- Vừa qua, MSCI quyết định chưa đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi nâng hạng thị trường. Ông nhận định như thế nào về sự kiện này?
- Chúng ta không nên ngạc nhiên với việc này vì tin đồn ngoài thị trường đã có từ khá lâu rồi. Nói riêng là MSCI có những quan ngại về vấn đề room ngoại tại Việt Nam. Trong khi các quy định với vấn đề này chưa được nới lỏng một cách rõ ràng, chúng ta cần hiểu sự việc sẽ là như thế.
Tuy nhiên, bên cạnh MSCI còn có FTSE cũng là một tổ chức đánh giá các chỉ số. FTSE cho biết room đối với họ không hẳn là vấn đề lớn nên chúng ta cũng không phải ngạc nhiên hay lo lắng quá về vấn đề này.
- Trong chuyến làm việc tại Anh của giới chức ngành tài chính Việt Nam lần này, ông nhận thấy sự quan tâm của nhà đầu tư bản xứ đối với thị trường Việt Nam như thế nào?
- Tôi thấy các nhà đầu tư nước ngoài nói chung trong đó có nhà đầu tư ở Anh nói riêng quan tâm nhiều đến Việt Nam. Sự quan tâm đó không phải mới có, mà có cũng lâu rồi, nhưng ngày càng được nhấn mạnh.
Nếu phân tích sự quan tâm này, chúng ta có thể thấy 2 khía cạnh: Một là sự quan tâm để tìm hiểu ngày càng sâu rộng hơn về thị trường Việt Nam; cơ hội, thách thức, định hướng, chuẩn mực, thông lệ cũng như các quy định, cách làm. Hai là họ muốn đầu tư thực sự nhưng nhiều khi một nhà đầu tư ở Anh khó đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. Đây là chuyện không chỉ riêng ở Việt Nam hay Anh mà ở hầu hết các thị trường. Riêng trường hợp của Việt Nam thì lại có những khó khăn cụ thể.
- Vậy rào cản chính đối với nhà đầu tư Anh khi đầu tư vào Việt Nam là gì?
- Sáng nay, Bộ trưởng Tái chính Việt Nam có chú trọng ba vấn đề, là mục tiêu Chính phủ, trong đó có Bộ Tài chính, cần cải thiện. Một là con người. Hai là thể chế hoá, hoàn thiện cơ chế thị trường. Ba là cơ sở hạ tầng.
Đối với nhà đầu tư tài chính như chúng tôi, cụ thể là nhà đầu tư Anh, có thể nói vấn đề thứ hai là cần chú trọng nhiều nhất. Thể chế hoá ở luật, ở định chế, ở các công ty tiến hành nghiệp vụ... đều cần bổ sung thúc đẩy.
- Với các sản phẩm như chứng quyền có đảm bảo (CW) hay hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ vừa ra mắt, các nhà đầu tư tổ chức như Dragon Capital đánh giá thế nào?
- Thú vị lắm. Chúng tôi rất muốn tham gia hợp đồng tương lai đối với thị trường cổ phiếu, tuy nhiên các ngân hàng lưu ký vẫn hơi ngại. Tìm hiểu hợp đồng tương lai với thị trường trái phiếu khá thú vị. Mới đây nhất là CW. Chúng tôi hiện đang nghiên cứu và chắc là sẽ phải có phương án tham gia. Nó là sản phẩm cho nhà đầu tư có đòn bẩy và giúp cho việc phân bổ vốn được có hiệu quả hơn.
- Vậy ông nhận định như thế nào về thị trường chứng khoán Việt Nam trong 6 tháng cuối năm?
- Xin lỗi tôi không dự báo. Ngành chứng khoán này khó dự báo lắm !
Trọng Giáp
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.