Theo đánh giá của các chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB), mặc dù các thị trường vốn ở Việt Nam đã phát triển mạnh trong những năm qua, nhưng vẫn còn nhỏ so với Thái Lan và Malaysia lần lượt ở mức từ 1,5 – 2 lần và vẫn chủ yếu do một vài tổ chức lớn chi phối, bao gồm cả Chính phủ. Vì vậy, Việt Nam cần tính đến sự phát triển thị trường vốn nhằm giảm sự phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng.
Diễn biến tích cực
Ông Alaweed Altabani, Chuyên gia trưởng về tài chính của WB, đánh giá thị trường tài chính của Việt Nam còn tập trung quá nhiều vào tín dụng ngân hàng.
Trong bối cảnh những rủi ro về chính trị và kinh tế thế giới đang diễn biến căng thẳng sẽ có tác động đến nền kinh tế Việt Nam cả về tích cực và tiêu cực. Để mang đến động lực tăng trưởng bổ sung cho nền kinh tế, báo cáo của WB khuyến nghị cần ưu tiên phát triển khu vực tư nhân vững mạnh và năng động.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp (DN) đang hoạt động ở thị trường trong nước vẫn đang phải đối mặt với những trở ngại lớn, hạn chế sự phát triển, trong đó được nói đến nhiều nhất là khả năng tiếp cận tín dụng.
Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam, đánh giá: “Xử lý những hạn chế về huy động tài chính cho DN cần nhận được sự quan tâm cao nhất của các nhà hoạch định chính sách nếu Việt Nam muốn tiếp tục quỹ đạo tăng trưởng nhanh và bao trùm hướng tới trở thành quốc gia thu nhập cao trong những thập kỷ tới”.
Trên thực tế, thời gian qua, Chính phủ đã nhận thức được tầm quan trọng của các thị trường vốn, coi đó là kênh cung cấp nguồn tài chính dài hạn và đa dạng cho khu vực sản xuất kinh doanh trong nước. Các thị trường này ngày càng được nhìn nhận là nguồn thay thế cho viện trợ nước ngoài khi Việt Nam gần đây đã “tốt nghiệp” trở thành nước không còn nhận vốn vay ưu đãi của WB và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
Quy mô thị trường trái phiếu và cổ phiếu tăng mạnh từ dưới 40% GDP năm 2011 lên đến gần 100% GDP vào tháng 6/2019, tương đương khoảng 68% tổng giá trị tín dụng của khu vực ngân hàng.
Tuy nhiên, thị trường vốn chủ yếu dựa vào trái phiếu phát hành của khu vực nhà nước, do hoạt động phát hành trái phiếu DN (TPDN) mới chỉ hạn chế ở các ngân hàng và các công ty bất động sản.
Cụ thể, đến cuối năm 2018, quy mô thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) đạt 39,1% GDP, so với mức chỉ 17,7% GDP vào cuối năm 2011, đạt giá trị danh nghĩa ở mức 50,9 tỷ USD. Trong khi đó, quy mô thị trường TPDN mới chỉ dừng lại ở mức trên 9,4% GDP năm 2019, đạt khoảng 590.000 tỷ đồng vào cuối tháng 6/2019.
TPDN được phát hành chủ yếu bởi các ngân hàng (chiếm 35% tổng lượng phát hành), các DN bất động sản (21%) và công ty chứng khoán (5%). Tuy nhiên, hầu hết TPDN đều được phát hành riêng lẻ và chưa được niêm yết trên thị trường chứng khoán của quốc gia.
WB khuyến cáo Việt Nam cần tăng cường chiều sâu của thị trường vốn
Mở lối cho thị trường vốn
Thị trường vốn Việt Nam được đánh giá là tăng trưởng tốt, trong đó nhờ vào thị trường cổ phiếu và thị trường TPCP tăng trưởng tích cực. Về tương quan với các nước trong khu vực, Việt Nam cũng ở mức tương đối nhưng nếu so với GDP thì thị trường vốn vẫn còn khiêm tốn.
Nếu so với nhiều nước tại Đông Nam Á, thị trường cổ phiếu Việt Nam phát triển ấn tượng, hiện đạt khoảng 52% GDP. Theo các chuyên gia, trong bối cảnh cổ phần hóa DN nhà nước, Việt Nam cần tạo thêm điều kiện để có thêm DN niêm yết.
Báo cáo của WB cho rằng cần phát triển các thị trường vốn vận hành tốt, làm nền tảng cho sự thịnh vượng của Việt Nam trong tương lai.
Theo kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm cả ở khu vực Đông Á, thị trường cổ phiếu và trái phiếu hoạt động tốt có thể giúp huy động vốn cho sản xuất kinh doanh trong nước, bổ sung cho nguồn vốn vay từ hệ thống ngân hàng và đa dạng hóa các nguồn huy động vốn. Điều này cũng góp phần nâng cao khả năng chống chịu của toàn bộ hệ thống tài chính nhờ đảm bảo thanh khoản sâu hơn và đa dạng hóa được rủi ro.
Ông Alaweed Altabani cho rằng Việt Nam cần tăng cường chiều sâu của thị trường vốn. Trước tiên, cần cải thiện nền tảng pháp lý về huy động vốn, xúc tiến sản phẩm đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, khối lượng tài sản dài hạn chưa có nhiều trên thị trường, nên cần phải đa dạng hóa hơn nữa các đối tượng khác nhau, ví như quỹ hưu trí…
Ngoài ra, Chính phủ cần có phối hợp cải cách để hỗ trợ thị trường. Các chuyên gia WB khuyến nghị 5 lĩnh vực mà các nhà lập chính sách cần quan tâm để đẩy mạnh sự phát triển của các thị trường vốn: hiện đại hóa nền tảng quy phạm pháp luật về thị trường vốn; cải thiện quản trị và công bố thông tin; mở rộng mạng lưới các nhà đầu tư; phát triển các sản phẩm sáng tạo; tăng cường vai trò của Chính phủ trong phát triển các nguồn huy động tài chính dài hạn.
Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo phát triển thị trường vốn dựa vào nguồn trái phiếu nhiều hơn phải đi kèm với nỗ lực hiện đại hóa khuôn khổ pháp lý. “Thị trường TPDN phát triển tốt sẽ tạo cơ hội cho nhiều lĩnh vực theo hướng đem lại các công cụ phù hợp để đáp ứng nhu cầu vốn của họ, nhưng khuôn khổ quy phạm pháp luật dường như là trở ngại chính để phát triển thị trường TPDN còn non trẻ ở Việt Nam”, báo cáo của WB nêu.
Thanh Hoa
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.