Năm 2024, Việt Nam đạt mức kỷ lục xuất khẩu 403 tỷ USD, tăng 13,8%, vượt qua hai nền kinh tế lớn ở Đông Nam Á như Malaysia và Thái Lan.

Năm 2024, Việt Nam có vị thế nổi bật so với các quốc gia Đông Nam Á khác nhờ mức tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ, vượt qua các trung tâm sản xuất tương đương là Malaysia và Thái Lan. Theo thông kê từ Nikkei Asia, một phần trong số đó đến từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc.
Kết quả này có được khi so sánh xu hướng thương mại của 5 quốc gia ASEAN lớn - Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Philippines trong năm 2024. Một trung tâm thương mại khác là Singapore không được xét đến vì số liệu thống kê của Singapore không thể so sánh được do hoạt động thương mại quá cảnh của nước này rất lớn.
Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt mức kỷ lục 403 tỷ USD trong năm 2024, tăng 13,8% so với năm 2023 và lần đầu tiên vượt quá 400 tỷ USD; tăng gần gấp đôi so với mức 214 tỷ USD của năm 2017.
Mức tăng này cao hơn nhiều so với mức tăng của Malaysia là 5,6%; Thái Lan là 5,4% và Indonesia là 2,3%.
"Hai chìa khóa quan trọng cho sự tăng trưởng này là đóng góp lớn của hàng xuất khẩu sang Mỹ và việc các nhà cung cấp rời khỏi Trung Quốc do sự cạnh tranh giữa hai cường quốc kinh tế của thế giới", Nikkei nhận định.
Xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ năm 2024 tăng 23,4% lên 120 tỷ USD, là mức tăng lớn nhất trong khu vực. Xuất khẩu sang Mỹ của Malaysia tăng 23,2%, Indonesia tăng 19,2% và Thái Lan tăng 13,7%.
Việt Nam có 35 nhà cung cấp Apple vào năm 2024, tăng từ 27 vào năm 2023 và là nhiều nhất ở Đông Nam Á. Thái Lan đứng tiếp theo trong danh sách với 24 nhà cung cấp Apple. Việt Nam cũng có nhiều nhà máy lớn lắp ráp các thiết bị của Apple như AirPods, iPad và Apple Watch. Dự báo đến năm 2025, Việt Nam sẽ sản xuất 20% tổng số iPad và Apple Watch, 5% MacBook và 65% AirPods.
Xu thế những năm gần đây cho thấy, các công ty công nghệ lớn khác cũng đã quyết định đầu tư vào Việt Nam. Chủ sở hữu Facebook Meta sẽ bắt đầu sản xuất tai nghe thực tế ảo trong năm nay. Số tiền đầu tư và địa điểm nhà máy chưa được tiết lộ, nhưng Meta sẽ tạo ra 1.000 việc làm bằng cách sản xuất Quest 3S tại Việt Nam.
Các công ty công nghệ Hàn Quốc cũng đã tăng cường sự hiện diện của mình. Samsung, công ty có hai nhà máy lớn ở miền Bắc Việt Nam và xuất khẩu của công ty này vào năm 2023 chiếm 15,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Tập đoàn Samsung cũng sẽ đầu tư thêm 1,8 tỷ USD vào một nhà máy sản xuất màn hình OLED mới gần các nhà máy hiện có của công ty. Tập đoàn công nghiệp Hàn Quốc Hyosung Group có kế hoạch đầu tư 4 tỷ USD vào Việt Nam trong những năm tới.

Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Ảnh: Nikkei Asia
Ngược lại với Mỹ, Trung Quốc đang giảm lượng hàng nhập khẩu từ một số nước Đông Nam Á. Lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam và Malaysia sang quốc gia láng giềng khổng lồ này đã giảm 2% vào năm 2024, trong khi lượng hàng xuất khẩu của Philippines giảm tới 13,6%.
Tuy nhiên, xuất khẩu của Thái Lan sang Trung Quốc tăng 3,1% và Indonesia tăng 0,4% mặc dù nền kinh tế suy thoái ảnh hưởng đến nhu cầu.
Dữ liệu chi tiết theo quý từ Ban thư ký ASEAN đến quý 3 năm 2024 cho thấy sự dịch chuyển trong xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ.
Kim ngạch xuất khẩu của 10 nước ASEAN sang Mỹ trong giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 9 đã vượt qua 80 tỷ USD. Đây là lần đầu tiên số liệu theo quý vượt qua ngưỡng doanh số 80 tỷ USD và tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu này tăng gần gấp đôi so với quý đầu tiên của năm 2019, khi đạt 43,8 tỷ USD.
Giá trị xuất khẩu của các quốc gia ASEAN sang Mỹ trong quý 3 năm 2024 đã vượt qua giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc, đạt 72 tỷ USD và giảm 2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là quý giảm thứ 3 liên tiếp, với khoảng cách ngày càng nới rộng so với 3 tháng trước.
Xu hướng này đặc biệt rõ ràng trong xuất khẩu chất bán dẫn và máy móc. Trong phân loại của Tổ chức Hải quan Thế giới này, xuất khẩu của Malaysia sang Hoa Kỳ trong quý 3 tăng 35% so với cùng kỳ năm trước trong khi của Việt Nam tăng 33%.
Nhìn về tương lai, bà Maria Monica Wihardja, nghiên cứu viên thỉnh giảng tại Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore cho rằng, gói kiểm soát xuất khẩu thứ 3 của Washington, do chính quyền cựu Tổng thống Joe Biden ban hành vào tháng 12, có thể ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của ASEAN sang Trung Quốc.
Bà cho biết, gói này "bao gồm các điều khoản về Quy tắc sản phẩm trực tiếp nước ngoài (FDPR) ngoài lãnh thổ có thể ảnh hưởng đến thiết bị sản xuất chất bán dẫn được sản xuất tại Đông Nam Á, đặc biệt là Malaysia và Singapore. Trung Quốc sẽ luôn là thị trường xuất khẩu lớn cho các công ty đa quốc gia, bao gồm cả các công ty Mỹ, những công ty đã mở các nhà máy mới tại Đông Nam Á để đa dạng hóa rủi ro.
Nếu các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Hoa Kỳ cùng với các quy tắc FDPR liên quan được mở rộng sang nhiều sản phẩm hoặc lĩnh vực hơn, điều này có thể tác động tiêu cực đến các công ty Mỹ này".
Trong khi đó, chính phủ Việt Nam đã đặt mục tiêu xuất khẩu 451 tỷ USD vào năm 2025, tăng 12% so với năm 2024.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu trong phiên họp thường kỳ của Chính phủ tại Hà Nội hồi đầu tháng 2: "Chúng ta cần cân nhắc các kịch bản tiềm năng và chuẩn bị các giải pháp để ứng phó nhanh chóng và hiệu quả. Tuyệt đối không được thụ động, mất cảnh giác hoặc bỏ lỡ các cơ hội và động lực tốt cho tăng trưởng".
Hoàng Minh-Link gốc