Theo thông tin từ CTCP Nhựa và Môi trường Xanh An Phát (HoSE:
AAA, An Phát Plastic), doanh nghiệp này ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý I khoảng 270 tỷ đồng, gấp gần 4 lần so với cùng kỳ 2018 và tăng 120% so với cả năm 2018.
Theo tài liệu ĐHCĐ thường niên 2019 vừa công bố, An Phát Plastic đặt mục tiêu tổng doanh thu 10.000 tỷ đồng và lãi ròng 510 tỷ đồng, cao nhất lịch sử, tăng lần lượt 25% và 180% so với kết quả năm trước. Sau quý I, ước tính công ty đã đi được gần một nửa “chặng đường” vạch ra trong năm. Điều này cũng cho thấy tính khả thi trong kế hoạch của An Phát Plastic, sau năm 2018 không như mong đợi do tác động khách quan từ chính sách giữ bình ổn giá bán mảng bao bì và hợp đồng bao tiêu mảng thương mại vật liệu nhựa bị trì hoãn tiến độ.
Năm 2019, những tín hiệu tích cực trong kết quả kinh doanh của An Phát Plastic đã xuất hiện ngay từ tháng đầu. Doanh nghiệp ghi nhận doanh số xuất khẩu 9.100 tấn sản phẩm bao bì màng mỏng chất lượng cao và túi vi sinh phân hủy, tăng 137% so với cùng kỳ.
Trong tháng cuối của quý I, An Phát Plastic ước tính sản lượng xuất khẩu đạt 8.500 tấn, tăng 120% so với cùng kỳ 2018. Doanh nghiệp này cũng cho biết, sau khi nhận xong đơn đặt hàng tháng 3, các nhà máy đang tập trung nguồn lực cho đơn tăng của tháng 4 và tháng 5 và tối đa công suất của các dây chuyền.
Tính trung bình trong 3 tháng đầu năm, An Phát Plastic ghi nhận thêm 3-5 khách hàng quốc tế. Đây là hệ quả tất yếu khi một số quốc gia đang bắt đầu chuyển dần sang sử dụng các sản phẩm túi, bao bì thân thiện với môi trường. Từ 2019, luật cấm sử dụng túi nylong 1 lần sẽ bắt đầu có hiệu lực tại các khu vực như EU, New Zealand, Hàn Quốc… Trước đó, hơn 40 nước cũng đã có luật cấm hoặc đánh thuế túi nilon như Pháp, Rwanda, Italy, Canada, Chile…Đây là điều kiện thuận lợi để dòng sản phẩm thân thiện môi trường AnEco bao gồm túi vi sinh, dao thìa nĩa… rộng cửa xâm nhập vào thị trường khối châu Âu.
Bên cạnh lĩnh vực chính, mảng kinh doanh mới của An Phát Plastic là bất động sản công nghiệp cũng đang cho những kết quả đầu tiên. Sau khi chi gần 800 tỷ đồng mua lại dự án An Phát Complex (tên gọi trước đây là KCN Việt Hòa - Kenmark vốn đã bị bỏ hoang hơn 10 năm của nhà đầu tư Đài Loan), công ty đã cải tạo và cho các doanh nghiệp thuê lại. Bên cạnh các nhà máy của đơn vị thuộc Tập đoàn An Phát,
AAA đã nhận được hợp đồng thuê của các khách hàng trong và ngoài nước, bắt đầu ghi nhận lợi nhuận từ hoạt động này. Hiện nay, đối tác Leo Paper Group, tập đoàn hàng đầu của Hồng Kông chuyên sản xuất giấy đã thuê 03 nhà xưởng với diện tích 50.000m2. Dự kiến, toàn bộ diện tích cho thuê của An Phát Complex sẽ được lấp đầy vào năm 2020
Trong những tháng gần đây, không chỉ
AAA, An Phát Holdings, công ty mẹ của
AAA cũng đang đẩy mạnh phát triển và mở rộng hợp tác với khách hàng trên thế giới. Gần đây nhất, một thành viên khác của tập đoàn là An Trung Industries, đã trở thành nhà cung ứng cấp 2 cho Samsung thông qua việc ký kết hợp đồng cung cấp linh kiện điện thoại cho Elentec là nhà cung cấp cấp 1 của tập đoàn Hàn Quốc.
Các linh kiện này sẽ được sử dụng trực tiếp cho công đoạn sản xuất điện thoại của Samsung, góp phần đưa sản phẩm “made-in-Vietnam” chất lượng đến khách hàng trên toàn thế giới. Nhà máy An Trung Industries được đầu tư 400 tỉ đồng, có diện tích 13.000 m2 với 42 dây chuyền sản xuất, toàn bộ đều được nhập khẩu từ Nhật Bản, Hàn Quốc. Hiện nay, An Trung Industries tập trung sản xuất chủ yếu các sản phẩm linh kiện nhựa kĩ thuật với sản lượng khoảng 9 triệu sản phẩm/tháng.
Bên cạnh đó, Toyota tại Việt Nam, khách hàng lớn nhất của Nhựa Hà Nội – một doanh nghiệp mới của An Phát Holdings đang đẩy mạnh hợp tác với Tập đoàn này để gia tăng tỷ lệ nội địa hóa từ 30% lên 45% và cung cấp linh kiện nhựa.
Trước những dấu hiệu khởi sắc của An Phát Plastic nói riêng và tập đoàn, thị giá cổ phiếu
AAA liên tục tăng kể từ đầu năm. Tính đến 5/4, cổ phiếu
AAA có giá 17.700 đồng/cp, tăng 20% so với thời điểm cuối năm 2018.
Tới đây, doanh nghiệp thuộc An Phát Holdings này sẽ tổ chức ĐHCĐ thường niên 2019 trình lên cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh và một số vấn đề liên quan đến cổ tức và phát hành cổ phiếu ESOP.
Thu Hằng
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.