 400km. Ảnh: AFP/ TTXVN

Một mặt, mức thuế áp dụng cho hàng dệt may Ấn Độ thấp hơn đáng kể so với các đối thủ cạnh tranh lớn khác đang tạo ra một "cơ hội vàng" để giành thị phần và thu hút mạnh mẽ sự quan tâm từ các nhà nhập khẩu Mỹ.

Mặt khác, ngay trong nội bộ ngành này lại tồn tại những thách thức cố hữu: thiếu hụt lao động, năng lực sản xuất chưa đáp ứng đủ nhu cầu cũng như chi phí sản xuất cao. Theo các chuyên gia, thành công của Ấn Độ trong việc biến lợi thế thành tăng trưởng thực chất sẽ phụ thuộc vào khả năng vượt qua những rào cản nội tại này.

*Cơ hội từ thuế quan

Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến áp thuế 26% đối với Ấn Độ, quốc gia xuất khẩu dệt may và hàng may mặc lớn thứ sáu thế giới, từ tháng Bảy tới. Mức thuế này thấp hơn mức 37% đối với Bangladesh và 145% với Trung Quốc, vốn đều là các nhà cung cấp lớn cho Mỹ.
Sự chênh lệch về thuế này đã làm tăng khả năng cạnh tranh của Ấn Độ trên thị trường Mỹ. Theo tính toán của Reuters dựa trên dữ liệu nhập khẩu năm 2024 từ Văn phòng Dệt may Mỹ, với mức thuế mới, giá xuất khẩu hàng may mặc của Ấn Độ sẽ là 4,31 USD/m2, so với 4,24 USD/m2 của Bangladesh và 4,35 USD/m2 của Trung Quốc, đánh dấu sự cải thiện đáng kể về khả năng cạnh tranh của Ấn Độ.
Lợi thế trên đã thu hút sự chú ý của các nhà nhập khẩu Mỹ. Những nhà bán lẻ hàng đầu của Mỹ như Walmart và Costco đang tích cực tìm kiếm nhà cung cấp tại Ấn Độ như một chiến lược để giảm thiểu tác động của các mức thuế nhập khẩu cao mà Mỹ áp đặt lên hàng hóa từ những quốc gia châu Á khác. Một cuộc khảo sát 30 thương hiệu may mặc hàng đầu của Mỹ do Hiệp hội Công nghiệp Thời trang Mỹ (USFIA) thực hiện cho thấy Ấn Độ đã nổi lên là trung tâm tìm nguồn cung ứng phổ biến nhất vào năm 2024, với gần 60% số người được hỏi có kế hoạch mở rộng tìm nguồn cung ứng từ nước này.
Bối cảnh căng thẳng địa chính trị cũng thúc đẩy các công ty Mỹ đa dạng hóa chuỗi cung ứng bên ngoài Trung Quốc, và ngành may mặc Bangladesh cũng bắt đầu mất đi sức hút do bất ổn chính trị. Theo dữ liệu từ công ty tư vấn vận tải biển Ocean Audit, trong giai đoạn từ ngày 2/4-4/5, nhà bán lẻ Walmart đã nhập khẩu 1.100 container hàng gia dụng và quần áo từ Ấn Độ, gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.
Hơn nữa, ngành dệt may Ấn Độ có những lợi thế nền tảng. Ngành này đóng góp khoảng 2,3% vào GDP quốc gia và là ngành tạo việc làm lớn thứ hai sau nông nghiệp. Ấn Độ cũng có nguồn nguyên liệu dồi dào, đặc biệt là bông, vốn là một trong những mặt hàng xuất khẩu lớn nhất và được cung cấp cho các nền kinh tế lớn bao gồm cả Mỹ. Trong năm tài chính 2023-2024, Mỹ đã chiếm gần 28% (tương đương khoảng 10 tỷ USD) trong tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may khoảng 36 tỷ USD của Ấn Độ.
Theo các chuyên gia, vị thế thương mại tương đối thuận lợi của Ấn Độ có thể biến nước này thành điểm đến hấp dẫn cho đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đặc biệt khi các công ty toàn cầu tìm cách đa dạng hóa.

*Thách thức nội tại

Công nhân kiểm tra các ống sợi trên máy dệt thảm tại một nhà máy ở ngoại ô Jammu, Ấn Độ. Ảnh: AFP/TTXVN

Bất chấp những cơ hội từ thuế quan của Mỹ, ngành dệt may Ấn Độ đang phải đối mặt với nhiều thách thức nội tại nghiêm trọng. Thách thức lớn nhất là tình trạng thiếu lao động lành nghề. Theo ông R.K. Sivasubramaniam, Giám đốc điều hành Raft Garments – công ty chuyên cung cấp đồ lót và áo phông với giá chỉ từ 1 USD cho các thương hiệu Mỹ, ngay cả khi có đơn hàng, vấn đề là không có đủ lao động, khiến các dây chuyền may để không. Ông Kumar Duraiswamy, đại diện hiệp hội các nhà xuất khẩu tại Tiruppur, cho biết khu vực này cần ít nhất 100.000 công nhân nữa, mặc dù hiện có hơn 1 triệu người đang làm việc tại đó.

Tình trạng thiếu lao động này liên quan đến nhiều yếu tố. Các nhà xuất khẩu hàng may mặc ở Ấn Độ cho biết công nhân cần được đào tạo, nhưng nhiều người lại bỏ đi trong vòng vài tháng để làm việc tại các đơn vị nhỏ hơn, không được tổ chức, nơi cho phép làm thêm giờ và trả lương cao hơn. Theo các cuộc phỏng vấn của Reuters với 10 nhà sản xuất và các hiệp hội thương mại đại diện cho khoảng 9.000 doanh nghiệp, các nhà sản xuất lớn hơn không thể cạnh tranh được về mặt này do yêu cầu của khách hàng nước ngoài về chi phí và điều kiện làm việc của công nhân.
Tình trạng thiếu lao động lành nghề được xem là rào cản lớn đối với chương trình "Sản xuất tại Ấn Độ" của Thủ tướng Narendra Modi, đặc biệt trong các lĩnh vực thâm dụng lao động như may mặc. Hiện 90% lực lượng lao động tại Ấn Độ hoạt động trong khu vực phi chính thức.
Bên cạnh vấn đề lao động, ngành dệt may Ấn Độ còn gặp phải những hạn chế về quy mô và năng lực sản xuất. Mithileshwar Thakur, đại diện một tổ chức thương mại tại Ấn Độ, chỉ ra rằng quốc gia Nam Á này gặp vấn đề về hạn chế năng lực, thiếu quy mô kinh tế do quy mô nhà máy nhỏ hơn, và thiếu lao động trong mùa cao điểm.
Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu dệt may Bangladesh cho biết một nhà máy dệt may trung bình tại đây có ít nhất 1.200 lao động, trong khi ở Ấn Độ, con số này chỉ từ 600 đến 800 người. Tại Tiruppur, thủ phủ hàng dệt kim của Ấn Độ, Hiệp hội xuất khẩu của khu vực này cho biết 100 nhà xuất khẩu lớn nhất đóng góp 50% trong tổng doanh thu 5 tỷ USD của tài khóa trước, phần còn lại đến từ 2.400 đơn vị. Số liệu này cho thấy tình trạng phân mảnh và quy mô nhỏ lẻ của các doanh nghiệp dệt may tại Ấn Độ.
Chi phí cao là một thách thức đáng kể khác. Chi phí lao động của Ấn Độ cao hơn so với các nước khác. Theo công ty môi giới Ấn Độ Avendus Spark, chi phí lao động tại Bangladesh là 139 USD/tháng, trong khi Ấn Độ là 180 USD/tháng.
Ông P. Senthilkumar, một đối tác cao cấp tại Vector Consulting Group của Ấn Độ, cho biết các quy định nghiêm ngặt hơn về chính sách làm thêm giờ và ca làm của công nhân cũng làm tăng chi phí. Điều này dẫn đến sức ép từ khác hàng Mỹ. Chuyên gia Mahesh Kumar Jegadeesan tại Balu Exports cho biết khách hàng Mỹ đã nói rằng rằng họ sẽ không nhượng bộ về giá và họ chỉ sẵn sàng chuyển một số đơn hàng nếu các nhà xuất khẩu Ấn Độ có thể bằng giá với Bangladesh. Ông Sivasubramaniam của Raft Garments cũng chia sẻ rằng tất cả khách hàng mới đều muốn họ bằng giá với Bangladesh. Ông nhấn mạnh giá cả là một vấn đề lớn.
Ông Anwar-ul-Alam Chowdhury của Evince Group tại Dhaka khẳng định hầu hết người mua ở Mỹ của họ vẫn gắn bó với Bangladesh do năng lực sản xuất lớn, chi phí thấp hơn và chất lượng đáng tin cậy.

Trà My-Link gốc