Chỉ thị số 11 Chính phủ vừa ban hành hôm nay (23/4) đề ra nhiều giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản (BĐS) phát triển ổn định, lành mạnh.
Theo đánh giá của Chính phủ, bên cạnh những vấn đề tích cực, thị trường BĐS còn có những dấu hiệu “chưa thực sự bền vững, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro” của thị trường. Cơ cấu hàng hoá BĐS chưa hợp lý, dư thừa sản phẩm nhà ở cao cấp, diện tích lớn, giá bán cao, thiếu nhà ở xã hội và nhà thấp phù hợp nhu cầu với nhu cầu đại bộ phận người dân.
Giá hàng hoá BĐS, nhất là nhà ở còn cao so với thu nhập của người dân. Cơ sở dữ liệu, thông tin về thị trường BĐS từ quy hoạch, lựa chọn nhà đầu tư, thực hiện dự án đến giao dịch BĐS chưa đồng bộ, đầy đủ, thiếu tin cậy, thiếu minh bạch.
Từ những vấn đề nêu trên, Chính phủ đưa yêu cầu cụ thể, chi tiết đối với các bộ, ngành, địa phương.
Nghiên cứu một số định chế tài chính để giảm sự phụ thuộc của BĐS vào vốn ngân hàng
Trong quý III, Bộ Tài chính phải nghiên cứu, đề xuất, báo cáo Chính phủ về định hướng sửa đổi, bổ sung, ban hành mới quy định pháp luật để khai thác, sử dụng nguồn lực từ đất đai để phát triển thị trường BĐS, chống đầu cơ trong lĩnh vực này. Bộ cần tăng cường thanh, kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật liên quan đến thị trường BĐS, thực hiện nghiêm túc hình thức đấu giá nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước.
Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì phối hợp các bộ, ngành khác nghiên cứu một số định chế tài chính như Quỹ tiết kiệm nhà ở, Quỹ đầu tư BĐS, Quỹ tín thác BĐS… để huy động nguồn lực cho thị trường BĐS, giảm dần sự phụ thuộc vào vốn ngân hàng.
Kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào BĐS, đặc biệt là BĐS cao cấp
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) được giao nhiệm vụ theo dõi chặt chẽ tình hình, tiếp tục điều hành các giải pháp chính sách tiền tệ linh hoạt, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực kinh doanh BĐS. Các tổ chức tín dụng được khuyến khích phân bổ vốn cho các dự án phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp, nhà cho thuê…
NHNN cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng được chỉ định lập kế hoạch vốn cấp bù chênh lệch lãi suất, tổng hợp để báo cáo cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để bố trí vốn ngân sách cho phát triển nhà ở xã hội.
Nhiệm vụ đặt ra cho NHNN còn là tăng cường thanh tra, giám sát đối với cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh BĐS, xử lý nghiêm hành vi vi phạm trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra về BĐS
Bộ Xây dựng được yêu cầu hoàn thành dự án Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng, Nhà ở, Kinh doanh BĐS. Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Xây dựng phải đôn đốc các tỉnh thành sớm hoàn thiện, đưa vào vận hành hệ thống thông tin về nhà ở, thị trường BĐS, đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội.
Bộ Kế hoạch & Đầu tư được yêu cầu tham mưu, đề xuất, báo cáo Chính phủ bố trí vốn ngân sách cho phát triển nhà ở xã hội, kịp thời phân bổ vốn cho phát triển loại hình nhà ở này.
Chính phủ yêu cầu Bộ Tài nguyên & Môi trường tăng cường kiểm tra tình hình thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, việc giao, cho thuê đất, cấp sổ đỏ, quản lý, sử dụng đất tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các dự án đô thị, dân cư, khu du lịch nghỉ dưỡng có quy mô sử dụng đất lớn hoặc dự án có dấu hiệu vi phạm trong quản lý, sử dụng đất.
Lâm Tùng
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.