Theo Bloomberg, ông Phạm Nhật Vượng đang lên kế hoạch xuất khẩu xe điện sang Mỹ vào năm 2021, một việc mà ngay cả Toyota Motor Corp. và Hyundai Motor Co. đều không thể làm trong những ngày đầu tiên. Để đạt được mục tiêu này, ông Vượng dự kiến đầu tư 2 tỷ USD từ tài sản cá nhân.
Chiếc xe điện đầu tiên của VinFast dự kiến sẽ được lắp ráp từ cuối năm 2020, nhưng chủ tịch Vingroup cho biết dự kiến xuất khẩu những chiếc xe này sang Mỹ, châu Âu và Nga vào năm 2021.
"Mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là một thương hiệu quốc tế. Đó là một đường đầy khó khăn và chúng tôi sẽ phải nỗ lực rất nhiều nhưng cũng chỉ có một con đường phía trước", vị tỷ phú 51 tuổi nói trong cuộc phỏng vấn tại trụ sở của Vingroup (HoSE:
VIC) tại Hà Nội, công ty mẹ của VinFast do ông Vượng thành lập và làm Chủ tịch.
Theo dữ liệu Bloomberg, tài sản của Chủ tịch Vingroup trị giá 9,1 tỷ USD. Ông Vượng từng bán một phần cổ phần tại Vingroup vào năm ngoái và dự kiến bán tiếp 10% cổ phần để huy động cho dự án đầy tham vọng này. Cá nhân ông Vượng sở hữu 49% trong khi Vingroup sở hữu 51% cổ phần tại VinFast.
VinFast sẽ không có lãi 5 năm, ông Vượng nói, thị trường nội địa quá nhỏ và bán hàng tại thị trường nước ngoài là chìa khóa mang lại lợi nhuận. Chủ tịch Phạm Nhật Vượng sở hữu trực tiếp 26% cổ phần Vingroup, theo dữ liệu của Bloomberg trong khi Tập đoàn Đầu tư Việt Nam, công ty do ông Vượng sở hữu 92%, giữ 31,6% cổ phần.
VinFast phải vượt qua nhiều rào cản lớn để cạnh tranh với thị trường bên ngoài, theo ông Michael Dunne, CEO của công ty tư vấn ZoZo Go LLC chuyên về thị trường ôtô châu Á. "Họ sẽ phải mất thời gian để có thể sẵn sàng chiến đấu ở Mỹ, thị trường khó tính nhất thế giới. Bạn cần phải có một thương hiệu vững mạnh".
VinFast sẽ cần phải sản xuất ít nhất 100.000 chiếc xe mỗi năm với giá cạnh tranh, phát triển một thương hiệu toàn cầu và thiết lập một mạng lưới cung cấp dịch vụ phía sau. Theo ông Dunne, VinFast vẫn có cơ hội ở thị trường Đông Nam Á.
Muốn thâm nhập vào thị trường Mỹ, VinFast sẽ phải chiến thắng được những người tiêu dùng khó tính tại Mỹ và các thị trường phát triển khác, nơi mà tiêu chuẩn về khí thải và tai nạn rất nghiêm ngặt. Bên cạnh đó, những chiếc xe của VinFast sẽ phải đối mặt với một cuộc cạnh tranh khốc liệt để có thể thành công ở nước ngoài. Bởi những hãng xe như Tata Motors của Ấn Độ và Proton Holdings của Malaysia cũng đang chật vật để giành được niềm tin từ người tiêu dùng ở nước ngoài. Ngay cả ở Việt Nam, VinFast cũng đang có những đối thủ đáng gờm đến từ nước ngoài như Toyota, Ford Motor và Hyundai.
Trước VinFast, nhiều hãng sản xuất ôtô của Trung Quốc cũng có tham vọng bán hàng sang Mỹ trong hơn 10 năm qua. Mặc dù kế hoạch này vẫn chưa được hiện thực hóa, Guangzhou Automobile Group Co., Zotye Automobile Co. và một số công ty khác đã thiết lập được văn phòng bán hàng và trung tâm nghiên cứu - phát triển tại Mỹ. Một số thương hiệu thậm chí tích cực tham gia triển lãm ôtô tại Mỹ trong những năm gần đây.
Để sản xuất và bán thành công một chiếc xe điện cũng là một thách thức. Nhiều startup của Trung Quốc đặt cược vào triển vọng của xe điện tại thị trường ôtô lớn nhất thế giới đã được đầu tư hàng tỷ USD nhưng rất ít trong số đó tạo ra lợi nhuận. BAIC BluePark New Energy Technology Co., hãng sản xuất xe điện lớn nhất Trung Quốc, dự báo lỗ cho cả năm 2019. NIO Inc. cũng chưa có lợi nhuận và đang lo ngại sẽ cạn tiền mặt.
Trong những năm tới, Vingroup dự kiến phải chi 18.000 tỷ đồng để bù lỗ cho VinFast.
Thanh Long/ Theo Bloomberg
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.