Tuy quy mô vốn nhỏ nhưng CTCP Bất động sản Netland (HNX: NRC) vẫn thực hiện được các dự án lớn nhờ tận dụng nguồn vốn từ các đối tác ngoại. Ông Nguyễn Hữu Quang, Thành viên HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc đã có những chia sẻ về chiến lược hợp tác cùng nhà đầu tư ngoại và bài học mà Netland rút ra qua quá trình hợp tác.
Netland đi lên từ hoạt động môi giới, rồi đến hợp tác phát triển dự án và làm chủ đầu tư. Tuy nhiên vốn hiện nay khá nhỏ, công ty có chiến lược gì để cải thiện điều này, thưa ông?
Hiện nay, quy mô vốn công ty chưa đủ đáp ứng phát triển các dự án lớn. Chính vì thế, Netland lựa chọn việc hợp tác với các đối tác nước ngoài để tận dụng nguồn vốn ngoại.
Trong suốt thời gian từ tháng 12/2017 đến nay, Netland đã làm việc với rất nhiều đối tác đến từ Nhật Bản, trong đó chủ yếu là các đơn vị lớn được niêm yết trên sàn chứng khoán Tokyo, hoạt động trong lĩnh vực bất động sản và quỹ đầu tư như Sanei Architecture Planing, G-7 Holdings INC, Takara Leben, Jarvis, Partner Capital, Anabuki, ... và một vài đối tác khác hoạt động trong lĩnh vực thiết kế. Sanei Architecture Planing ký hợp tác chiến lược với Netland tháng 2/2018 và đã rót những đồng vốn đầu tiên từ tháng 4/2018, G-7 Holdings INC cũng chính thức trở thành cổ đông chiến lược của Netland từ tháng 5/2018.
Hai bên hợp tác với nhau dựa trên nguyên tắc cùng phát triển và có lợi. Giai đoạn đầu, đối tác Nhật sẽ là người rót vốn nhiều hơn và cung cấp kinh nghiệm trong việc quản lý dự án, Netland là đơn vị phát triển dự án vì có kinh nghiệm cũng như am hiểu về thị trường tại Việt Nam. Netland và các đối tác Nhật Bản bước đầu đưa các sản phẩm tốt nhất đạt tiêu chuẩn Nhật Bản cho khách hàng như sản phẩm Saigon Metro Mall tại quận 8, mang các dịch vụ do người Nhật quản lý và vận hành như dự án Barya Citi tại trung tâm hành chính Bà Rịa tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.
Từ nay tới cuối năm 2018, Netland hợp tác cùng với Sanei Architecture Planing thực hiện dự án căn hộ cao cấp tại Nha Trang, đang hoàn tất hồ sơ để cùng với Anabuki thực hiện dự án căn hộ cao cấp tại TP HCM. Ngoài ra, công ty vẫn đang trong quá trình đàm phán để thống nhất với Jarvis và Takara Leben cho các dự án triển khai trong năm tới.
Mặt khác, Nghị quyết ĐHĐCĐ năm 2018 thông qua việc tăng vốn điều lệ từ 120 tỷ lên 240 tỷ, trong đó Netland dành 20% để chào bán cho đối tác chiến lược. Hiện tại, Sanei Architecture Planing đã chính thức đề nghị được mua toàn bộ số vốn chào bán cho đối tác chiến lược này. Hồ sơ tăng vốn điều lệ đang được công ty gấp rút hoàn thiện để nộp cho Ủy Ban Chứng Khoán Nhà Nước và dự kiến hoàn tất vào cuối năm nay.
Xin ông chia sẻ về cơ duyên cho việc hợp tác giữa Netland và các đối tác Nhật?
Netland mới được thị trường biết đến từ khi niêm yết trên HNX vào đầu tháng 4. Tuy nhiên, các đối tác Nhật Bản biết tới Netland từ khi chưa niêm yết, họ quan tâm và âm thầm tìm hiểu về Netland trong suốt thời gian dài, có thể do Netland phù hợp với tiêu chí mà họ đưa ra. Nhà đầu tư Nhật cần một đơn vị phát triển dự án bài bản, có hệ thống bán hàng vững chắc và chuyên nghiệp. Ngoài những yếu tố trên, họ đặc biệt quan tâm đến nhân sự chủ chốt bởi vì những nhân sự này chính là người tạo ra giá trị bền vững cho công ty.
Bên cạnh đó, Netland còn sở hữu Công ty cổ phần bất động sản Danh Khôi, một trong ba đơn vị môi giới mạnh nhất khu vực phía Nam. Đây là chìa khóa bảo chứng cho các sản phẩm do Netland hợp tác hoặc đầu tư đều được bán hết trong thời gian ngắn nhất. Hơn nữa, Netland cũng đang trong quá trình phát triển quỹ đất sạch và đến cuối năm 2018, quỹ đất này đủ lớn để phát triển dự án cho vài năm tiếp theo. Đặc biệt, quỹ đất của Netland tập trung vào khu vực TP HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Phan Thiết và Long An.
Trong quá trình làm việc với các đối tác đến từ Nhật Bản, ông rút ra kinh nghiệm và bài học gì?
Có thể nói rất nhiều bài học kinh nghiệm được rút ra từ quá trình làm việc với các đối tác đến từ Nhật Bản. Để thành công, đầu tiên phải suy nghĩ nghiêm túc, làm việc nghiêm túc và chăm chỉ, tuân thủ các quy định của công ty, pháp luật ban hành. Nguyên tắc với chính bản thân trước sẽ giúp đi đúng hướng, thận trọng và làm việc hiệu quả hơn; luôn luôn đưa vấn đề lợi ích của tập thể và của công ty lên hàng đầu, không vụ lợi để làm việc công tâm hơn, không cắt xén hay thêm thắt trong quá trình làm việc. Cuối cùng là sự trung thực trong công việc, trung thực với đối tác trong quá trình hợp tác.
Nhà đầu tư Nhật Bản nói riêng và các đối tác nước ngoài khác nói chung vô cùng thận trọng trong quá trình hợp tác và đầu tư chung bởi vì liên quan đến việc quản lý rủi ro đồng vốn bỏ ra. Phần lớn doanh nghiệp Việt thường hay chủ quan trong việc tính toán hoặc tính toán qua loa còn người Nhật tính toán rất tỉ mỉ và thận trọng để loại bỏ các rủi ro không mong muốn. Việc lấy được niềm tin của người Nhật rất khó, tuy nhiên nếu họ tin rồi thì việc hợp tác rất thuận lợi. Ngoài ra, các đối tác Nhật luôn đề cao tính tuân thủ, trung thực và chăm chỉ làm việc.
Trong quá trình đàm phán và làm việc với các đối tác Nhật Bản, Netland luôn đề cao tính tuân thủ, trung thực, đúng thời gian . Hai bên luôn cởi mở để giải quyết các vấn đề trên phương diện tôn trọng lẫn nhau. Văn hóa doanh nghiệp cũng là chìa khóa để kết nối hai doanh nghiệp xích lại gần nhau hơn, điều này được thể hiện ở văn hóa của người đứng đầu doanh nghiệp, từ HĐQT đến Ban TGĐ. Trong suốt quá trình đàm phán rồi đi đến ký kết hợp tác toàn diện cùng Sanei Architecture Planing, G-7 Holdings, Anabuki và một số đối tác khác, ban lãnh đạo công ty làm việc rất chăm chỉ cùng với các thành viên của đối tác để cùng tìm ra phương ánhợp tác hai bên cùng có lợi nhất.
Lan Anh
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.