Ngày 13/4, Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019. Có những băn khoăn và thực tế trong hoạt động, triển vọng phát triển ngân hàng chưa giải đáp chi tiết trong khuôn khổ phần thảo luận của đại hội.
Bên lề đại hội cổ đông thường niên, ông Nguyễn Lê Quốc Anh, Tổng giám đốc Techcombank nói với BizLIVE rằng, ông sẵn sàng trả lời bất cứ câu hỏi nào về ngân hàng này.
GIỮ LẠI LỢI NHUẬN,
ĐẢM BẢO NỀN TẢNG
Qua đại hội này, Techcombank trở lại quyết định giữ lại lợi nhuận và không chia cổ tức như nhiều năm trước. Mùa đại hội đồng cổ đông ngân hàng năm nay, nhiều ngân hàng cũng muốn làm điều đó. Ông nói gì về điểm chung này?
Vấn đề giữ lại lợi nhuận là lợi điểm cạnh tranh của ngân hàng. Nói cho cùng, trong kinh doanh, điểm quan trọng nhất là mình phải có vốn, giữ lại lợi nhuận đảm bảo cho mình vốn lúc nào cũng đầy đủ, không cần phải đi huy động vốn, mà huy động vốn thì mất tiền.
Khi nhìn lại các ngân hàng khác, năm nào cũng phải chia cổ tức, lại không được giữ lại vốn thì mức độ và khả năng phát triển của họ kém đi. Nói chung là vậy.
Ngoài ra, theo suy nghĩ riêng của tôi, những ngân hàng yếu thì không nên chia cổ tức bằng tiền. Vì cần cho an toàn, sức mạnh của ngân hàng về lâu về dài.
Điểm chốt của ngân hàng là vốn chủ sở hữu, là nền tảng để đảm bảo an toàn khi có sự cố xảy ra. Chúng ta biết, chu kỳ kinh tế, có những thời điểm đi xuống, mà ở đó nợ xấu tăng lên. Cái để đảm bảo ngân hàng vững là vốn chủ sở hữu.
Với những ngân hàng nợ xấu còn cao thì trước hết phải xử lý vấn đề nợ xấu cái đã, chứ chưa nói chia cổ tức. Thứ hai, nếu ngân hàng có tỷ lệ an toàn vốn không cao, thì cũng không nên chia cổ tức bằng tiền. Đó là thông lệ trên thế giới.
Tôi cũng kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ đi xa trong chuyện này, mức độ minh bạch và an toàn hệ thống sẽ cao hơn.
Hiện Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng dự thảo, theo hướng ngân hàng nào còn nợ xấu tại VAMC thì không được chia cổ tức bằng tiền. Cái này có thể gây khó cho cổ đông, nhưng nghĩ lại thì, nếu cổ đông lấy thì họ có thể đầu tư chỗ nào tốt hơn không?
Như tại Techcombank, tôi nghĩ cổ đông khó tìm được đâu đó khả năng hơn tăng trưởng được lợi nhuận trên 20% mỗi năm như những năm vừa qua.
Thứ hai nữa, nếu họ vẫn lấy tiền cổ tức và vẫn là cổ đông ngân hàng, thì chính họ làm cho ngân hàng yếu hơn, chứ không phải làm cho ngân hàng mạnh lên.
Chính vì vậy trong nhiều năm qua những cổ đông lớn của Techcombank rất kiên quyết trong việc giữ lại lợi nhuận mỗi năm để đảm bảo nền tảng ngân hàng tiếp tục mạnh lên.
Nhưng với cổ đông và nhà đầu tư nói chung, có hai điều kỳ vọng và lợi ích cụ thể là cổ tức và thị giá của cổ phiếu tốt trên sàn…
Nếu ngân hàng không có khả năng đầu tư thêm, thì việc chia cổ tức là có lý. Tức là với vốn chủ sở hữu đó, ngân hàng không có khả năng tăng lợi nhuận tốt hàng năm.
Còn Techcombank, năm nào cũng tăng lợi nhuận trên 20%. Nói cách khác, trừ phi ngân hàng không có khả năng tăng lợi nhuận trên 20% trên vốn chủ sở hữu thì ngân hàng nên trả số tiền đó lại cho cổ đông, tức là chia cổ tức.
Ngược lại, khi ngân hàng vẫn có cơ sở tăng lợi nhuận trên 20%, thì số tiền đó nếu cổ đông cầm và họ có khả năng tạo được lợi nhuận trên 20% như vậy không?
Vì vậy, nhiều cổ đông lớn muốn Techcombank tiếp tục đầu tư, tiếp tục tăng 20% mỗi năm. Đây là điểm tiên quyết.
Còn với thị giá của cổ phiếu Techcombank trên sàn hiện nay có xu hướng giảm sau niêm yết, bên cạnh việc chia tách. Ông nhìn nhận thế nào?
Giá cổ phiếu là cung - cầu. Hiện giờ mức độ những người muốn mua cổ phiếu Techcombank chưa có nhiều bằng bên bán, trong khi đó thời gian qua cổ phiếu có mức độ sinh lời cỡ 5 lần cách đây ba năm. Những người bán bản chất họ đang chốt lời, cầu chưa bằng cung.
Trách nhiệm của công tác cổ đông, nhà đầu tư là chưa nói được ra bên ngoài là mua cổ phiếu Techcombank vì lý do lâu dài. Nhìn theo quá trình lâu dài, đâu đó 3 - 5 năm thì giá trị Techcombank tăng rất cao.
Hiện giá trị cổ phiếu Techcombank trong nước chưa đạt như mong muốn. Tôi ghi nhận đó là trách nhiệm của Tổng giám đốc, làm sao để mối quan hệ với nhà đầu tư phải mạnh hơn, truyền thông được ra bên ngoài tốt hơn.
Trong nước nhà đầu tư chưa biết đến nhiều, chưa nhận thấy những giá trị lâu dài của Techcombank như bên ngoài. Nên ta thấy mức độ chênh lệch giá của những cổ đông nước ngoài mua bán với nhau so với giá cổ đông trong nước chênh lệch đâu đó khoảng 30%.
“NẾU CÁC ÔNG MUA ĐI BÁN LẠI
THÌ THÔI…”
Cổ đông nắm giữ ba năm trước thì giá trị và lợi nhuận lớn. Nhưng hiện nay thì không hẳn vậy. Hay ý của ông là: cần đầu tư dài hạn?
Đúng vậy.
Nếu đầu tư để có lãi ngắn hạn tại Techcombank thì đây không phải là chỗ đầu tư. Tôi khẳng định như vậy luôn.
Khi đi ra bên ngoài chúng tôi cũng nêu quan điểm, nếu các ông mua đi bán lại thì thôi, còn nếu mua và nắm giữ lâu dài trên 3 năm thì chúng tôi mới bán.
Như ông nói ở trên, tiền để lại không chia cổ tức thì ngân hàng tạo ra được tăng trưởng trên 20%. Thế nhưng năm nay Techcombank đặt chỉ tiêu lợi nhuận chỉ tăng 10%, thưa ông?
Cái này tôi thấy nhiều người đang suy nghĩ. Ở đây có hai chuyện.
Thứ nhất, Techcombank đang đi thẳng vào dùng tiêu chuẩn kế toán thế giới. Cái thứ hai là hạn mức tăng trưởng tín dụng Ngân hàng Nhà nước cho chỉ 13%.
Thế thì, đơn thuần từ nay đến cuối năm Ngân hàng Nhà nước chỉ cho như vậy, mình cũng phải hiểu khả năng tăng trưởng của mình đến đâu. Đồng ý không?
Cái đó mức độ hiện đang hạn chế. Nhưng Techcombank đã nộp hồ sơ báo cáo quá trình triển khai Basel 2. Tôi rất kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ chấp thuận hồ sơ đó và như vậy hạn mức tín dụng sẽ được nâng lên.
Ở đây, tôi cũng xin chia sẻ, Hội đồng Quản trị và Ban điều hành không thể nào đưa kế hoạch cao hơn chỉ tiêu Ngân hàng Nhà nước giao. Cái đó không làm được.
Và như trên, theo tiêu chuẩn kế toán thế giới, ở mức độ cao nhất mà Techcombank đang làm, có đòi hỏi khác so với thông thường. Đó là, thường thì khi nào nợ xấu xẩy ra chúng ta mới trích dự phòng, nhưng theo tiêu chuẩn trên thế giới thì trước khi nợ xấu xẩy ra chúng ta phải biết nó xẩy ra trong năm bao nhiêu, và phải dự trữ số tiền đó trước.
Trong khi mình không được tăng trưởng tín dụng cao, cùng lúc phải dự phòng trước cho nợ xấu cả năm. Cho nên, sau khi xử lý được vấn đề tăng trưởng tín dụng, xử lý được nợ xấu xẩy ra những năm trước thì sẽ có những con số khởi sắc hơn.
Trong thời điểm hiện tại chúng tôi chỉ thông báo những gì mình có được trong hạn mức có sẵn. Thành thử mọi người nhìn vào thì thấy chỉ tiêu tăng trưởng hình như sụt đi một nửa, 10% so với 20%. Sự thực là vậy, chúng tôi không thể vượt ra được.
Như vậy, về chỉ tiêu và định hướng kinh doanh, có những giới hạn chúng tôi không thể tự vượt ra, có những điểm cần phải xử lý tiếp, để kỳ vọng có những con số khởi sắc.
TẬP TRUNG VÀO
NHU CẦU THIẾT YẾU
Còn ở khía cạnh khác, Techcombank có trù tính những vấn đề khác như rủi ro chính sách, rủi ro thị trường không? Ví dụ như ở thị trường bất động sản - phân khúc mà Techcombank đang dẫn đầu về cho vay mua nhà ở, nếu có khó khăn xẩy ra thì sao?
Rủi ro và ứng xử với rủi ro là công việc thường xuyên, chúng tôi làm hàng ngày.
Rủi ro chính sách, rủi ro ngành, rủi ro thị trường…, không thể nào chúng ta tính hết được. Cách tốt nhất là chúng ta tính đến những kịch bản xấu nhất, mà ở đó có vượt qua được hay không.
Chúng tôi tính đến những kịch bản xấu nhất thì nó ảnh hưởng gì đến doanh thu, lợi nhuận, nợ xấu.
Khi đi sâu vào đó, thì những ngành nghề mà chúng tôi làm là ổn định nhất. Techcombank tập trung vào 6 ngành, 6 lĩnh vực tập trung cho người tiêu dùng trong nước, tiêu dùng thiết yếu trong nước.
Dân số mình hơn 90 triệu người. Mỗi năm đâu đó có 1 triệu cặp đôi mới cưới. Họ có nhu cầu nhà ở. Nên chúng tôi tập trung vào các dự án giá vừa phải cho những cặp vợ chồng trẻ có nhu cầu ở. Cái đó là thiết yếu của nền kinh tế. Dù kinh tế đi lên hay đi xuống, họ vẫn phải lấy vợ lấy chồng, vẫn có nhu cầu nhà ở.
Hay như kinh tế có đi lên đi xuống thì thực phẩm vẫn phải dùng, xe vẫn phải đi. Ở đây, chúng tôi không tập trung vào những doanh nghiệp kinh doanh ôtô, như taxi, vì họ kinh doanh, cũng không tập trung vào những người mua xe để kinh doanh. Techcombank tập trung vào người mua xe để dùng. Vì họ có khả năng tài chính cụ thể.
Vì thế, giả dụ kinh tế đi xuống, khách hàng chúng tôi tập trung vẫn có cơ sở, nền tảng để sống, để trả nợ thường xuyên. Đó là điểm chúng tôi chọn. Khả năng trả nợ là điểm thiết yếu, chứ không phải là tài sản đảm bảo.
Hay ở doanh nghiệp, chúng tôi tập trung những doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ trong nước. Còn với xuất khẩu và tiêu thụ ở nước ngoài, cái khó khăn là khi thị trường bên ngoài biến động, ngân hàng không có khả năng giải quyết được cho khách hàng những gì biến động trên thế giới.
Tất nhiên không phải những nhu cầu đó chúng tôi không đáp ứng. Nhưng khoảng 90% chúng tôi tập trung vào nhóm 6 lĩnh vực, ngành tiêu dùng trong nước.
Còn với rủi ro chính sách thì sao, như vừa qua và hiện nay Ngân hàng Nhà nước liên tiếp có những điều chỉnh và dự kiến điều chỉnh các giới hạn, rào cản kỹ thuật trong hoạt động ngân hàng?
Để đảm bảo ứng xử tốt với rủi ro chính sách, một lần nữa chúng tôi nhấn mạnh phải đảm bảo mình có vốn chủ sở hữu mạnh, đảm bảo đi được và theo được những tiêu chuẩn tốt nhất trên thế giới.
Ở đây, rủi ro chính sách bản chất là Ngân hàng Nhà nước, hay các cơ quan có thẩm quyền, đều muốn sự an toàn cho nền kinh tế, an toàn cho người dân. Vậy nên miễn sao chúng tôi làm việc trong phạm vi đó, thì rủi ro chính sách không phải là vấn đề lớn. Tôi khẳng định như vậy.
Ngoài ra, thực tế chúng tôi đi rất gần với các chính sách của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước, để đảm bảo chủ động và đúng hướng, để cùng tốt và đóng góp cho nền kinh tế. Đó là chuyện chúng ta phải làm, chứ không hẳn là rủi ro chính sách.
MINH ĐỨC
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.