• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.252,72 -4,69/-0,37%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:03 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.252,72   -4,69/-0,37%  |   HNX-INDEX   224,63   -0,06/-0,03%  |   UPCOM-INDEX   91,82   -0,24/-0,26%  |   VN30   1.325,54   -4,08/-0,31%  |   HNX30   482,71   +1,32/+0,27%
26 Tháng Mười 2024 12:27:58 CH - Mở cửa
[Cổ phiếu nổi bật tuần] VGC – Chờ sóng “ăn theo” thoái vốn
Nguồn tin: BizLive | 25/06/2018 8:30:55 SA
Điểm đặc biệt, theo phương án thoái vốn được phê duyệt trước đó, Bộ Xây dựng sẽ bán cổ phiếu VGC với phương thức khớp lệnh trực tiếp trên sàn, giá đặt lệnh là giá trần của ngày giao dịch nhưng tối thiểu là 26.100 đồng/cổ phiếu, đồng thời cũng không thấp hơn giá tham chiếu bình quân của 30 ngày giao dịch liên tiếp trên thị trường trước ngày công bố thông tin.
 
Diễn biến giao dịch của VGC trong thời gian gần đây
 
Giao dịch đột biến, tổng khối lượng khớp lệnh của VGC lên mức hơn 15 triệu đơn vị trong trong tuần qua. So sánh về thanh khoản giữa các tuần thì đây là mức cao nhất trong lịch sử của cổ phiếu này. Trung bình mỗi phiên có tới hơn 3 triệu cổ phiếu được khớp lệnh, so với con số trong tuần trước chỉ là 2 triệu đơn vị.
 
Chốt phiên ngày thứ 6, tuy VGC đóng cửa ở giá 23.600 đồng/cổ phiếu nhưng mức giá này vẫn thấp hơn con số tối thiểu mà Bộ Xây dựng có kế hoạch thoái vốn là 26.100 đồng/cổ phiếu. Vì vậy, nhiều nhà đầu tư vẫn đang kỳ vọng giá cổ phiếu sẽ có phiên giao dịch đạt mức giá cao hơn trong thời gian tới và sát mức giá thoái vốn đã đề ra. 
 
 
Đồ thị giao dịch theo tuần của VGC  
 
Ảnh hưởng phần nào từ yếu tố trên, đường giá của VGC chỉ dao động quanh vùng 24.000 đồng/cổ phiếu, bất chấp thị trường có nhịp điều chỉnh sâu hơn 20%. Tính trên thời gian một tháng và ba tháng trở lại đây, VGC chỉ giảm 4,4 và 5,2%. Trong khi đó, xét theo khung thời gian một năm qua, tỷ suất sinh lời của cổ phiếu này vẫn ở mức trên 30%.
 
Nhìn chi tiết hơn vào từng phiên, có thể thấy giao dịch của VGC xuất hiện nhiều dấu hiệu “bất thường”. Lực cầu đỡ giá toàn bộ đến từ các nhà đầu tư trong nước bất chấp các lệnh bán liên tục đến từ khối ngoại.
 
Theo thống kê, tính từ đầu năm tới nay, khối ngoại bán ra gần 46,3 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 1.100 tỷ đồng. Chỉ riêng từ đầu tháng 6 trở lại đây, khối này đã bán ra 14,3 triệu đơn vị, tương ứng 335,3 tỷ đồng. VGC trở thành cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhất trên sàn HNX.
 
Điều này thể hiện, các đơn vị trong nước đang có động thái “gom” mạnh cổ phiếu VGC. Và nhiều khả năng, toàn bộ lượng cổ phiếu thoái vốn của Bộ Xây dựng lần này sẽ được các đơn vị này mua vào chứ không phải đến từ các nhà đầu tư ngoại.
 
Hiện tại, số lượng cổ phiếu đang được niêm yết của VGC là 448 triệu. Trong đó, Bộ xây dựng là cổ đông lớn nhất khi nắm giữ gần 242 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 54%. Còn lại các quỹ đầu tư và nhà đầu tư cá nhân, nhưng chưa xuất điện đơn vị nào sở hữu trên 5% vốn của VGC.
 
Ngày 29/05/2017, Tổng công ty Viglacera – CTCP tổ chức đấu giá 120 triệu cổ phiếu VGC với giá khởi điểm 12.300 đồng/cp. Kết thúc đợt đấu giá, có 50 nhà đầu tư trúng thầu, với giá bán bình quân là 16.175 đồng/cổ phiếu, giá đấu thành công cao nhất là 17.300 đồng/cổ phiếu và thấp nhất là 15.400 đồng/cổ phiếu.
 
Triển vọng trái chiều tại các mảng kinh doanh chính
 
VGC khá tích cực tại mảng cho thuê khu công nghiệp. Hiện tại VGC đang vận hành 10 khu công nghiệp với tổng diện tích đất là 3.580ha tại 6 tỉnh thành, với tỷ lệ lấp đầy khoảng 26%, đứng đầu thị trường miền Bắc.
 
 
 Thông tin các dự án cho thuê Khu công nghiệp của VGC
 
Theo đánh giá của các nhà phân tích Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVS), năm 2018 diện tích KCN cho thuê của VGC có thể đạt 110 ha. Trong đó, KCN Yên Phong mở rộng có thể là động lực chính với diện tích cho thuê hơn 62 ha từ tập đoàn Samsung và các công ty vệ tinh của Samsung.
 
Được biết, thời điểm giữa năm 2017, Samsung đã ký kết biên bản ghi nhớ với công ty về việc đầu tư và thuê 62 ha đất KCN Yên Phong mở rộng. Giá thuê đất ở KCN Yên Phong mở rộng cũng cao hơn các KCN khác như Đồng Văn IV hay Tiền Hải, đạt khoảng 82 USD/m2 nên doanh thu dự báo cũng tăng trưởng mạnh. Dự báo, doanh thu từ cho thuê KCN của VGC năm 2018 có thể đạt 1.988 tỷ đồng.
 
Ngược lại, mảng gạch xây dựng lại đang bước vào giai đoạn khó khăn. VGC đang có 2 đơn vị là Viglacera Hà Nội và Viglacera Thăng Long chuyên phụ trách sản xuất gạch ceramic với công suất 14 triệu m2/năm. Và Viglacera Tiên Sơn chuyên thực hiện sản xuất gạch granite với công suất 6,5 triệu m2/năm.
 
Lĩnh vực gạch xây dựng đang trở nên khó khăn hơn khi toàn ngành đang gặp sự cạnh tranh khốc liệt về giá bán, với sự phân mảnh từ nhiều đối thủ trên thị trường và liên tục nâng công suất trong các năm gần đây. Từ đó, đẩy biên lợi nhuận gộp của toàn ngành bước vào xu hướng giảm. Dự báo xu thế này sẽ vẫn sẽ tiếp tục, tuy doanh thu có tăng trưởng nhưng với tốc độ chậm hơn trong các năm tiếp theo.
 
Điểm sáng duy nhất của VGC đến từ việc mở rộng công suất. Năm 2018, công ty sẽ ghi nhận thêm doanh thu từ hai nhà máy mới là gạch men granite Mỹ Đức và sứ vệ sinh cao cấp Mỹ Xuân. Nhà máy gạch Mỹ Đức hoạt động từ tháng 7/2017, có công suất 2,4 triệu m2 gạch granite/năm, doanh thu năm 2018 dự báo đạt khoảng 300 tỷ đồng. Trong khi đó, nhà máy Mỹ Xuân đang được gấp rút hoàn thiện và lắp đặt máy móc, thiết bị để trong quý III/2018 có thể đi vào hoạt động.
 
Trong khi đó, mảng kính xây dựng đối mặt với nỗi lo dư cung. Hiện nay, VGC đang có 3 đơn vị sản xuất kính là Công ty kính nổi Viglacera (VIFG), Công ty TNHH Kính nổi Việt Nam (VFG) và CTCP Kính Viglacera Đáp Cầu, chiếm 45% thị phần kính xây dựng cả nước.
 
Năm 2018, nguồn cung kính xây dựng cả nước sẽ rất dồi dào khi không còn nhà máy kính nào phải bảo dưỡng, đồng thời, thị trường còn đón nhận thêm sản lượng từ nhà máy kính Chu Lai (CFG) Ninh Bình bắt đầu đưa vào hoạt động từ tháng 10/2017.
 
Đây là nhà máy kính thứ 2 của CFG và là nhà máy kính có công suất lớn nhất cả nước tính đến nay, nhà máy có 2 dây chuyền với tổng công suất thiết kế là 1.200 tấn/ngày. Trong khi đó, tổng công suất của 4 nhà máy kính ở Việt Nam trước đây mới chỉ đạt 2.200 tấn/ngày, như vậy tổng nguồn cung kính xây dựng năm nay sẽ gấp 1,5 lần.
 
 
Các nhà phân tích Chứng khoán Bảo Việt đánh giá, ngành kính mới chỉ đối mặt với rủi ro dư cung, còn nhu cầu vẫn được duy trì tốt từ thị trường bất động sản. Như vậy, giá kính xây dựng có thể giảm từ 7%-9% trong năm tới. Vì vậy, kỳ vọng tốc động tăng trưởng mảng này của VGC sẽ không quá mạnh trong các năm tới. 
 
Mới đây, VGC vừa công bố nội cung cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên diễn ra 29/6. Trong đó, một nội dung đáng chú ý là tổng công ty sẽ chuyển niêm yết cổ phiếu từ Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) sang Sở giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE), các thủ tục kỳ vọng hoàn tất trong quý IV/2018. Cùng với đó, năm 2018, VGC đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 9.100 tỷ đồng, lãi 950 tỷ đồng, cổ tức 9,5%.
MAI HƯƠNG

Tuyên bố trách nhiệmBài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.