Thị trường biến động khó lường trong tuần giao dịch 15-19/7 với những phiên tăng giảm điểm đan xen. Chốt tuần, VN-Index đứng ở mức 982,34 điểm, tăng 0,7% so với tuần trước. HNX-Index cũng chỉ tăng 1,1% lên 107,07 điểm.
Tâm điểm của thị trường tuần qua đó là các cổ phiếu ngân hàng. Triển vọng kết quả kinh doanh quý II tích cực đã giúp nhiều cổ phiếu thuộc nhóm ngành này tăng giá mạnh và là nhân tố chính giúp thị trường có những phiên tăng điểm khá mạnh. Trong đó, cổ phiếu
VCB của Vietcombank đóng vai trò dẫn dắt dòng tiền với việc tăng 7,2% lên 79.000 đồng/cp. Lợi nhuận trước thuế (LNTT) 6 tháng đầu năm 2019 của Vietcombank ở mức 11.280 tỷ đồng, tăng 40,7% so với cùng kỳ, thực hiện 55% kế hoạch, cũng là mức lợi nhuận 6 tháng kỷ lục của ngân hàng này.
Tương tự, Ngân hàng Quốc tế (
VIB) cũng ghi nhận mức LNTT 6 tháng kỷ lục 1.820 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế tăng 58% lên 1.456 tỷ đồng. Ở tuần qua, cổ phiếu
VIB tăng 7,1%. Các cổ phiếu ngân hàng khác cũng có mức tăng giá tích cực như
ACB của Ngân hàng Á Châu (2,7%),
BID của Ngân hàng BIDV (4,5%),
MBB của Ngân hàng MB (4%)...
Trong khi đó, biên độ tăng giá của nhiều cổ phiếu trên thị trường trong tuần từ 15-19/7 vẫn khá lớn và như thường lệ chỉ tập trung mạnh ở sàn UPCoM.
Trên sàn HoSE, dẫn đầu danh sách tăng giá là cổ phiếu
PDN của Cảng Đồng Nai với 24,8%. Ngày 19/7,
PDN đã thực hiện chốt danh sách cổ đông chi trả cổ tức đợt cuối năm 2018 bằng tiền tỷ lệ 25% và phát hành cổ phiếu thưởng do thực hiện tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu tỷ lệ 50%. Tổng tỷ lệ chi trả 75%. Công ty cũng mới công bố BCTC quý II với lãi sau thuế chỉ xấp xỉ cùng kỳ và đạt 31 tỷ đồng. Lãi sau thuế 6 tháng đạt gần 65 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ.
Chiều ngược lại, cổ phiếu
VIS của Thép Việt Ý đứng đầu danh sách giảm giá với gần 30%. Trong tuần,
VIS đã có trọn vẹn cả 5 phiên giảm sàn, còn nếu nhìn xa hơn thì cổ phiếu này giảm sàn trong 7 phiên liên tiếp. Nguyên nhân của việc cổ phiếu này liên tục lao dốc là do kết quả kinh doanh không được tốt. Công ty
VIS lỗ tiếp 32,2 tỷ đồng quý II, lũy kế 6 tháng đầu năm vẫn lỗ đến gần 66 tỷ đồng.
Tại sàn HNX có 3 cổ phiếu tăng giá trên 30% đó là
LM7 của Lilama 7,
D11 của Địa ốc 11 và
ALT của Văn hóa Tân Bình. Trong số này, hai cổ phiếu
LM7 và
ALT có thanh khoản rất thấp khi chỉ khớp lệnh được vài trăm cho đến vài nghìn cổ phiếu mỗi phiên.
D11 dù thanh khoản có cải thiện hơn 2 mã trên nhưng vẫn thuộc hàng thấp với khối lượng khớp lệnh trung bình 10 phiên gần nhất là 21.000 cổ phiếu.
Chiều ngược lại, đứng đầu danh sách giảm giá sàn này là cổ phiếu
VLA của Đầu tư và Phát triển Công nghệ Văn Lang với 27%. Cổ phiếu
VLA không có giao dịch ở 2 phiên đầu tuần, nhưng giảm sàn trong 3 phiên còn lại với khối lượng khớp lệnh chỉ 100 cổ phiếu mỗi phiên.
Trên sàn UPCoM, thống kê cho thấy sàn này vẫn ghi nhận 11 cổ phiếu tăng giá trên 30%. Trong đó, cổ phiếu
FRC của Lâm đặc sản Xuất khẩu Quảng Nam tăng giá mạnh nhất, lên đến 73%. Trong tuần, cổ phiếu
FRC đã tăng trần trong cả 5 phiên giao dịch dù hiện tại không có nhiều thông tin về doanh nghiệp này xuất hiện trên thị trường.
Trong khi đó, cổ phiếu giảm giá mạnh nhất sàn UPCoM là
TLI của May Quốc tế Thắng Lợi với 50%. Cổ phiếu LTI lên sàn UPCoM vào ngày 25/1 với giá tham chiếu 17.200 đồng/cp ngay sau đó, cổ phiếu này leo lên mức 33.600 đồng/cp không lâu sau đó và duy trì mức giá này cho đến phiên giao dịch 12/4 rồi liên tục lao dốc không phanh. Hiện tại, giá cổ phiếu
TLI chỉ còn 3.250 đồng/cp, giảm đến 90% so với thời điểm nêu trên.
Bình An
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.