• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.252,72 -4,69/-0,37%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:03 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.252,72   -4,69/-0,37%  |   HNX-INDEX   224,63   -0,06/-0,03%  |   UPCOM-INDEX   91,82   -0,24/-0,26%  |   VN30   1.325,54   -4,08/-0,31%  |   HNX30   482,71   +1,32/+0,27%
26 Tháng Mười 2024 1:32:17 SA - Mở cửa
HVN: Chi phí bán hàng là nhược điểm lớn nhất của Vietnam Airlines
Nguồn tin: Người đồng hành | 07/05/2019 9:58:06 SA
Hai hãng hàng không chiến thị phần lớn nhất tại Việt Nam là Vietnam Airlines và Vietjet Airs vừa qua đã công bố BCTC hợp nhất quý I. Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu thuần hơn 25.536 tỷ đồng và lãi ròng 1.196 tỷ đồng, tăng 5% và 14%. Trong khi đó, 2 chỉ tiêu trên với Vietjet lần lượt là 13.636 tỷ đồng và 1.463 tỷ đồng, cao hơn 9% và 7% so với cùng kỳ 2018.
 
Dù doanh thu thuần gần gấp đôi Vietjet, lợi nhuận ròng của hãng hàng không quốc gia lại thua kém đối thủ. Biên lợi nhuận ròng của Vietnam Airline ở mức 4,68% trong khi hãng hàng không tư nhân đứng đầu phân khúc giá rẻ đạt 10,7%. Năm 2018, 2 con số này lần lượt 2,4% và 10%.
 
Chi phí bán hàng lại là khoản “ăn mòn” lợi nhuận lớn nhất của Vietnam Airlines, chiếm 5,6% với gần 1.431 tỷ đồng trong quý I. Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) từng đề cập đây chính là nhược điểm lớn nhất của Vietnam Airlines. Báo cáo của đơn vị này cho biết Vietnam Airlines từng nằm trong top 3 hãng bay có tỷ lệ chi phí bán hàng/doanh thu cao nhất châu Á theo số liệu năm 2017.
 
 
Có 3 nguyên nhân khiến chi phí bán hàng của hãng cao. Thứ nhất là tỷ lệ bán hàng thông qua internet thấp. Thứ hai là tỷ lệ hoa hồng khá cao cho các đại lý (Vietnam Airlines áp dụng chiết khấu 50.000 VNĐ/vé máy bay và tỷ lệ hoa hồng theo % trên doanh số cho các đại lý, trong khi Vietjet Air hoàn toàn không có tỷ lệ hoa hồng này mà chỉ tính cho các đại lý 50.000 VNĐ/vé máy bay).
 
Lý do thứ ba là việc tham gia liên minh hàng không Skyteam. Chi phí duy trì hệ thống kết nối các hãng máy bay của Skyteam khá cao, và có thể nhận thấy những hãng hàng không tham gia Skyteam thường có chi phí bán hàng/doanh thu cao như Garuda (7,6%), China Southern Airlines (5,38%), China Eastern Airlines (5,6%). Cá biệt có trường hợp Korean Airlines vẫn có thể duy trì chi phí bán hàng ở mức thấp so với bình quân ngành.
 
BVSC cho rằng hiện nay doanh thu quốc tế chiếm tỷ trọng chính trong tổng doanh thu của Vietnam Airlines và việc tham gia trong liên minh hàng không Skyteam giúp hãng thuận lợi trong việc khai thác các chuyến bay quốc tế, do đó việc rời bỏ Skyteam mặc dù cải thiện chi phí bán hàng nhưng cũng kéo theo doanh thu quốc tế giảm, là phương án không phù hợp. Ngoài ra, như trường hợp của Korean Airlines dù doanh thu quốc tế chiếm khoảng 93% tổng doanh thu của Korean Airlines và cùng gia nhập Skyteam, nhưng chi phí bán hàng/doanh thu của Korean Airlines chỉ ở mức 3,36%. Do đó, Vietnam Airlines có thể cải thiện chi phí bán hàng thông qua việc đẩy mạnh các giao dịch điện tử và giảm hoa hồng cho các đại lý bán vé.
 
Trong bản cáo bạch niêm yết HoSE, nhiều yếu tố khác của 2 hãng hàng không này cũng đặt lên bàn cân. Tính đến cuối 2018, tổng tài sản của Vietnam Airlines gấp 2 lần Vietjet, trong đó 70% là tài sản dài hạn. Do Vietjet Air sử dụng máy bay theo mô hình bán và cho thuê lại (phương thức thuê hoạt động) khác với mô hình truyền thống. Lượng tàu bay sở hữu của hãng hãng không quốc gia gấp 1,5 lần đội bay của Vietjet Air. Tuy nhiên, cùng với tài sản lớn, nợ vay của Vietnam Airlines cũng gấp 5,6 lần của Vietjet Air.
 
Theo CTCK TPHCM (HSC), Vietnam Airlines đang cải thiện tình hình tài chính bằng việc chuyển hướng sáng bán và thuê lại máy bay. Doanh nghiệp này đã không còn mua “đứt” máy bay từ năm 2016. Tính đến cuối 2018, hãng này đang có 54 máy bay sở hữu và số lượng này vẫn duy trì ổn định cùng 39 máy bay thuê hoạt động, trong đó 13 máy bay bán và thuê lại.
 
Theo HSC, hãng này sẽ duy trì tỷ lệ máy bay thuê và máy bay sở hữu ở mức 50/50. Nhờ chuyển mô hình sang bán và thuê lại, nợ vay của Vietnam Airlines đã giảm từ 25% trong 2017 và 19% trong 2018 còn 1,51 tỷ USD. Nhờ đó, tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu liên tục giảm từ 3,75 lần năm 2016 xuống 2,07 vào cuối 2018.
 
Năm 2019, Vietnam Airlines đặt kế hoạch cho doanh thu hợp nhất gần 111.729 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2018. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 2.680 tỷ đồng, tăng 6% và tổng kinh phí đầu tư hơn 5.400 tỷ đồng.
 
HSC cho biết, doanh nghiệp dự kiến tiếp nhận tổng cộng 22 máy bay mới, trong đó có 2 máy bay Airbus A350 theo thỏa thuận bán và thuê lại, 17 máy bay Airbus A321 và 3 máy bay Boeing B787 thuê hoạt động. 3 chiếc trong số trên để thay thế, theo đó tổng số lượng máy bay sẽ tăng lên 112 chiếc, tương đương mức tăng 20%.
 
Tại đại hội cổ đông sắp tới, Vietnam Airlines sẽ trình chủ trương đầu tư mua 50 tàu bay thân hẹp và 10 động cơ dự phòng giai đoạn 2021 – 2025 với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 3,76 tỷ USD. Nguồn vốn được lấy từ vốn chủ sở hữu gần 500 triệu USD, nguồn chi phí sản xuất kinh doanh hàng năm hơn 1,93 tỷ USD và vốn huy động hơn 1,35 tỷ USD.
 
Hãng dự kiến sở hữu đội tàu khoảng 135-177 chiếc đến 2025; trong đó đội tàu bay thân hẹp ở mức khoảng 95-120 chiếc. Lợi nhuận trước thuế hàng năm của cả mạng bay trong giai đoạn 2021-2025 dự kiến khoảng 2.219 đến 3.580 tỷ đồng/năm, trong đó lợi nhuận vận tải hàng không của đội tàu bay thân hẹp đạt khoảng từ 359 đến 1.413 tỷ đồng/năm.
 
Lệ Hải
Tuyên bố trách nhiệmBài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.