Chỉ số MSCI châu Á – Thái Bình Dương, không gồm Nhật Bản, tăng 0,28% trong phiên 21/10.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc nhìn chung giảm. Shanghai Composite tăng 0,05%, Shenzhen Composite giảm 0,11%. Tại Hong Kong, chỉ số Hang Seng tăng 0,02%.
Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,25%, Topix tăng 0,41%. Kospi của Hàn Quốc tăng 0,2%.
ASX 200 của Australia gần như đi ngang, chỉ tăng 0,04%.
Thủ tướng Anh Boris Johnson đang gặp nhiều trở ngại trong việc thuyết phục quốc hội thông qua thỏa thuận Brexit mới, đạt được với Liên minh châu Âu (EU) hôm 17/10. Nếu thất bại, ông sẽ phải đề nghị EU gia hạn ly hôn, thay vì hạn chót 31/10 hiện tại, nhưng EU không cần phải chấp thuận.
Trong khi đó, Mỹ và Trung Quốc vẫn có “tiến triển bền vững” trong đàm phán thương mại, theo Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc. Sau khi nhất trí thỏa thuận thượng mại một phần hồi đầu tháng, Bắc Kinh và Washington đang phối hợp để văn bản hóa.
Mỹ và Trung Quốc đã áp thuế lên hàng trăm tỷ USD hàng hóa của nhau, khiến thị trường thế giới biến động, tạo ra bất ổn và hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới. Tăng trưởng GDP quý III của Trung Quốc là 6%, thấp nhất 27,5 năm.
“Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang đè nặng lên lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu của Trung Quốc. Các biện pháp tài khóa và nới lỏng tiền tệ của Bắc Kinh chỉ mang tính bù đắp”, Rodrigo Catril, chiến lược gia cấp cao tại National Australia Bank, nhận định. Nếu thuế của Mỹ không được dỡ bỏ, “kinh tế sẽ tiếp tục giảm tốc”.