Phát biểu tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2018 - 2019 của CTCP Thành Thành Công - Biên Hòa (Mã: SBT), ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch HĐQT TTC Group đồng thời là cổ đông lớn đặt câu hỏi tại sao SBT không có nhà máy đặt ở Mỹ?
Chủ tịch TTC Group nói rằng từng đi Mỹ, ở đó có những tiểu bang đất đai màu mỡ, kỹ thuật canh tác trong mơ. Vì vậy, SBT chắc chắn có thể mở được nhà máy tại Mỹ để tận dụng các cơ hội thổ nhưỡng, khí hậu, kỹ thuật trên.
Trao đổi bên lề cuộc họp, ông Phạm Hồng Dương, Chủ tịch HĐQT SBT chia sẻ công ty có dự định mua lại hoặc mở mới một nhà máy ở Mỹ. Thời gian dự kiến trước 2025.
Sau khi sáp nhập Đường Biên Hòa, SBT có vùng nguyên liệu lên đến 58.600 ha tại 3 nước Đông Dương, chiếm 25% tổng diện tích vùng trồng cả nước. Trong đó, 10.200 ha được cơ giới hóa hoàn toàn. Công ty có 9 nhà máy luyện đường từ đường thô và mía với công suất ép mía 37.500 tấn/ngày.
SBT đã có mặt ở Campuchia, Lào, với cùng nguyên liệu 8.000 ha tại Campuchia và có khả năng sẽ di dời nhà máy sang Campuchia. Ông Thành đặt ra mục tiêu SBT phải có "tiếng nói" ở khu vực Đông Dương.
"Không ngán ATIGA"
Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) đối với ngành đường sẽ được giãn 2 năm, áp dụng từ năm 2020. Ông Thành cho rằng kể cả ATIGA được gia hạn một năm đã là quá tốt, doanh nghiệp đừng nên trông chờ thêm nữa vào sự bảo hộ, phải đối diện thực sự với nền kinh tế thị trường, quy luật đào thải.
Cũng theo người đứng đầu TTC Group, khi ATIGA có hiệu lực, SBT hoàn toàn có thể nhập đường về sản xuất, giảm giá thành vì đã có những sự chuẩn bị kỹ lưỡng về vùng trồng, kỹ thuật canh tác, vùng nguyên liệu, chu trình sản xuất và sản phẩm cạnh tranh.
Ông Phạm Hồng Dương cũng khẳng định “không ngán ATIGA”. Theo kế hoạch, SBT sẽ tự chủ được 70% nguyên liệu sản xuất còn 30% sẽ mua từ thị trường. Mục tiêu chiến lược SBT sẽ tăng thị phần từ 30% lên 50% trên toàn quốc. Quan điểm "lợi nhuận là tức thời, thị phần mới là vĩnh cửu" nên công ty sẽ tiếp tục tập trung gia tăng thị phần trong các năm tiếp theo bằng việc đầu tư kênh bán lẻ, kênh công nghiệp vừa và nhỏ; công tác bán hàng, marketing; phát triển các sản phẩm mới...
Về triển vọng giá đường năm 2018 – 2019, ông Dương nói chắc chắn tăng, trong vài tháng trở lại đây cũng đã tăng 35%. Ông Dương dự đoán năm nay, Việt Nam có thể thiếu hụt sản lượng 25% do hạn hán, khí hậu biến đổi.
Trên thực tế, Công ty Dịch vụ Đầu tư quốc tế (ADMISI) London nhận định, sản lượng đường thị trường có thể giảm trong niên vụ 2019 sau 2 năm dư thừa nguồn cung do Brazil và EU cắt giảm sản lượng. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết sản lượng đường và mía của Thái Lan được dự báo sẽ giảm do nhu cầu tiêu thụ giảm đi và các nhà sản xuất đồ uống không cồn sử dụng ít đường hơn sau khi quốc gia này thông qua chính sách thuế đối với đồ uống có đường.
Ngoài ra, Cơ quan quản lý Mía và Đường (OCSB) Thái Lan cho biết xuất khẩu đường của quốc gia này được dự báo giảm mạnh 40 - 50% trong 2019, vì vụ mía đã được cam kết sử dụng cho kế hoạch ngành hóa sinh. Trong tháng 10, giá đường thế giới liên tục tăng và đang dần tác động vào giá đường trong nước.
Thu Thanh
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.