“Vinamilk là doanh nghiệp nhà nước không cần nắm giữ vốn và chúng tôi đồng ý sẽ thoái vốn tại đây", TBKTSG Online dẫn lời Thứ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư Đặng Huy Đông phát biểu tại Diễn đàn M&A 2015.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT: "Chúng tôi đồng ý sẽ thoái vốn tại Vinamilk"
Ngày 6/8/2015, Diễn đàn M&A 2015 đã được tổ chức tại TPHCM. Một trong các vấn đề được người tham dự đặt câu hỏi liên quan đến thoái vốn sau cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước tại Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk).
TBKTSG Online dẫn lời Thứ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư Đặng Huy Đông: "Cụ thể lộ trình thoái vốn nhà nước thế nào thì cổ đông của doanh nghiệp sẽ quyết định, nhưng tới đây Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) sẽ phải đề xuất lộ trình rút dần vốn nhà nước tại Vinamilk.”
Ông Đông cho biết: “Vinamilk là doanh nghiệp nhà nước không cần nắm giữ vốn và chúng tôi đồng ý sẽ thoái vốn tại đây."
Cũng có ý kiến cho rằng trong câu chuyện này, tỷ lệ nắm giữ 49% của nhà nước đang chắn đường đi của doanh nghiệp. Song các diễn giả tại diễn đàn này cũng cho rằng trong trường hợp mở room với Vinamilk nói riêng và các doanh nghiệp nhà nước nói chung, nhà nước có nghĩa vụ và trách nhiệm mở ra sân chơi tốt nhất, tạo ra môi trường tốt nhất để các người chơi tự do thỏa thuận và thị trường sẽ phải tự quyết định câu chuyện của mình chứ nhà nước không và không nên can thiệp.
Cũng về vấn đề thoái vốn nhà nước, ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), nói rằng “hai câu hỏi đầu tiên của chúng tôi khi quyết định bán vốn của nhà nước hay không là cổ phần đó được định giá bao nhiêu và khả năng tăng trưởng của doanh nghiệp sau khi bán thế nào chứ không còn là chuyện tối đa hóa tiền thu về như trước.”
Vinamilk - Con gà đẻ trứng vàng, SCIC không nỡ bán
Theo Đề án Tái cơ cấu Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) giai đoạn đến năm 2015 được Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh phê duyệt cuối tháng 12/2013, SCIC được nắm giữ, đầu tư dài hạn vốn tại Vinamilk cùng ba doanh nghiệp khác CTCP Viễn thông FPT, Dược Hậu Giang và Tổng CTCP Tái bảo hiểm quốc gia (Vinare), trong khi có tới hơn 370 doanh nghiệp nằm trong diện phải thoái vốn.
Với mức chi trả cổ tức cao và đều đặn, Vinamilk được ví như con gà đẻ trứng vàng của SCIC. Ngay như ngày 14/8 tới đây, công ty này sẽ chốt danh sách cổ đông tạm ứng cổ tức đợt 1/2015 tỷ lệ 40% và thưởng cổ phiếu tỷ lệ 5:1. Năm 2014, tổng mức cổ tức chi trả cho các cổ đông cũng lên tới 40%, bằng tiền mặt. Với 541 triệu cổ phiếu nắm giữ, cổ tức mà SCIC nhận được từ Vinamilk lên tới 2.164 tỷ đồng!
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, nhà nước nên thoái vốn khỏi những thương hiệu lớn, đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Việc giữ lại vốn chỉ ở những doanh nghiệp làm ăn có lãi là đi ngược với mục tiêu của nhà nước, chỉ làm việc khó, việc tư nhân không thể làm.
Câu chuyện bán hay không bán cổ phần Vinamilk do SCIC nắm giữ đã được bàn không ít lần ngay cả trong các kỳ họp Quốc hội trước đây. Không dễ để cân nhắc giữa thiệt hai việc nhà nước rút vốn khỏi một doanh nghiệp không chỉ hoạt động kinh doanh tốt mà còn mang thương hiệu quốc gia như Vinamilk.
Với phát biểu mới đây của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư, rất có thể trong tương lai, SCIC sẽ không còn được giữ khư khư miếng bánh ngon này nữa.
Mai Thanh
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.