Thoái vốn Nhà nước tiếp tục là động lực cho thị trường
Theo Nghị quyết 01/NQ-CP vừa được Chính phủ ban hành ngày đầu năm mới (1/1), một trong nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2019 là tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp, cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước gắn với niêm yết trên thị trường chứng khoán. Đồng thời, công khai doanh nghiệp đã cổ phần hóa, đủ điều kiện nhưng chưa niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán và xem xét trách nhiệm người đứng đầu.
Bộ phận phân tích CTCK Rồng Việt (VDS) đánh giá hoạt động thoái vốn Nhà nước đã chững lại đáng kể trong năm 2018, trái ngược hẳn 2017 với 2 thương vụ bán cổ phần tại Sabeco (110 ngàn tỷ) và Vinamilk (9 ngàn tỷ). Tổng giá trị thoái vốn 2018 đạt 35,7 ngàn tỷ, chỉ bằng 29% của năm 2017 với một nửa trong số đó đến từ Tổng công ty dầu Việt Nam (PVOil), Tổng công ty điện lực dầu khí Việt Nam (PVPower) và Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR); tỷ lệ hoàn thành kế hoạch chỉ đạt 20%, với 18/98 công ty được thoái vốn.
Có nhiều lý do cho tiến triển chậm chạp của thoái vốn Nhà nước, nhưng VDS nhận định nguyên nhân quan trọng nhất là cản trở từ Nghị định 32/2018/ND-CP quy định giá thoái vốn không được thấp hơn giá giao dịch trung bình 30 ngày, trong khi không nhiều nhà đầu tư sẵn sàng trả mức giá cao.
Dẫu vậy, qua năm 2019, các công ty chứng khoán tiếp tục nhận định hoạt động thoái vốn Nhà nước vẫn là một trong những động lực thúc đẩy thị trường chứng khoán.
Trong báo cáo đầu tư 2019, CTCK Bảo Việt (BVSC) nhận định các yếu tố tác động tích cực tới thị trường chứng khoán bao gồm môi trường chính trị ổn định của Việt Nam; luật Chứng khoán sửa đổi được thông qua; CPTPP và EVFTA có hiệu lực; FTSE và MSCI có đánh giá tích cực về khả năng nâng hạng của TTCK Việt Nam; một số cơ hội đến từ kế hoạch IPO, thoái vốn Nhà nước hay niêm yết mới cổ phiếu trong năm 2019; lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp niêm yết được dự báo vẫn có tăng trưởng trong năm 2019.
Bộ phận phân tích của CTCK Vietcombank (VCBS) kỳ vọng năm 2019 quy mô thị trường sẽ có những chuyển biến tích cực hơn. Với những tập đoàn lớn trong nước đang và sẽ tiếp tục thoái vốn trong thời gian tới như VEA, Lilama, Viglacera…, nhà đầu tư hoàn toàn có thể kỳ vọng rằng nguồn tiền lớn sẽ quay lại thị trường trong năm 2019. Thêm vào đó, việc ký kết thành công hiệp định CPTPP sẽ giúp một số ngành có thêm lợi thế cạnh tranh trong hoạt động xuất khẩu như thủy hải sản, dệt may,…
Những thương vụ thoái vốn được chờ đợi
Năm 2019, Bộ Tài Chính kỳ vọng thu về 50.000 tỷ đồng từ thoái vốn, cao hơn 40% so với 2018. VDS ước tính đóng góp hầu hết sẽ đến từ các thương vụ bị tạm hoãn từ 2017 và 2018. Kế hoạch thoái vốn năm 2018 vẫn đang treo lơ lửng với hơn 80 công ty trong danh sách chờ, chưa kể đến những công ty có kế hoạch thoái vốn năm 2019.
VDS nhận định nhu cầu thoái vốn của Chính phủ thời gian tới càng trở nên cấp bách hơn do áp lực ngày càng tăng đối với nợ công và thâm hụt ngân sách. Do đó, Chính phủ sẽ có các điều chỉnh để tăng tốc tiến độ như hạ giá chào bán và/hoặc từ bỏ cổ phần kiểm soát trong doanh nghiệp để thu hút các nhà đầu tư. Qua đó, hoạt động thoái vốn nếu sôi động trở lại, cũng sẽ cải thiện tâm lý thị trường, tương tự như những gì đã xảy ra vào đầu năm 2018 với các thương vụ IPO của BSR, OIL và POW.
Cụ thể, năm vừa qua chỉ có 3 trên 8 đơn vị lớn đã hoàn tất IPO là PVOil, PVPower, BSR. Trong đó, PVOil và BSR đã đăng ký giao dịch UPCoM, PVPower dự kiến chuyển sang niêm yết HoSE từ 14/1. Còn 5 đơn vị lớn chưa thực hiện IPO trong năm 2018 là VRG, Vinafood 2, Vicem, Mobifone và Genco3.
Xét về thoái vốn, một số thương vụ lớn trong năm 2019 có thể kể đến như bán 20% vốn Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV), 25% vốn Tập đoàn xăng dầu Việt Nam, 35% vốn Tổng công ty hàng không Việt Nam…
Đáng chú ý, trong năm 2018, Bộ Xây dựng tiến thành thoái vốn Tổng công ty Viglacera (VGC) xuống 36% vốn theo phương pháp bán khớp lệnh 80,6 triệu cp với mức giá không thấp hơn 26.100 đồng/cp trên thị trường nhưng bị thất bại. Việc này đã khiến khá nhiều nhà đầu tư thất vọng khi muốn kiếm lời theo thương vụ và không ít người vẫn còn kẹt “hàng” từ mức giá trên 20.000 đồng/cp cho đến nay. Cổ phiếu VGC hiện giao dịch quanh 17.000-18.000 đồng/cp nên vấn đề thoái vốn Nhà nước tại đây được khởi động lại sẽ tạo cơ hội cho các nhà đầu tư mua doanh nghiệp với giá tốt.
Theo lộ trình, Bộ Xây dựng sẽ phải thoái vốn VGC về 0% trong năm 2019. Do vậy, tổng vốn VGC Nhà nước thoái trong năm nay là 53% vốn, tỷ lệ đủ để chi phối doanh nghiệp, ở tỷ lệ này có thể sẽ thu hút nhà đầu tư lớn quan tâm hơn và kỳ vọng sẽ thành công.
Bên cạnh đó, còn nhiều doanh nghiệp sẽ thoái vốn trong năm 2019 ở tỷ lệ hấp dẫn như Tổng công ty Thép Việt Nam (58%), Tập đoàn dệt may Việt Nam (53%), Habeco (82%).
Tuy nhiên, VDS nhấn mạnh rằng kỷ nguyên “free money” đang đi đến hồi kết, chỉ những công ty hấp dẫn mới có cơ hội tốt thu hút vốn. Đó sẽ là những công ty có thị phần thống trị trong ngành (PLX, ACV), tài nguyên hoặc quỹ đất lớn (TVN) hoặc có thể tạo ra giá trị hiệp lực lớn cho đối tác chiến lược (VGT).
Ngọc Điểm
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.