Từng bị loại bỏ vì lo ngại rủi ro, năng lượng hạt nhân đang trở lại mạnh mẽ tại châu Âu như một cứu cánh cho an ninh năng lượng và mục tiêu khí hậu. Liệu đây có phải là bước ngoặt năng lượng mang tính lịch sử?

Cuộc chiến ở Ukraine, giá năng lượng leo thang và mục tiêu phát thải thấp đang thúc đẩy làn sóng mới: hạt nhân hóa hệ thống điện. Trong ảnh là toàn cảnh nhà máy điện hạt nhân Tihange của Bỉ. Nguồn: REUTERS/TTXVN
Châu Âu đang chứng kiến một sự thay đổi đáng kể trong quan điểm về năng lượng hạt nhân. Theo trang tin châu Âu Euronews.com ngày 27/5, từng bị nhiều quốc gia loại bỏ dần, năng lượng nguyên tử giờ đây đang được xem xét lại như một giải pháp thiết yếu để đảm bảo an ninh năng lượng và đạt được các mục tiêu khí hậu. Từ Bỉ đến Thụy Điển, một làn sóng "hồi sinh hạt nhân" đang định hình lại chiến lược năng lượng của "lục địa già".
Bỉ mở đường cho sự trở lại
Đầu tháng 5 năm nay, Bỉ đã trở thành tâm điểm chú ý khi Quốc hội nước này bỏ phiếu bãi bỏ luật năm 2003 quy định việc loại bỏ dần năng lượng hạt nhân. Động thái được thông qua vào ngày 15/5 đã mở ra cánh cửa cho việc phục hồi ngành công nghiệp nguyên tử của Bỉ trong tương lai, bao gồm cả khả năng xây dựng các nhà máy điện mới.
Kế hoạch ban đầu của Bỉ là loại bỏ 7 lò phản ứng hạt nhân, nhưng vấn đề này đã bị đình trệ vào năm 2022 do tình hình năng lượng bất ổn từ cuộc xung đột Nga - Ukraine. Chính phủ liên minh hiện tại do phe bảo thủ lãnh đạo, đứng đầu là Thủ tướng Bart De Wever, đã lên nắm quyền vào tháng 2 và quyết định rằng sự thay đổi trên là cần thiết để đối phó với những thách thức về năng lượng.
Bộ trưởng Năng lượng Bỉ Mathieu Bihet nhấn mạnh: "Chúng tôi biết rằng đây là nguồn năng lượng carbon thấp, có nghĩa là chúng tôi có thể đáp ứng các mục tiêu về khí hậu của châu Âu, nhưng đây cũng là nguồn năng lượng dồi dào. Chúng tôi có ba mục tiêu chung với các đối tác châu Âu. Đó là an ninh nguồn cung, giá cả được kiểm soát và năng lượng carbon thấp. Và năng lượng hạt nhân đáp ứng cả ba tiêu chí này".
Các quốc gia EU thay đổi lập trường
Bỉ không phải là quốc gia duy nhất có sự thay đổi này. Nhiều quốc gia thành viên EU khác như Đức, Đan Mạch và Italy cũng đang xem xét lại lập trường của mình về năng lượng hạt nhân. Theo Giáo sư Adel El Gammal, chuyên về địa chính trị năng lượng tại Đại học Tự do Bruxelles (ULB), hiện là Tổng thư ký Liên minh nghiên cứu năng lượng châu Âu (EERA), sự thay đổi này "rõ ràng là do tình hình hiện tại, với sự bất ổn địa chính trị và sự phụ thuộc vào khí đốt, vốn vẫn còn rất lớn". Giáo sư Gammal bổ sung: "Vì vậy, theo lẽ tự nhiên, bất cứ điều gì chúng ta có thể làm để độc lập hơn với khí đốt, chúng ta đều phải làm. Năng lượng hạt nhân là một giải pháp".
Hiện tại, EU có khoảng 100 lò phản ứng hạt nhân tại 12 quốc gia. Theo dữ liệu mới nhất từ Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), gần một phần tư lượng điện được sản xuất tại EU đến từ năng lượng hạt nhân. Các nhà máy điện hạt nhân thải ra ít chất gây ô nhiễm vào không khí, khiến chúng trở thành lựa chọn hấp dẫn khi các quốc gia trên thế giới tìm kiếm năng lượng sạch để đáp ứng các mục tiêu về biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, việc xây dựng và phá dỡ chúng vẫn tạo ra một lượng lớn khí nhà kính, và thách thức về xử lý chất thải phóng xạ lâu dài vẫn là một điểm gây tranh cãi.
Đức, quốc gia từng cam kết loại bỏ dần năng lượng hạt nhân vào năm 2011 và hoàn tất việc đóng cửa 3 nhà máy điện hạt nhân cuối cùng vào tháng 4/2023, đang có những dấu hiệu thay đổi. Trong chiến dịch bầu cử đầu năm nay, ứng cử viên lúc bấy giờ và hiện là Thủ tướng Friedrich Merz đã cam kết sẽ xem xét khôi phục ngành này. Mặc dù ông Merz từng phát biểu vào tháng 1 năm nay rằng việc mở cửa lại các nhà máy điện hạt nhân "nhiều khả năng sẽ không khả thi", nhưng tuyên bố của chính quyền ông vào tuần trước về việc ngừng ngăn chặn nỗ lực đưa năng lượng hạt nhân ngang bằng với năng lượng tái tạo trong luật pháp EU đã đánh dấu một sự thay đổi đáng kể về mặt tư tưởng.
Tại Italy, chính phủ của Thủ tướng Giorgia Meloni đặt mục tiêu quay trở lại năng lượng hạt nhân vào năm 2030 để đảm bảo an ninh năng lượng và đạt được các mục tiêu giảm phát thải carbon. Ba Lan, một quốc gia phụ thuộc nhiều vào than đá, cũng đã bắt tay vào một chương trình hạt nhân quy mô lớn. Năm 2022, nước này đã quyết định sẽ xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên, với lò phản ứng đầu tiên dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2033.
Ngay cả Đan Mạch, quốc gia nổi bật về năng lượng tái tạo trong EU, cũng đang cân nhắc dỡ bỏ lệnh cấm năng lượng hạt nhân kéo dài 40 năm để phân tích những lợi ích tiềm năng từ thế hệ công nghệ điện hạt nhân mới. Và chỉ tuần trước, Thụy Điển đã thông qua luật tài trợ cho thế hệ lò phản ứng hạt nhân mới. Trong khi đó, tại Tây Ban Nha, chính phủ đang chịu áp lực phải xem xét lại việc loại bỏ năng lượng hạt nhân sau sự cố mất điện diện rộng trên toàn quốc vào cuối tháng 4 vừa qua.
Tầm nhìn dài hạn và sự kết hợp năng lượng
Giáo sư Gammal đã đề xuất chiến lược để quay trở lại với năng lượng hạt nhân: Kéo dài thời gian hoạt động của các cơ sở hiện có càng lâu càng tốt, miễn là đảm bảo các điều kiện an toàn. Ông cho rằng đây là một điều "không cần phải bàn cãi".
Mặt khác, việc tái khởi động một ngành công nghiệp hạt nhân mới hoặc xây dựng các lò phản ứng mới phức tạp hơn nhiều. "Ngân sách liên quan cực kỳ lớn. Sau đó là thời gian cần thiết để xây dựng một nhà máy điện. Mất khoảng mười năm", Giáo sư Gammal giải thích, đồng thời thừa nhận rằng với nhu cầu cấp thiết về quyền tự chủ chiến lược và biến đổi khí hậu, đây là một vấn đề lớn, đặc biệt khi "năng lượng tái tạo đang được đưa vào sử dụng nhanh hơn nhiều".
Xây dựng ngành công nghiệp năng lượng hạt nhân đòi hỏi một tầm nhìn dài hạn và dự đoán chi phí của các nguồn năng lượng khác nhau trong một thời gian dài. Tuy nhiên, Giáo sư Gammal nhấn mạnh rằng năng lượng hạt nhân và năng lượng tái tạo không phải là những chiến lược đối lập; chúng có thể song hành cùng nhau. Để tạo niềm tin cho các công ty và giảm chi phí, Bộ trưởng Năng lượng Bỉ Bihet đã đề xuất thành lập các dự án chung và đầu tư đa quốc gia.
Như vậy, sự quay trở lại của năng lượng hạt nhân ở châu Âu không chỉ là một phản ứng trước cuộc khủng hoảng năng lượng mà còn là một bước đi chiến lược hướng tới an ninh năng lượng, kiểm soát giá cả và đạt được các mục tiêu về biến đổi khí hậu. Đây là một minh chứng cho thấy các quốc gia châu Âu đang tìm kiếm sự cân bằng giữa những nguồn năng lượng để đảm bảo một tương lai bền vững.
Công Thuận/Báo Tin tức và Dân tộc
Link gốc